Xử lý đã đúng kỷ cương phép nước?

08:04, 13/04/2016

Báo Lâm Đồng ngày 6/4, trong bài "Dây dưa khai thác khoáng sản trái phép nhiều năm ở Lộc Tân" phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm. Chiều ngày 11/4, PV Báo tiếp tục làm việc và trao đổi với những người có trách nhiệm và được biết đã có những hình thức xử lý hành vi vi phạm. 

[links()] Báo Lâm Đồng ngày 6/4, trong bài “Dây dưa khai thác khoáng sản (KS) trái phép nhiều năm ở Lộc Tân” phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản (KTKS) trái phép kéo dài trên địa bàn xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm. Chiều ngày 11/4, PV Báo tiếp tục làm việc và trao đổi với những người có trách nhiệm và được biết đã có những hình thức xử lý hành vi vi phạm. 
 
Một phần hiện trường vi phạm thời điểm ngày 30/3/2016
Một phần hiện trường vi phạm thời điểm ngày 30/3/2016

Xử phạt vi phạm hành chính 16 triệu đồng mỗi vụ 
 
Thông tin được xác minh, vào ngày 8/4, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Nguyễn Trung Kiên kiểm tra tình hình KTKS trên địa bàn xã Lộc Tân và ông đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện kiên quyết triển khai xử lý những vi phạm về Luật KS. Ngay trong ngày, các cơ quan chức năng đã tiến hành phá hủy một số phương tiện, dụng cụ của đối tượng tại thôn 1, xã Lộc Tân như cắt ống, tháo dỡ lán... 
 
Chiều ngày 11/4, PV Báo Lâm Đồng làm việc với Sở TN&MT Lâm Đồng, Sở này cho biết đã nhận được Báo cáo nhanh số 31/BC-TNMT của Phòng TN&MT huyện Bảo Lâm về “Kết quả kiểm tra hoạt động khai thác tài nguyên KS trái phép tại thôn 1, Lộc Tân”, do trưởng phòng Nguyễn Bá Đông ký. Theo Báo cáo, tại hiện trường 2 khu vực gồm của Công ty Cổ phần KS Ngân Long (gọi tắt là CT Ngân Long) và Công ty Cổ phần KS và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng (gọi tắt là CT VLXD LĐ) Giấy phép khai thác đã hết hạn và UBND tỉnh đã có Quyết định thu hồi năm 2012, nhưng vẫn diễn ra tình trạng KTKS trái phép. Đó là, ông Vũ Văn Quyết khai thác khu vực CT Ngân Long, ông Hoàng Ngọc Sam và các công nhân khai thác khu vực CT VLXD LĐ. 
 
Theo đề xuất của Phòng TN&MT Bảo Lâm, UBND huyện Bảo Lâm quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CT Ngân Long và ông Hoàng Ngọc Sam về hành vi KTKS không có giấy phép với mức phạt 16.000.000 đồng mỗi đối tượng vi phạm (căn cứ điểm c, khoản 1, Điều 37 Nghị định 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ). Về hình thức xử phạt bổ sung, theo Báo cáo, cả 2 vụ vi phạm, đối tượng vi phạm đều đem toàn bộ lượng cát khai thác được đi tiêu thụ hết nên không thể tịch thu tang vật là KS; đối với máy đào không có cơ sở tịch thu, chỉ tịch thu 2 máy nổ D24 mỗi vụ là phương tiện vi phạm trực tiếp. Báo cáo còn có nội dung yêu cầu CT Ngân Long và ông Hoàng Ngọc Sam “chấm dứt hành vi khai thác cát không có giấy phép”; đối với ông Sam phải “di chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị và con người ra khỏi khu vực”. 
 
Liệu đã đúng kỷ cương phép nước?
 
Lúc 19 giờ 43 phút ngày 11/4, qua điện thoại, PV Báo Lâm Đồng thẳng thắn trao đổi với ông Nguyễn Bá Đông - Trưởng Phòng TN&MT huyện Bảo Lâm vì sao không tịch thu tang vật là các loại máy đào của các đối tượng vi phạm. Ông Đông cho biết, thời điểm tiếp nhận vụ việc toàn bộ máy móc, thiết bị đang ngưng hoạt động và kết quả ghi lời khai của Công an huyện thể hiện máy đào chỉ phục vụ công tác sửa đường, bạt taluy phục vụ công tác đóng cửa mỏ, không tham gia KTKS trái phép. “Căn cứ vào kết quả điều tra của Công an, chúng tôi chưa đủ cơ sở xác định máy đào tại hiện trường là phương tiện vi phạm hành chính”, ông Đông nói. 
 
Căn cứ vào Nghị định 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản” và Luật Khoáng sản, vẫn còn những vấn đề cần được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ hơn. Ví dụ, việc CT Ngân Long đã thu hồi Giấy phép khai thác, không có Quyết định đóng cửa mỏ nhưng hợp đồng với ông Vũ Văn Quyết sửa đường, bạt taluy để cải tạo phục hồi môi trường là vi phạm. Tình trạng KTKS trái phép tại xã Lộc Tân diễn ra từ nhiều năm nay, tổ chức và các cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính không dưới một lần. Phương tiện, khối lượng KS, thời gian, đối tượng trong vụ khai thác KS trái phép; quy mô, mức độ tác động và ngoài KS cát liệu có KS cao lanh? Mức phạt 16.000.000 đồng đối với mỗi vụ vi phạm (cá nhân và tổ chức) đã thỏa đáng? Vấn đề trách nhiệm quản lý tài nguyên KS của chính quyền địa phương xã Lộc Tân trong thời gian qua?... 
 
Trao đổi với lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng về vấn đề tại sao chưa có Quyết định đóng cửa mỏ đối với các đơn vị có Giấy phép KTKS chấm dứt hiệu lực ở xã Lộc Tân, Phó Giám đốc Phạm Quang Tường cho biết: Mặc dù đơn vị đã nộp đề án đến các cơ quan chức năng của tỉnh để thẩm định nhưng vì chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật nên hồ sơ chưa thể phê duyệt và được trả lại để các đơn vị hoàn chỉnh. Theo chúng tôi, đây là việc làm hoàn toàn phù hợp với những quy định của Nhà nước về quy trình, quy chuẩn, trong đó đặc biệt vấn đề an toàn lao động phải luôn đặt lên hàng đầu. 
 
Ngày 12/4, ông Huỳnh Thiên Tính - Trưởng phòng KS, Sở TN&MT Lâm Đồng cho biết thêm: Cùng với việc trực tiếp thị sát tại hiện trường Lộc Tân và sau khi nhận được Báo cáo nhanh của Phòng TN&MT huyện Bảo Lâm, Sở đã dự thảo văn bản và đang chờ báo cáo kết quả xử lý cuối cùng của địa phương huyện Bảo Lâm rồi sẽ tổng hợp chung báo cáo với UBND tỉnh. 
 
Cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ KS và hoạt động KS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Báo Lâm Đồng tiếp tục theo dõi vụ việc để phản ảnh đến quý bạn đọc.
 
ĐẠO PHAN