Live show Chế Linh và câu chuyện âm nhạc

05:04, 25/04/2016

Đà Lạt đêm 23/4, khi đã 20h30, xe chở loa phóng thanh vẫn chạy quanh các trục đường gần điểm diễn mời bà con đi xem show diễn ca sỹ Chế Linh, mua vé giảm giá; trong khi các chương trình quảng bá rầm rộ trước đó ghi giờ diễn là 20h.

Đà Lạt đêm 23/4, khi đã 20h30, xe chở loa phóng thanh vẫn chạy quanh các trục đường gần điểm diễn mời bà con đi xem show diễn ca sỹ Chế Linh, mua vé giảm giá; trong khi các chương trình quảng bá rầm rộ trước đó ghi giờ diễn là 20h. Sự vớt vát phút chót ấy của nhà tổ chức đã cho thấy một đêm diễn dù được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, quảng bá chương trình bằng nhiều phương thức marketing(trực quan, truyền thông, truyền miệng…) đến phút cuối đã không được như đơn vị tổ chức mong đợi.
 
Tình cảnh này khiến không ít người Đà Lạt nhớ lại một đêm diễn cách đây 3 năm, vào dịp Lễ Tình nhân 14/2 (trùng ngày mồng 4 Tết), cũng một chương trình ca nhạc (có điểm khác vì là show tổng hợp, được quảng cáo gồm nhiều tên tuổi đã thành danh và cả những ngôi sao mới nổi của một chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc vừa mới diễn ra đầy sức nóng) được tổ chức tại sân khấu ngoài trời đã bị “bể”. Đến đêm khuya, khi khán giả Đà Lạt (vốn được đánh giá là lành tính) la ó, mới có sự xuất hiện của một ca sỹ duy nhất, hát mấy bài rồi tạm biệt, sân khấu tắt đèn. Sau đêm diễn ấy, nhà tổ chức chua chát thừa nhận, vì không bán được vé, đến sát giờ diễn không thể thỏa thuận với các nghệ sỹ nên chỉ còn một phương án duy nhất là vét sạch doanh thu ít ỏi để có được một tiếng hát duy nhất gửi đến người nghe.
Nếu như show diễn cách đây 3 năm có nguyên nhân thất bại là diễn ra vào dịp Tết, “đánh” vào thị trường khách du lịch không thành (vì dường như khách hạng sang đã thừa thãi với các chương trình dạng này ở nơi họ sống), khách địa phương không mặn mà vì còn có nhiều mối quan tâm khác và khâu quảng bá gấp gáp, thì show của ca sỹ Chế Linh lần này hoàn toàn khác. Đây là show diễn có thời gian và không gian, mật độ quảng cáo thuộc dạng “khủng”. Đi vào những con hẻm nhỏ, ngóc ngách, người Đà Lạt (và cả các huyện lân cận) vẫn thấy băng rôn quảng cáo. Loa truyền thanh liên tiếp phát thông tin mời gọi về show diễn (đến mức đơn vị tổ chức đã bị phạt vì chưa xin phép cơ quan quản lý quảng cáo theo hình thức này). Không gian biểu diễn khá ấm cúng tại một địa điểm đã diễn ra nhiều hội nghị, tiệc cưới. Thời gian tổ chức không trùng với các sự kiện khác, nghĩa là không có yếu tố cạnh tranh. Vậy tại sao người Đà Lạt vẫn chưa mặn nồng?
 
Nhiều ý kiến nhận định nguyên nhân chính do giá vé cao so với mức sống của người Đà Lạt và thị trường Đà Lạt không như miền Tây sông nước, nơi mà người dân sẵn lòng lấy cả gạo trong nhà đi bán để có tiền xem show. Hơn nữa, dòng nhạc của nghệ sỹ Chế Linh có sức hút với đa phần là khán giả lớn tuổi, mà lượng khán giả này chưa hẳn đã có điều kiện về tài chính, về thời gian, sức khỏe để đi xem một đêm diễn như thế. Phải chăng người Đà Lạt lạnh lùng với nghệ thuật hay cách sống không bon chen, không căng mình cùng sở thích, cùng thị hiếu đã khiến thị trường Đà Lạt trở thành dấu chấm hỏi mà không ít nhà tổ chức e dè?
 
Nhìn về phía các đêm diễn tại những không gian nhỏ hơn, như các bar, các vũ trường, Đà Lạt vẫn có sự xuất hiện của không ít ngôi sao từ TP. HCM, Hà Nội đến biểu diễn. Và được chứng kiến không ít bạn trẻ, trong đó có những bạn trẻ từ các huyện lân cận hào hứng lên Đà Lạt để xem thần tượng, sẵn lòng chi phí các khoản nước uống không phải là thấp để có một chỗ ngồi mới thấy sự lệch pha trong mặt bằng thị hiếu của người Đà Lạt; sự khác biệt về gu tìm kiếm, thưởng thức, lựa chọn nghệ thuật tại một đô thị trẻ có thành phần cư dân đến từ nhiều vùng, miền.
 
Show Chế Linh vẫn diễn ra, dù muộn, tiếng hát người nghệ sỹ cứ da diết, nồng nàn trong đêm khiến người nghe như càng trân quý hơn cơ hội ấy - cơ hội hiếm hoi được nghe một giọng hát bền bỉ với thời gian và hẳn nhiên là yêu Đà Lạt. Trong đêm diễn, đại diện đơn vị tổ chức cảm ơn sự có mặt của khán giả, bày tỏ rằng chương trình này được tổ chức vì tình yêu Đà Lạt và sau show diễn sẽ trả lại cho Đà Lạt sự bình yên vốn có. Sự bình yên ấy đã trở lại nhưng liệu những show diễn hoành tráng có còn mạnh dạn được tổ chức ở phố núi? Nghệ thuật cần sự đồng điệu và giá như sự đồng điệu ấy có điều kiện lan tỏa rộng hơn từ nhiều yếu tố đi kèm phù hợp, cho cảm xúc trọn vẹn thăng hoa…
 
HẢI YẾN