Trong dịp đi du lịch tại Đà Lạt dịp đầu tháng 5 vừa qua, lúc chuẩn bị tạm biệt thành phố tôi và mấy người bạn đã ghé ngang bên hông chợ Đà Lạt để mua mấy thứ làm quà cho gia đình, bạn bè ở nhà. Nghĩ đi nghĩ lại, chúng tôi quyết định mua mỗi người một ít dâu tây, bởi đây cũng là một trong các thứ trái cây được xem là "đặc sản" của vùng đất cao nguyên này.
Trong dịp đi du lịch tại Đà Lạt dịp đầu tháng 5 vừa qua, lúc chuẩn bị tạm biệt thành phố tôi và mấy người bạn đã ghé ngang bên hông chợ Đà Lạt để mua mấy thứ làm quà cho gia đình, bạn bè ở nhà. Nghĩ đi nghĩ lại, chúng tôi quyết định mua mỗi người một ít dâu tây, bởi đây cũng là một trong các thứ trái cây được xem là “đặc sản” của vùng đất cao nguyên này. Người thì mua 3kg, người mua 5kg, riêng tôi mua nhiều hơn, tới 8kg, với giá 90.000 đồng/kg. Khi tôi thấy trọng lượng của hai túi dâu, mỗi bịch 4kg có vẻ ít ít, không đủ (?!), tôi hỏi người chủ bán hàng rằng ở đây cân có đủ không, thì bà ta bù lu bù loa bảo: “Ở đây chỉ có cân đủ thôi! Không ai làm điêu đâu mà sợ. Không tin cứ đi mượn cân ở đâu cũng được...”. Nghe bà chủ bán dâu mạnh miệng như vậy nên tôi cũng tạm yên lòng, dẫu vẫn còn chút nghi ngại...!
Mang dâu về nhà, tiện có cái cân tôi đặt thử mỗi bịch dâu 4kg lên thì chao ôi, nó chỉ còn có 3,2kg/bịch, nghĩa là nó bị hao hụt mất gần 1kg/bịch. Đặt bịch dâu kia lên cân thì cũng thiếu khối lượng tương tự như vậy. Việc cân thử cũng chỉ là để biết và rút kinh nghiệm cho những lần mua bán khi đi du lịch, chứ khi đã về đến nhà rồi cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Thế nhưng, nghĩ lại cũng thấy ức vì bà bán dâu miệng thì cứ xoen xoét nói cân đúng, cân đủ, trong khi thực tế bà ta làm thiếu mỗi kg tới cả mấy trăm gram, tính ra tiền mỗi kg dâu cũng đắt thêm cả mấy chục ngàn chứ chẳng ít...
Sáng hôm sau mang chuyện mua dâu tây ở Đà Lạt khi mỗi kg chỉ ăn chưa tới... 8 lạng kể cho mọi người ở chỗ làm nghe thì một chị bạn ngồi cạnh cười bảo: “Ôi, tưởng gì chứ 1kg ăn 8 lạng còn tươm chán, chứ cái kiểu mua hàng hóa ở điểm du lịch, dọc đường, lề phố của những người bán hàng rong thì 1kg có khi còn ăn được có 6 lạng! Không chỉ ở điểm du lịch, dọc đường, mà ở nhiều khu chợ lớn hẳn hoi đại đa số các chủ buôn bán đều cân điêu một cách quá đáng...”.
Vâng, quả là thực trạng cân điêu và người tiêu dùng phải chịu sự thiệt thòi vì bị bớt xén đang tồn tại trên thị trường như một căn bệnh trầm kha khó bề... điều trị nổi! Nếu như một số loại hàng hóa là hoa quả, nông sản, rau... giá chỉ độ dăm bảy ngàn, tới một vài chục ngàn/kg còn đỡ, đằng này nhiều loại hàng hóa rất đắt đỏ, giá lên tới cả trăm ngàn, tiền triệu, thậm chí cả vài ba triệu đồng/kg, thì khi người tiêu dùng bị cân thiếu một vài lạng/kg là cả một sự thiệt thòi rất lớn. Tôi được biết, đã có một thời gian ở hầu hết các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn cả nước đều có đặt những chiếc cân công cộng của Ban quản lý chợ để người mua cân kiểm tra khối lượng hàng hóa xem có đủ không. Thế nhưng, không biết những chiếc cân công cộng như thế có còn tồn tại (?!). Nếu không có hoặc có mà để ở những nơi không thuận tiện vô hình chung sẽ tạo kẽ hở cho người buôn bán cân điêu trục lợi của người tiêu dùng là điều dễ hiểu.
Mất tiền đủ cho khối lượng của 1kg (1.000 gram) mà lại chỉ được hưởng thực có 600-700 hoặc 800 gram là một điều vô lý và khó lòng chấp nhận được. Thực trạng cân thiếu, cân điêu đang lũng loạn trên thị trường và nó cần được các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc để chấn chỉnh. Cần kiên quyết và có hình thức xử lý thật nặng với những người buôn bán cân điêu, cân thiếu cho khách hàng. Vấn đề chấn chỉnh này cần phải duy trì thường xuyên và nên bắt đầu ở các chợ với việc khôi phục lại những chiếc cân “công cộng” để mọi người tiêu dùng đỡ bị thiệt thòi khi họ có thể cân đối chiếu khi cần thiết...
NGUYỄN LONG