Mập mờ đấu giá tài sản

09:05, 26/05/2016

Cùng một lô gỗ keo cây đứng nhưng kết quả đấu giá lần 2 thấp hơn nhiều so với lần 1. Một số doanh nghiệp tham gia đấu giá lần 1 tố cáo có sự mập mờ và dìm giá khi tổ chức đấu giá lại. Trong khi đó, cả chủ tài sản và đơn vị được ủy quyền bán đấu giá đều cho rằng thực hiện "đúng quy trình".

Cùng một lô gỗ keo cây đứng nhưng kết quả đấu giá lần 2 thấp hơn nhiều so với lần 1. Một số doanh nghiệp tham gia đấu giá lần 1 tố cáo có sự mập mờ và dìm giá khi tổ chức đấu giá lại. Trong khi đó, cả chủ tài sản và đơn vị được ủy quyền bán đấu giá đều cho rằng thực hiện “đúng quy trình”.
 
Số gỗ keo đã được khai thác, tập kết, chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ
Số gỗ keo đã được khai thác, tập kết, chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ
Trúng thầu thấp hơn 1,5 tỷ đồng
 
Tài sản đấu giá trong vụ việc này là 1.872m3 gỗ keo cây đứng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) với mức giá khởi điểm là 919 triệu đồng. Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm đã ủy quyền cho Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng chi nhánh tại TP. Bảo Lộc tổ chức bán đấu giá. Ở phiên đấu giá lần 1 diễn ra vào ngày 19/3/2016, có 8 doanh nghiệp tham gia. Kết quả, Công ty TNHH MTV Trân Anh (Biên Hòa, Đồng Nai) đã trúng thầu với giá 2,45 tỷ đồng. Công ty TNHH Tiến Dũng (huyện Di Linh, Lâm Đồng) có mức giá liền kề là 2,4 tỷ đồng. Sự việc sẽ kết thúc tốt đẹp ở đó nếu không có phiên đấu giá được cho là bất thường diễn ra vào 31/3 sau đó. 
 
Ông Ngô Văn Hùng (đại diện Công ty TNHH Tiến Dũng) cho biết: “Chỉ sau 12 ngày diễn ra phiên đấu giá lần 1, tôi được nghe thông tin tài sản đó lại được tổ chức đấu giá lại lần 2. Khi đến Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm xem thực hư thế nào thì phiên đấu giá đã diễn ra mà giá trúng thầu làm tôi thật sự rất sốc. Công ty TNHH Duy Duy Danh (Biên Hòa, Đồng Nai) đã trúng thầu với giá 930 triệu đồng, chỉ tăng 11 triệu đồng so với giá khởi điểm, thấp hơn 1,52 tỷ đồng so với giá trúng thầu lần 1. Việc tổ chức đấu giá lại lần 2 có quá nhiều sự mập mờ cả về thời gian thông báo, địa điểm tổ chức và đặc biệt là mức giá trúng thầu. Theo quy định, với mức giá liền kề là 2,4 tỷ đồng thì công ty của tôi phải được công nhận trúng thầu mà không cần phải tổ chức đấu giá lại”. 
 
Ông Trần Thế Vinh, Chủ DNTN Lâm sản Linh San (TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng), doanh nghiệp tham giá đấu giá lần 1, cho biết, ông và 4 doanh nghiệp khác đã làm đơn tố cáo gởi UBND tỉnh Lâm Đồng và các sở liên quan để làm rõ những khúc mắc trong việc đấu giá lô tài sản này. Ông Vinh khẳng định: “Điều bất cập nhất ở đây là doanh nghiệp trúng thầu lần 2 chỉ cao hơn giá khởi điểm 11 triệu đồng. Hơn nữa, hầu hết các doanh nghiệp đều không được biết có thông báo đấu giá lại lần 2 và lần này chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia đấu giá nên chúng tôi nghi ngờ có sự cấu kết, dìm giá. Đặc biệt, dù các doanh nghiệp đã đề nghị không cho doanh nghiệp trúng đấu giá khai thác gỗ khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng để tránh thất thoát tài sản nếu có sai phạm nhưng trên thực tế, doanh nghiệp trúng thầu vẫn được bàn giao mặt bằng và khai thác cho đến nay”.  
 
Làm “đúng quy trình”?
 
Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm, khẳng định việc tổ chức đấu giá cho đến nay là đúng quy trình và không có bất thường. Ông Hoàng cho biết, sau phiên đấu giá lần 1, vì Công ty Trân Anh bỏ thầu nên Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm đã yêu cầu Trung tâm đấu giá tổ chức đấu giá lại. Thể thức đấu giá giống như lần 1 và Trung tâm đấu giá cũng đã đăng thông báo đấu giá trên đài truyền hình theo đúng quy định. Hiện tại, Công ty đã công nhận giá trúng thầu và bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp trúng thầu khai thác. Giải thích về việc nhiều doanh nghiệp không biết thông báo đấu giá lại và chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia đấu giá lần 2, ông Hoàng nói: “Việc theo dõi thông báo đấu giá là trách nhiệm của doanh nghiệp, phía đơn vị đấu giá hoặc chủ tài sản không có nhiệm vụ thông báo lại và cũng không nên giao dịch trực tiếp. Còn về giá trúng thầu lần 1 lên đến 2,45 tỷ đồng là do các doanh nghiệp có sự ganh đua nên đẩy giá lên cao, chứ giá đó không thực tế”. 
 
Theo biên bản đấu giá lần 2, ngoài Công ty Duy Duy Danh thì có Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Dung Bảo Khang (TP. Bảo Lộc) cùng tham gia đấu giá. Chỉ sau 2 lần trả giá, Công ty Duy Duy Danh đã trúng thầu với giá 930 triệu đồng. Giải thích lý do không công nhận cho Công ty Tiến Dũng trúng thầu sau khi Công ty Trân Anh bỏ thầu, ông Bùi Văn Tuân, Trưởng Chi nhánh Trung tâm Dịch vụ đấu giá tỉnh Lâm Đồng tại TP. Bảo Lộc, giải thích: “Theo quy định mới của Chính phủ thì không được chọn người có giá kế tiếp trúng thầu mà phải tổ chức đấu giá lại để tránh tình trạng câu kết, dìm giá”. Tuy nhiên, ông Tuân lại không đưa ra được đó là quy định nào.
 
Sau khi nhận đơn tố cáo, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tỉnh Lâm Đồng cũng đã cử người đến làm việc với chi nhánh tại Bảo Lộc và các doanh nghiệp có đơn tố cáo để ghi nhận vụ việc. Theo kết luận (ngày 26/4/2016) của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tỉnh Lâm Đồng do ông Vũ Văn Thúc, Giám đốc Trung tâm, ký thì “Giám đốc Trung tâm khẳng định không có hành vi câu kết, dìm giá, dàn xếp giữa các khách hàng tham gia đấu giá, giữa khách hàng tham gia đấu giá với đấu giá viên điều hành đấu giá. Việc đấu giá đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Nghị định 17 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản”. Kết luận này chỉ cho rằng Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản chi nhánh Bảo Lộc sai khi thu phí đấu giá 2.000.000 đồng/ hồ sơ, vượt quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng nên chỉ yêu cầu kiểm điểm nghiêm khắc chuyên viên thu phí. 
 
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 39 Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về “từ chối mua tài sản bán đấu giá”, nếu người trúng đấu giá từ chối mua, mà các bên chưa ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thì được bán cho người trả giá liền kề. Khi người trả giá liền kề không mua thì cuộc bán đấu giá mới coi như không thành. 
 
Ngoài ra, tại khoản 1, Điều 3 Nghị định 17 về “Nguyên tắc bán đấu giá tài sản” thì việc bán đấu giá tài sản phải “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia”. Trong trường hợp này, lẽ ra Công ty Tiến Dũng được mua lô gỗ với giá trúng thầu là 2,4 tỉ đồng (mức giá liền kề mức giá công ty Trân Anh đưa ra trong lần đấu giá thứ nhất) và không cần tổ chức đấu giá lại. Đồng thời, việc cố tình không thông báo cho các doanh nghiệp đã tham gia đấu giá lần 1 và đấu giá lại với giá chưa tới 1 nửa giá lần trước thì không thể xem là bình thường. Nếu chỉ thông báo theo kiểu đối phó cho có, dù không sai quy định cụ thể, nhưng làm thiệt hại rõ ràng cho bên bán tài sản, thì cũng đã vi phạm. 
 
Sau khi có đơn tố cáo của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã có văn bản chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì cùng với một số sở có liên quan kiểm tra, giải quyết đơn tố cáo và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh Lâm Đồng.
 
ĐÔNG ANH