Người dân đóng vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh nguy hiểm

09:04, 25/04/2016

"Chúng ta biết rằng, việc diệt loăng quăng, diệt muỗi thì phải vận động người dân làm sao để tự người dân tổ chức diệt, chứ chúng ta không thể tổ chức những chiến dịch gọi là bề nổi, chỉ nổi ngày hôm đó xong là không giải quyết vấn đề" - Ths Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng (TTYTDP).

“Chúng ta biết rằng, việc diệt loăng quăng, diệt muỗi thì phải vận động người dân làm sao để tự người dân tổ chức diệt, chứ chúng ta không thể tổ chức những chiến dịch gọi là bề nổi, chỉ nổi ngày hôm đó xong là không giải quyết vấn đề” - Ths Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng (TTYTDP).
 
Ths - BS Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc TTYTDP tỉnh (bìa trái) kiểm tra mật độ muỗi và loăng quăng tại nhà dân ở Bảo Lộc
Ths - BS Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc TTYTDP tỉnh (bìa trái) kiểm tra mật độ muỗi và loăng quăng tại nhà dân ở Bảo Lộc
Loăng quăng ở đâu? Muỗi ở đâu?
 
Ngành Y tế đang kêu gọi người dân diệt muỗi, diệt loăng quăng để phòng chống sốt xuất huyết và Zika. Tình hình sốt xuất huyết khu vực các tỉnh phía Nam năm 2015 tăng cao so với các năm trước (hơn 2 lần so với năm 2014) và từ đầu năm 2016 đến nay, sốt xuất huyết khu vực phía Nam tăng 2,3 lần so với cùng kỳ 2015. Các tỉnh Đồng Nai 1.600 ca; Tp. HCM 7.000 ca; Bình Dương 1.300 ca; Đồng Tháp 1.400 ca; Lâm Đồng 112 ca (tăng 100 ca so với cùng kỳ) tập trung ở Đức Trọng, Bảo Lộc, Cát Tiên.
 
Tổ chức 2 điểm giám sát dịch bệnh do virus Zika tại 2 BVĐK tỉnh
 
Theo BS Đồng Sĩ Quang - Trưởng Phòng nghiệp vụ Y Dược Sở Y tế, tỉnh Lâm Đồng là 1 trong 32 tỉnh, thành phố triển khai điểm giám sát dịch bệnh do virus Zika tại 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK Lâm Đồng ở Đà Lạt và BVĐK II Lâm Đồng ở Bảo Lộc). Mục tiêu nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời. Kết quả đến ngày 4/4/2016, tại 32 tỉnh, thành phố đã xét nghiệm 1.215 mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp có biểu hiện tương tự như nhiễm virus Zika, trong đó đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với virus Zika tại Khánh Hòa và Tp. HCM. Đến nay, TTYTDP tỉnh đã lấy 93 mẫu (ở Bệnh viện II Lâm Đồng 81 mẫu và BVĐK tỉnh 12 mẫu) gởi xét nghiệm, đã nhận được kết quả 51 mẫu đều âm tính với virus Zika.                                                         

Để phòng chống sốt xuất huyết, TTYTDP tỉnh ngay từ đầu năm đã xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị tuyến huyện triển khai. Đồng thời, phối hợp với Viện Pasteur Tp. HCM giám sát côn trùng, mở các lớp tập huấn giám sát côn trùng; tổ chức diệt loăng quăng, muỗi phòng chống sốt xuất huyết và Zika. Tổ chức giám sát loăng quăng tại 65 điểm, giám sát mật độ muỗi tại 20 điểm lưu hành sốt xuất huyết, không có điểm vượt ngưỡng về côn trùng.

Ths - BS Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc TTYTDP tỉnh cho biết: “Trung ương đã đi kiểm tra cùng chúng tôi đến 30 nhà dân điều tra, bắt muỗi ở 5 huyện nhưng thấy chỉ số muỗi rất ít. Tôi đặt vấn đề với anh em là loăng quăng ở đâu, muỗi ở đâu? - Một câu hỏi rất khó mà vừa rồi dự Hội nghị ở Tp. HCM do BYT tổ chức cũng đề nghị lãnh đạo các đơn vị trả lời giúp 2 câu hỏi: Loăng quăng ở đâu? - Muỗi ở đâu? Như vậy chúng ta không tìm được câu trả lời là rất khó. Theo tôi biết, mỗi con muỗi bay khoảng tối đa 500 mét, nhưng điều tra thực tế ở xã Lộc Nga - Bảo Lộc, tôi đi 1 cây số chẳng có hồ ao nào cả, thế thì muỗi ở đâu tới, đây là vấn đề trong phòng chống sốt xuất huyết hết sức khó khăn”.

Trong phòng chống sốt xuất huyết có sự quan tâm của chính quyền các cấp, TTYTDP tỉnh đã phối hợp tổ chức những buổi mít tinh, chiến dịch diệt loăng quăng, phun hóa chất, đặc biệt có những điểm tăng cao chỉ số côn trùng nên TTYTDP tỉnh đã xin ý kiến của Cục Y tế Dự phòng phun hóa chất phòng chống ở 17 điểm.

Có kế hoạch phòng chống dịch bệnh lâu dài
 
Đối với tình hình phòng chống dịch bệnh do nhiễm virus Zika, sau khi tập huấn ở Tp. HCM, TTYTDP tỉnh đã tổ chức hội thảo, 2 lớp tập huấn về giám sát và điều trị và tổ chức riêng một lớp lấy mẫu giám sát xét nghiệm cho tuyến tỉnh. TTYTDP tỉnh đã tham mưu cho tỉnh, cho ngành để chỉ đạo theo các chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh về phòng chống dịch bệnh do nhiễm virus Zika.
 
Ths-BS Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc TTYTDP tỉnh cho biết: “Chúng ta biết rằng, việc diệt loăng quăng, diệt muỗi thì phải vận động người dân làm sao để tự người dân tổ chức diệt, chứ chúng ta không thể tổ chức những chiến dịch gọi là bề nổi. Bởi vì, sắp vào mùa mưa, chúng tôi đi kiểm tra rất nhiều nhà có loăng quăng. Người dân mới thắc mắc loăng quăng ở đâu, tại sao lại có loăng quăng ở chỗ này khi người ta mới chứa nước được 2 ngày? Điều này hoàn toàn đúng, con muỗi đẻ vào tất cả những vật chứa, lá cây, khi chúng ta không đổ hoặc không rửa những vật chứa trước khi đựng nước thì khi có nước chứa, chỉ trong ngày hôm trước đến ngày hôm sau loăng quăng đã phát triển. Dù có đổ nước và loăng quăng đi thì lại trứng muỗi ở đấy tiếp tục nở nữa. Cho nên giải pháp giải quyết vấn đề chỉ có người dân và người dân phải thường xuyên diệt muỗi, loăng quăng; y tế và cán bộ phường, xã  hướng dẫn người dân làm công tác này”.
 
TTYTDP tỉnh đề nghị đối với chiến dịch diệt loăng quăng, diệt muỗi phòng chống sốt rét và Zika, ngành Y tế ký cam kết với chính quyền các địa phương; BCĐ các cấp, chính quyền các địa phương ký cam kết với các xã; các xã ký với các thôn; người dân cam kết với các thôn tự diệt loăng quăng, muỗi, có như vậy chúng ta mới duy trì lâu dài được. 
 
Ths-BS Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc TTYTDP tỉnh thông tin thêm về 2 trường hợp mắc Zika (1 trường hợp 64 tuổi ở Khánh Hòa và 1 trường hợp 33 tuổi ở Tp.HCM) khi giám sát điều tra dịch tễ thấy rằng, bệnh nhân không đi đâu, cô 33 tuổi đang mang thai có chồng làm ở Malaysia nhưng chồng xét nghiệm âm tính.
 
Như vậy, chúng ta phải nói rằng, virus Zika đã xâm nhập vào Việt Nam từ lúc nào hiện nay chúng ta không biết; nó đã truyền từ người bệnh sang con muỗi, sắp tới sẽ trở thành bệnh dịch lưu hành tại địa phương; mà đã lưu hành tại địa phương thì không phải một sớm một chiều chúng ta dập ngay nó được. Chúng ta phải xem đây là kế hoạch, chiến dịch hết sức lâu dài. Theo dịch tễ học, chúng tôi biết ngoài làm chứng bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) đã công bố người lớn nếu nhiễm virus Zika thì tế bào não bị tiêu hủy một phần gây nên một số triệu chứng về thần kinh. TTYTDP tỉnh đề nghị các địa phương tổ chức buổi truyền thông phát động mẫu để từng xã tổ chức buổi họp, mít tinh, để có sự cam kết giữa người dân với địa phương tự diệt muỗi, loăng quăng, như vậy chúng ta mới phòng chống tốt bệnh sốt xuất huyết và Zika.
 
AN NHIÊN