Thiếu nước sạch bên công trình nước sạch

09:04, 22/04/2016

Thời gian qua, Lâm Đồng đã xây dựng nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình vận hành, khai thác một số công trình còn bất cập dẫn đến việc người dân dù đang ở cạnh công trình nước sạch nhưng nước sạch thì vẫn chỉ là niềm mong chờ!

Thời gian qua, Lâm Đồng đã xây dựng nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình vận hành, khai thác một số công trình còn bất cập dẫn đến việc người dân dù đang ở cạnh công trình nước sạch nhưng nước sạch thì vẫn chỉ là niềm mong chờ!
 
Trẻ em ở xã Đạ Tông, huyện Đam Rông phụ gia đình đi lấy nước ở các con suối
Trẻ em ở xã Đạ Tông, huyện Đam Rông phụ gia đình đi lấy nước ở các con suối
Nước sạch... không sạch
 
“Các huyện thành cần có trách nhiệm triển khai các quyết định, văn bản của UBND tỉnh kịp thời. Ví dụ như Quyết định 218 về việc quản lý khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đề nghị các huyện, thị phải triển khai. Trong đó có vấn đề con người quản lý, tiền hỗ trợ ngân sách và chi phí sửa chữa lớn, nhỏ. Hiện nay, nhiều huyện, thị có đọc quyết định nhưng hầu như lại không triển khai” - ông Nguyễn Nhất Ninh.

Là một trong những hộ dân vui mừng, phấn khởi và tự nguyện nộp tiền nước cho công trình nước sinh hoạt tập trung ở xã B’Lá, huyện Bảo Lâm, gia đình anh K’Mong là một trong những hộ dân được hưởng lợi trực tiếp từ công trình nước sạch này. Những người may mắn như anh K’ Mong không nhiều. Bởi, ngoài việc nguồn nước hiện đang khô dần và có nguy cơ cạn kiệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thì còn nguyên nhân khác là do các công trình nước sạch tập trung bị xuống cấp, hư hỏng khiến người dân không có nước sử dụng. Điển hình như gia đình bà Ka Rộp (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm), mặc dù ở ngay bên cạnh công trình giếng khoan được đầu tư khoảng 700 triệu đồng nhưng gia đình bà cũng phải chắt chiu từng xô nước từ giếng đào để sinh hoạt. Theo bà Ka Rộp, lâu nay gia đình bà chỉ dùng nước giếng khoan, giếng đào, còn công trình nước sạch thì “không dùng được chút nào”. Không chỉ có gia đình bà Ka Rộp mà hình ảnh người dân sống ngay bên cạnh những công trình nước tập trung được đầu tư với nguồn kinh phí lớn vẫn phải dùng nước giếng đào hay đi lấy nước từ nơi khác về không khó để bắt gặp. Anh K’ Nim - một người dân tại xã Lộc Bắc cho biết: “Bây giờ càng lọc thì cặn bã càng nhiều”. 

Huyện Đam Rông có tới 50% số lượng công trình nước sạch bị xuống cấp, hư hỏng. Ông Phan Thanh Hải - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đạ Mrông cho biết: “Công trình nước tự chảy trên địa bàn xã theo thiết kế sẽ cung cấp nước cho cả 6 thôn của xã. Đồng thời còn cung cấp được cho thôn Cil Múp, xã Đạ Tông. Tuy nhiên, hiện nay, công trình này chỉ hoạt động chưa được 50% thiết kế. Nếu cố gắng đẩy nước hơn nữa có thể ống dẫn nước sẽ vỡ. Công trình này khi xây dựng được đầu tư gần 3,7 tỷ đồng vào năm 2006. Hiện đang được khảo sát để sửa chữa với số vốn gần 3 tỷ đồng”. 
 
Hư hỏng do quản lý lỏng lẻo
 
Mỗi công trình giếng khoan phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 50 - 100 hộ dân có chi phí đầu tư khoảng 700 triệu đến 1 tỷ đồng, còn công trình nước tự chảy phục vụ cho khoảng 100 đến 500 hộ có kinh phí đầu tư khoảng 25 tỷ đồng. 
 
Sở Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng cho biết, đã đề xuất với Văn phòng thường trực Chương trình MTQG Nước sạch & VSMT nông thôn - Tổng cục Thủy lợi hỗ trợ địa phương để ứng phó với tình hình hạn hán trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đề nghị hỗ trợ lĩnh vực cấp nước sinh hoạt nông thôn là 31,9 tỷ đồng.  Riêng  công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung cấp bách và khẩn cấp đề nghị hỗ trợ là 19 công trình với tổng kinh phí 31,32 tỷ đồng. Cụ thể, có 9 công trình cấp nước giếng khoan với kinh phí đề nghị hỗ trợ sửa chữa là 5,24 tỷ đồng. 10 công trình cấp nước tập trung tự chảy là 26,08 tỷ đồng. 

Theo ông Chủ tịch HĐND xã Đạ Mrông, các công trình nước sạch sớm hư hỏng là do công tác bàn giao chưa rõ ràng dẫn đến việc quản lý lỏng lẻo, nên một số bà con tự ý phá đường ống để dẫn nước về ruộng nhà mình. Cũng vì lý do trên, tại công trình quản lý nước sạch xã Đà Loan, ông Đặng Văn Sơn - người quản lý công trình đề xuất: “Nên có nguồn hỗ trợ kinh phí để sửa chữa khi đường nước hoạt động hỏng hóc. Hiện, đường nước rò rỉ nhiều nên thu tiền nước chỉ đủ chi tiền điện chứ không đủ để sửa chữa”.

Theo thông tin từ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 252 công trình nước sạch tập trung và theo thiết kế, các công trình này có hạn sử dụng trên 5 năm. Sau đó mới phải duy tu sửa chữa. Thế nhưng, hiện đã có khoảng 25% số công trình hư hỏng xuống cấp, trong đó có trên 10% hư hỏng nặng cần sửa chữa cấp bách. Trong số này có nhiều công trình chỉ mới đưa vào sử dụng 1 hoặc 2 năm. 
 
Nguyên nhân của vấn đề trên có lẽ bắt đầu từ việc bất cập trong công tác vận hành, quản lý. Trao đổi với chúng tôi, những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân sống bên cạnh những công trình nước sạch được đầu tư tiền tỷ nhưng vẫn khát nước hoặc sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, ông Nguyễn Nhất Ninh - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lâm Đồng phân tích: “Để cho người dân trực tiếp quản lý các công trình nhưng người dân làm vẫn chưa tốt. Các địa phương khi được giao quản lý công trình cũng làm chưa tốt vì chưa kịp thời nắm bắt được mô hình, kỹ thuật của loại hình cấp nước. Yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật để làm công tác vận hành, quản lý, bảo dưỡng cũng chưa có. Và vấn đề muôn thuở là kinh phí luôn luôn thiếu. Ở cấp tỉnh thì khi thiếu kinh phí sẽ được dồn kinh phí của cả tỉnh để sửa chữa những công trình hư hỏng. Nhưng địa phương, một công trình hư hỏng không thể lấy kinh phí từ huyện này, xã này sang điều phối được. Điều đó làm cho tình hình sửa chữa mang tính cấp bách bị chậm”. 
 
 Để sớm khắc phục tình trạng trên cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền các địa phương và cả ý thức của người dân, trong đó vấn đề xã hội hóa trong công tác cung cấp nước sạch sinh hoạt cần được chú trọng. Có như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh cũng như có sự quản lý một cách hiệu quả các công trình nước sinh hoạt nông thôn, đáp ứng yêu cầu và nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cho người dân.
 
NGỌC NGÀ - M.AN