Đến thời điểm này, việc xác định ranh giới, diện tích lòng hồ Đankia - Suối Vàng vẫn chưa thống nhất, chưa có bàn giao, quản lý, phân cấp, giao trách nhiệm quản lý rõ ràng nên chưa xác định được trách nhiệm cụ thể cho đơn vị nào.
[links()]
Ngay sau khi báo Lâm Đồng phản ánh tình trạng người dân bạt núi, lấp suối, lấn chiếm lòng hồ Đankia - Suối Vàng, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt chính của cư dân Đà Lạt, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền huyện Lạc Dương cùng các đơn vị liên quan phối hợp xác minh, xử lý nghiêm vụ việc…
Điều đáng nói ở đây, chỉ khi các cơ quan chức năng vào cuộc mới phát hiện sự nhập nhằng trong quản lý dẫn đến hệ lụy hàng loạt núi đồi đã bị san bạt.
|
Đường đất chặn ngang nhánh suối đã được phá bỏ |
San núi, lấp hồ cải tạo vườn
Trở lại khu vực hồ Đankia - Suối Vàng vào một ngày trung tuần tháng Tư để ghi nhận việc chính quyền địa phương cùng các cơ quan hữu quan của tỉnh xử lý, giải tỏa, hoàn trả nguyên trạng cho lòng hồ bị người dân lấn chiếm theo chỉ đạo của UBND tỉnh trước đó. Đứng trước khu vực xử lý hoàn nguyên hồ Đankia - Suối Vàng, chúng tôi không thể tin nhưng sự thật hiển hiện trước mắt là hàng loạt quả đồi dọc theo nhánh suối Phước Thành, đoạn từ hố Đất Đen (phường 7, TP Đà Lạt) đổ về hồ Đankia - Suối Vàng (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương), đã bị người dân “băm nát”, đục khoét, san bạt, lập vườn sản xuất nông nghiệp.
Theo người dân địa phương, việc một số người sử dụng xe cơ giới san ủi, đào khoét núi dọc theo nhánh suối này đã diễn ra từ giữa năm 2015 đến nay nhưng không thấy cơ quan chức năng có động tĩnh gì. Nhiều người còn được chính quyền địa phương cấp phép cho san ủi, cải tạo vườn nhưng thực chất để khai thác đất là chính. Trao đổi với chúng tôi về vụ việc, đại diện lãnh đạo UBND TP Đà Lạt, khẳng định: Thành phố không cấp phép san ủi cho bất kỳ trường hợp nào. Còn khu vực có san ủi thuộc địa bàn quản lý của huyện Lạc Dương. Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Phạm Triều: Khu vực đang san ủi dọc theo nhánh trái của suối Phước Thành đổ về hồ Đankia - Suối Vàng thuộc sự quản lý hành chính của TP Đà Lạt. Ông triều cũng xác nhận, UBND huyện Lạc Dương có cấp phép cho 29 trường hợp san ủi, trong đó tại thị trấn Lạc Dương chỉ có 10 trường hợp san ủi để cải tạo vườn, trong quá trình san ủi có “tận dụng” đất dư thừa để nâng mặt vườn cho một số người có nhu cầu chứ không có việc khai thác đất (?!).
Hoàn nguyên cũng như không
Trở lại việc xử lý trả lại nguyên trạng trước khi bị lấn chiếm cho lòng hồ Đankia - Suối Vàng. Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Phạm Triều, cho biết: Ngay sau khi báo chí phản ánh và tiếp nhận văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã chỉ đạo ngay các cơ quan, đơn vị chức năng vào cuộc xác minh; huy động lực lượng thực hiện cưỡng chế, giải tỏa, trả lại nguyên trạng các khu vực bị người dân san ủi, lấn chiếm và tiến hành xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan. Theo đó, ngoại trừ vị trí bán ngập của hồ (khu vực suối Phước Thành đổ vào hồ Đankia - Suối Vàng; thuộc tiểu khu 112C, tổ dân phố Đan Kia, thị trấn Lạc Dương), với diện tích đất san gạt, tác động 5.000m
2, trong đó 3.030m
2 người vi phạm đã đổ đất làm mất cảnh quan nhưng chưa xác định được chủ sử dụng đất. Do khối lượng đất đổ tại khu vực này quá lớn, huyện chỉ đạo đào mương xung quanh lô đất để ngăn không cho người dân tái lấn chiếm. Những vị trí còn lại đến thời điểm này việc hoàn nguyên cũng đã xong. Thế nhưng, theo ghi nhận thực tế, ngoài việc hộ ông Kră Jăn Mơ (trú tại tổ dân phố Đăng Gia, thị trấn Lạc Dương), tự phá bỏ con đường với tổng diện tích 320m
2 thuộc khu vực lòng hồ, đến nay, huyện Lạc Dương mới chỉ thực hiện cưỡng chế, phá bỏ được đoạn đường đất chặn ngang nhánh suối phía sau Nhà máy Đankia II và một phần rất nhỏ diện tích đất lấn chiếm hai bên con suối này, còn lại đều vẫn nguyên như cũ.
Đối với việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý để san bạt đất, lấn chiếm hồ Đankia - Suối Vàng, dù huyện báo cáo với UBND tỉnh đã thực hiện rất nghiêm nhưng kết quả chỉ có mình ông Hoàng Xuân Hải, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Lạc Dương chịu hình thức kỷ luật khiển trách. Các tập thể, gồm: UBND huyện, UBND thị trấn, Phòng TN&MT của huyện đều nhận hình thức “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Và tuyệt nhiên không thấy huyện Lạc Dương đề cập gì đến việc xem xét kỷ luật bộ phận tham mưu, cũng như người cấp phép san ủi đất sai quy định như chỉ đạo của UBND tỉnh.
“Cha chung không ai khóc”
Sau khi báo chí phản ánh tình trạng người dân san ủi, lấn chiếm, tác động, uy hiếp hồ Đankia - Suối Vàng, khu vực “nhạy cảm” thuộc Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã trực tiếp thực tế hiện trường và tổ chức cuộc họp đột xuất để tìm giải pháp khắc phục, bảo vệ công trình hồ. Tại cuộc họp này, thông qua báo cáo của các đơn vị liên quan đã bộc lộ rõ sự nhập nhằng, bất cập trong công tác quản lý. Về phía huyện Lạc Dương chỉ nhận phần trách nhiệm để xảy ra việc người dân địa phương san ủi, lấn chiếm lòng hồ. Trong khi Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, đơn vị được giao quản lý 3.695,595ha đất lâm nghiệp và 295,68ha đất lòng hồ Đan Kia - Suối Vàng, nhưng không nhận trách nhiệm và một mực cho rằng việc san lấp trên không nằm trong lòng hồ. Các đơn vị khai thác, sử dụng nguồn nước, gồm: Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng, Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn - Đan Kia và Nhà máy thủy điện Ankoret chỉ nhận khai thác nguồn nước, không có chức năng quản lý, trừ Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng nhận trách nhiệm quản lý mặt nước lòng hồ, đã thường xuyên tiến hành dọn rác mặt nước, còn với bãi rác thải nằm ở đầu nguồn công ty không chịu trách nhiệm vì thuộc quản lý của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Như vậy, đến thời điểm này, việc xác định ranh giới, diện tích lòng hồ Đankia - Suối Vàng cũng chưa thống nhất, chưa có bàn giao, quản lý, phân cấp, giao trách nhiệm quản lý rõ ràng nên chưa xác định được trách nhiệm cụ thể cho đơn vị nào. Sự nhập nhằng này dẫn đến hệ lụy hàng loạt núi đồi bị san bạt, làm thay đổi địa hình, bồi lắng lòng hồ Đankia - Suối Vàng. Không chỉ vậy, trong quá trình xử lý vụ việc theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị liên quan còn giao hết trách nhiệm cho huyện Lạc Dương, trong đó Đội Quản lý lòng hồ (Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Lâm Đồng) được giao trách nhiệm nhưng không phối hợp tham gia xử lý, chỉ thông báo sẽ kiểm tra khi UBND huyện Lạc Dương giải tỏa xong. Còn lãnh đạo Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà thì gửi hẳn văn bản cho UBND huyện Lạc Dương khẳng định diện tích các hộ dân lấn chiếm, san ủi, vùi lấp không thuộc lòng hồ nên không tham gia phối hợp xử lý vụ việc.
THỤY TRANG