Tình trạng trên xảy ra từ trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 và kéo dài cho đến nay, làm hàng chục hộ trồng rau, hoa dọc suối Đa Thiện (P8, TP Đà Lạt) khốn đốn vì mùi hôi thối, cây trồng bị nhiễm bệnh…
Tình trạng trên xảy ra từ trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 và kéo dài cho đến nay, làm hàng chục hộ trồng rau, hoa dọc suối Đa Thiện (P8, TP Đà Lạt) khốn đốn vì mùi hôi thối, cây trồng bị nhiễm bệnh…
|
Nước thải từ bãi phân sú đổ vào suối cũng góp phần làm nguồn nước bốc mùi |
Ông Trần Duy Cơ (ngụ tổ dân phố 46, Đa Thiện), bức xúc: Lâu nay, nông dân sản xuất nông nghiệp quanh khu vực đều sử dụng nguồn nước tưới ở hồ đập hai Đa Thiện. Nhưng gần đây, một số đơn vị doanh nghiệp đặt nhà máy, cơ sở sản xuất ở khu vực đầu nguồn xả thải nước thải có hóa chất chưa qua xử lý trực tiếp vào suối, làm nguồn nước tưới của bà con đổi màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối, không thể tưới được. Một số nông hộ có điều kiện thì tìm nguồn nước khác, số còn lại phải sử dụng nước hồ để tưới thì cây trồng bị nhiễm bệnh; bơm nước về hồ chứa thì cá nuôi chết sạch.
Cùng chung tình cảnh, hộ ông Nguyễn Văn Tẩn (ngụ Đa Thiện), cho biết: Nhà có 6 sào trồng hoa lily, cát tường và hoa cúc, trước giờ vẫn sử dụng nguồn nước suối Đa Thiện. Nhưng lứa hoa Tết vừa qua, gia đình sử dụng nguồn nước này tưới cho hoa thì “dính quả”: hoa cát tường bị nấm; cúc, lily bị trắng bông, nhiễm màu, chết cây. Chưa kể mùi hôi thối làm cho mọi người rất khó chịu. Theo một số nông hộ dọc theo suối Đa Thiện đổ về đập hai, do nguồn nước bị ô nhiễm nặng, nhiều hộ phải bơm nước từ đập ba Đa Thiện về để tưới cho cây trồng, những hộ không có điều kiện thì vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm, nên hoa bị nấm bệnh, thất thu.
Một số nông dân canh tác rau, hoa ở khu vực này đã quả quyết: Nguồn nước tưới của bà con bị ô nhiễm là do Công ty cổ phần Công nghệ Sinh học Rừng hoa Đà Lạt (gọi tắt là Công ty Rừng hoa), cùng một hộ dân ủ phân sú ở khu vực đầu nguồn xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp xuống suối, làm ô nhiễm nguồn nước. Nếu tình trạng này kéo dài, cùng với sự bồi lắng của hồ đập hai Đa Thiện, hàng trăm hộ dân sẽ không có nước tưới, và mùa mưa đến nước bẩn sẽ tràn về hồ Xuân Hương, gây thiệt hại không nhỏ cho khu vực canh tác nông nghiệp ở vùng hạ lưu.
Trong khi đó, một bảo vệ của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật Nông nghiệp (Trung tâm NCƯDKTNN) cho biết, nước bẩn có màu vàng, hồng và cả màu xanh, đen… có cả bọt như xà phòng từ Công ty Rừng Hoa chảy qua hệ thống mương của đơn vị này diễn ra nhiều tháng qua. Đêm khuya khi đi tuần tra nước bẩn chảy ra khá nhiều bốc mùi rất khó chịu. Tương tự, anh Nguyễn Tuấn Anh (ngụ 135 đường Vòng Lâm Viên, gần miệng cống đổ vào suối Đa Thiện), cho biết: Từ đầu năm 2016, nước thải bẩn nhiều màu sắc liên tục chảy qua trước nhà anh và bốc mùi hôi khó chịu, khoảng nửa tháng gần đây tình trạng này lại xảy ra.
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc, Phó Giám đốc Công ty Rừng Hoa Huỳnh Quốc Dũng, cho rằng, toàn bộ nước dùng cho sản xuất của Công ty đều cho qua hệ thống lắng lọc, khi đảm bảo tiêu chuẩn mới cho xả thải ra môi trường, nên không có chuyện nước thải từ nhà máy của Công ty làm ô nhiễm nguồn nước tưới của người dân. Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận, phần nước thải chảy qua mương Trung tâm NCƯDKTNN có nhiều màu là do rửa các khay pha màu để nhuộm hoa tươi, một phần khác là nước thải từ nhà bếp của nhà hàng thuộc Công ty, nhưng đến nay việc này cũng đã được khắc phục.
Liên quan đến vụ việc, Phó Chủ tịch UBND phường 8 (TP Đà Lạt) Phạm Đình Long, cho biết: Khi nhận được phản ánh của người dân, ông đã trực tiếp đến tổ dân phố 46 (Đa Thiện) để kiểm tra nguồn nước thải từ Công ty Rừng hoa và ghi lại một số hình ảnh nước thải có màu vàng, hồng chảy ra từ cống của Công ty Rừng Hoa. Nước thải của Công ty Rừng Hoa từ phía trên đỉnh đồi chảy xuống hệ thống mương thuộc Trung tâm NCƯDKTNN, sau đó chảy ra suối dọc tổ dân phố 46 và đổ ra đập hai (Đa Thiện).
Phó Chủ tịch UBND phường 8 cũng cho biết thêm: Phường đang phối hợp với các cơ quan chức năng của TP Đà Lạt và Sở TN&MT Lâm Đồng tiến hành kiểm tra việc xả nước thải từ Công ty Rừng Hoa, để có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm.
THỤY TRANG