Khuất tất trong đền bù giải phóng mặt bằng ở Thủy điện Sardeung

08:05, 25/05/2016

Dù chưa được đền bù, đơn vị thi công Thủy điện Sardeung vẫn tiến hành san ủi hàng ngàn mét vuông đất sản xuất cùng cây trồng trên đất, làm người dân bức xúc đứng ra ngăn chặn… 

Dù chưa được đền bù, đơn vị thi công Thủy điện Sardeung vẫn tiến hành san ủi hàng ngàn mét vuông đất sản xuất cùng cây trồng trên đất, làm người dân bức xúc đứng ra ngăn chặn… Và hậu quả,chủ đầu tư công trình bị thiệt hại ước tính mỗi ngày khoảng hơn 70 triệu đồng vì chậm tiến độ.
 
Theo tường trình của ông Trần Văn Quyết (37 tuổi, ngụ thôn Phúc Lộc, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà): Lý do gia đình đứng ra ngăn chặn thi công vì khu vực này thuộc đất của gia đình ông. Lô đất này (diện tích hơn 10.000m 2), năm 2003 đã được UBND xã Phúc Thọ xác nhận là đất khai phá, được gia đình sản xuất nông nghiệp ổn định từ đó đến nay. Nhưng vào ngày 6/5/2016, khi gia đình ông đi vắng, đơn vị thi công Thủy điện Sardeung tự ý đưa máy móc tới san ủi hơn 4.000m 2 nhưng không có bất kỳ thông báo hay thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ nào cho gia đình.
 
Để giải thích cho việc ngăn cản thi công, ngoài việc cung cấp một số giấy tờ liên quan đến nguồn gốc lô đất, ông Quyết đưa chúng tôi đến hiện trường vụ san ủi. Tại đây, phần sườn đồi nằm trên địa bàn thôn Phúc Lộc, nơi sẽ xây dựng đập tràn cho công trình Thủy điện Sardeung đã được đơn vị thi công san ủi một khối lượng lớn diện tích đất trồng cà phê, cà ri, dâu tằm… Theo ông Quyết, sau khi gia đình phát hiện đứng ra ngăn chặn, cơ quan chức năng của địa phương đã lập biên bản, yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng san ủi để chờ giải quyết, và đơn vị thi công cũng đã rút hết phương tiện ra khỏi lô đất.
 
Dự án Thủy điện Sardeung nằm trên địa phận hai xã Phúc Thọ và Đạ Đờn (Lâm Hà), do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Cao Nguyên làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng trên diện tích gần 17,5ha, với diện tích lưu vực 164km2, mực nước dâng bình thường 922,5m; chiều dài đập trên 108m; đập tràn 75m, với 2 tổ máy công suất lắp đặt 4MW, sản lượng điện hàng năm đạt 17,52 triệu Kwh, tổng mức đầu tư trên 124 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành, hòa lưới điện quốc gia vào năm 2017.
Trước việc bị tố tự ý san ủi đất chưa đền bù cho người dân, Giám đốc Xây dựng Dự án Thủy điện Sardeung (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Cao Nguyên) Huỳnh Bá Ngọc, cho biết: Dư án này được UBND tỉnh Lâm Đồng giao 17,48ha đất “sạch”, đã đền bù giải tỏa cho người dân. Chính quyền xã Phúc Thọ và Ban Đền bù giải phóng mặt bằng huyện Lâm Hà cắm mốc giao đất nên chúng tôi tiến hành san ủi, thi công công trình chứ không biết đất của ai. Việc người dân ngăn chặn thi công ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công trình, gây thiệt hại ước tính mỗi ngày khoảng 70 - 80 triệu đồng. 
 
Cũng theo ông Ngọc, lô đất gia đình ông Quyết đứng ra nhận của mình để đòi tiền đền bù trước đây là rừng, ông Quyết phát dọn, lấn chiếm rồi mang cây tới trồng chứ không phải đất nông nghiệp. Không chỉ vậy, khu vực này còn thuộc đất nghĩa trang của thôn Phúc Lộc và R’Hang Trụ (xã Phúc Thọ), không phải đất của gia đình ông Quyết. Vậy nhưng, khi chúng tôi đề nghị được cung cấp các giấy tờ, quyết định giao đất của UBND tỉnh, biên bản cắm mốc bàn giao đất cho dự án của cơ quan chức năng huyện Lâm Hà nhằm rộng đường dư luận, ông Ngọc lại sốt sắng trao một lá đơn “Đề nghị giải quyết đất công”, do ông Vũ Xuân Tự (ngụ thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ; đứng nguyên đơn), đề nghị UBND xã Phúc Thọ thu hồi diện tích đất bị lấn chiếm cho nghĩa trang thôn (đơn không đề cập đến lô đất của gia đình ông Quyết). Nội dung đơn cho rằng, nguồn gốc đất nghĩa trang trước đây thuộc xã Đạ Đờn, được một già làng người dân tộc hiến tặng cho hai thôn, năm 1998 đã được UBND xã Đạ Đờn quy hoạch, khoảng hơn 3ha (?!), nay bị đã lấn chiếm...
 
Khi chúng tôi thắc mắc: Vì sao xã Đạ Đờn lại quy hoạch nghĩa trang ở xã Phúc Thọ, và theo quy định thì UBND xã cũng không có chức năng quy hoạch; việc quy hoạch nghĩa trang thôn cũng không rõ ràng (diện tích khoảng hơn 3ha), ông Ngọc đã chấm dứt buổi làm việc. Trước khi ra về ông Ngọc không quên thu lại toàn bộ giấy tờ liên quan và hứa sẽ photo cung cấp sau, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào. Điều lạ, một mặt ông Ngọc cho rằng lô đất trên đã được đền bù, không thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Quyết, nhưng trước đó đơn vị thi công Thủy điện Sardeung lại bồi thường 5 triệu đồng vì đã ủi bay một hàng cây cà ri tại lô đất trên của gia đình ông Quyết. Và, trong lần UBND xã Phúc Thọ đứng ra chủ trì thương lượng đền bù, hỗ trợ đất và cây trồng cho gia đình ông Quyết, có ông Ngọc tham dự, các bên thống nhất đưa ra mức giá “hỗ trợ” 190 triệu đồng, nhưng chiếu theo các quy định đền bù, hỗ trợ hiện hành, lô đất của gia đình ông Quyết có giá đền bù, hỗ trợ trên 500 triệu đồng nên thương lượng bất thành. 
 
Liên quan vụ việc, ngày 16/5, Chánh Văn phòng UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Huyến xác nhận: UBND xã chỉ có chức năng tham mưu chứ không có chức năng quy hoạch. Còn Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện Nguyễn Hảo Đăng cho rằng: Lô đất trên đã được nhà nước bồi thường, giải tỏa và bố trí đổi đất sản xuất ở nơi khác cho người dân. Tuy nhiên, khi chúng tôi cho biết, theo tài liệu mà chúng tôi có được thì lô đất trên chưa được đền bù, ông Đăng nói phải chờ UBND xã Phúc Thọ xác minh nguồn gốc lô đất, nếu là đất của ông Quyết thì sẽ tiến hành đền bù.
 
Việc cơ quan chức năng huyện Lâm Hà cắm mốc giao đất cho đơn vị thi công công trình Thủy điện Sardeung khi chưa xác định được chủ sở hữu lô đất liệu có quá vội. Chưa kể, theo phản ánh của gia đình ông Quyết, trong lúc gia đình ông đang có đơn khiếu kiện, chưa được các cấp giải quyết thấu đáo sao chính quyền lại giao đất cho dự án thủy điện? Những khuất tất này chỉ có cơ quan chức năng của tỉnh và UBND huyện Lâm Hà mới có thể trả lời thỏa đáng cho người dân.
 
Thụy Trang