Trước tình hình khô hạn kéo dài, nguy cơ thiếu nguồn nước sinh hoạt đang là nỗi lo chung của hàng ngàn hộ dân ở huyện Đạ Huoai.
Trước tình hình khô hạn kéo dài, nguy cơ thiếu nguồn nước sinh hoạt đang là nỗi lo chung của hàng ngàn hộ dân ở huyện Đạ Huoai.
Nỗi lo nguồn nước
Nắng nóng, khô hạn là “cái hẹn” thường trực của mùa khô không chỉ làm thu hẹp dần những khoảng xanh trên các cánh đồng, mà còn khiến người dân vùng đất Nam Tây Nguyên phải căng sức chống chọi với “cơn khát nước” sinh hoạt. Tại Đạ Huoai, nắng hạn đang khiến người dân và chính quyền địa phương nơi đây đứng ngồi không yên. Trong tất cả 10 xã, thị trấn của huyện Đạ Huoai thì nhu cầu về nguồn nước sinh hoạt tại 3 xã nghèo là Đạ P’Loa, Đoàn Kết và Phước Lộc được đánh giá là cấp bách nhất. Hiện nay, toàn huyện Đạ Huoai có 13 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn phục vụ cho hàng ngàn hộ dân; trong đó, có 6 công trình nước tự chảy và 7 công trình giếng khoan, giếng khơi. Riêng, tại 3 xã nghèo Đạ P’Loa, Đoàn Kết và Phước Lộc được đầu tư xây dựng 4 công trình nước tự chảy. Tuy nhiên, hiện tại, ngoài công trình nước tự chảy ở xã Phước Lộc đang đáp ứng đủ nguồn nước cho người dân sử dụng, thì nguồn nước tại các công trình ở 2 xã Đạ P’Loa và Đoàn Kết đang tụt giảm đến mức báo động.
|
Người dân xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai) lấy nước tại trụ vòi công cộng |
Ông Trần Thanh Tuyến - Chủ tịch UBND xã Đạ P’Loa, cho biết: “Trên địa bàn xã có 3 công trình nước tự chảy được Nhà nước đầu tư xây dựng từ nhiều năm nay, với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. Trong đó, công trình nước tự chảy Đạ Sị được xây dựng trên địa bàn thôn 4 để cung cấp nước sinh hoạt phục vụ khoảng 1.000 hộ dân 2 xã Đạ P’Loa và Đoàn Kết. Hai công trình còn lại được xây dựng tại địa bàn thôn 2 và thôn 5 của xã. Vào thời điểm này của những năm trước, nguồn nước ở các công trình nước tự chảy vẫn luôn đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Tuy nhiên hiện nay, nguồn nước tại các công trình đã và đang tụt giảm xuống mức báo động. Trong đó, nguồn nước tại công trình nước tự chảy Đạ Sị đã tụt giảm xuống hơn 50% so với mức trung bình. Hiện trên địa bàn xã đang có hơn 200 hộ dân và khoảng 300 học sinh, giáo viên tại Trường THCS Đạ P’Loa đang phải đối diện với nguy cơ “khát” nước sinh hoạt. Cùng với đó, nguồn nước ngầm (giếng đào) trên địa bàn cũng đang tụt giảm nghiêm trọng khiến giếng của nhiều hộ dân cạn trơ đáy”.
Cùng chung tình hình với xã Đạ P’Loa, thì việc thiếu nguồn nước sinh hoạt tại xã Đoàn Kết cũng là một vấn đề rất nan giải, với hàng trăm hộ dân đang đứng trước nguy cơ thiếu nước. Trong đó, cấp bách nhất là việc thiếu nước của gần 40 hộ dân ở khu tái định cư thuộc thôn 1 của xã. Khả quan hơn Đạ P’Loa và Đoàn Kết, nguồn nước sinh hoạt của người dân xã Phước Lộc vẫn đang được đảm bảo nhờ vào hệ thống nước tự chảy. “Nắng hạn đã làm hầu hết nguồn nước giếng đào của người dân trong xã cạn kiệt. Song, nguồn nước tự chảy trên địa bàn xã chúng tôi vẫn đảm bảo cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, hệ thống đường ống nước tự chảy hiện chỉ mới về tới thôn Phước Dũng, nên để có nước dùng người dân các thôn khác phải dùng can và xe máy đi lấy. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho dân, xã đã mở thêm 2 trụ vòi công cộng chia nước; đồng thời, cắt cử người thường xuyên theo dõi, kiểm tra rò rỉ tại các đầu nối đường ống nhằm tránh thất thoát nguồn nước” - ông Trịnh Thăng Long, cán bộ phụ trách hệ thống nước tự chảy xã Phước Lộc cho biết...
Giúp dân khắc phục khó khăn
Theo ông Lưu Tiến Chinh - Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, trước tình hình hạn hán đang diễn ra căng thẳng như hiện nay, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương triển khai nhiều phương án tìm nước giúp dân. Cụ thể, từ nguồn kinh phí dự phòng, UBND huyện đã đầu tư khoan 3 giếng khoan tại Trường THCS Đạ P’Loa (thôn 1, xã Đạ M’ri) và khu tái định cư thôn 1 (xã Đoàn Kết). Hiện tại, các giếng khoan đang được triển khai thi công và sẽ hoàn thành cấp nước cho người dân trong nay mai. Riêng đối với các công trình nước tự chảy, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị quản lý thường xuyên theo dõi mực nước đầu nguồn để có kế hoạch điều tiết nước hợp lý nhất nhằm đảm bảo nguồn nước cho người dân sử dụng. Tại công trình nước tự chảy Đạ Sị, do mực nước xuống thấp, thay vì trước đây mở thường xuyên thì hiện tại huyện đã chỉ đạo đơn vị quản lý chủ động cấp nước cho người dân theo giờ để tránh lãng phí và có thời gian tích nước.
Đối với các khu vực không có nước tự chảy, các địa phương đã và đang vận động người dân chủ động nạo vét giếng để tìm nguồn nước, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Riêng, tại các xã nghèo, thôn nghèo thì các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí nạo vét giếng. Cùng với đó, các địa phương cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân cùng chia sẻ nguồn nước cho hàng xóm đang bị thiếu nước. Ông K’Mẻo (thôn 3, xã Đạ P’Loa) cho hay: “Phần lớn người dân trong thôn chúng tôi đều sử dụng nguồn nước tự chảy từ công trình nước tự chảy Đạ Sị. Tuy nhiên, nguồn nước rất chập chờn thậm chí nhiều hộ dân không còn nước để sử dụng. Còn gia đình tôi nhờ có giếng đào sâu hàng chục mét, nên đang chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Đã hơn 10 ngày nay, gia đình tôi phải chia nước cho gần 20 hộ dân trong thôn cùng sử dụng. Nhưng, nếu hạn hán tiếp tục kéo dài thì chắc chắn giếng gia đình tôi cũng cạn...”.
Có thể nói, những phương án, giải pháp mà huyện Đạ Huoai đã và đang triển khai tìm nguồn nước sinh hoạt cho người dân cơ bản đều phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì nguy cơ “khát” nước sinh hoạt do thiếu nguồn nước và không đảm bảo vệ sinh đang là nỗi lo chung của hàng ngàn hộ dân tại huyện Đạ Huoai.
KHÁNH PHÚC