Nhiều tuyến tỉnh lộ qua địa bàn Lâm Hà đang xuống cấp nghiêm trọng và chưa được đầu tư làm mới, gây khó khăn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Nhiều tuyến tỉnh lộ qua địa bàn Lâm Hà đang xuống cấp nghiêm trọng và chưa được đầu tư làm mới, gây khó khăn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
|
Tuyến đường 726 đang bị xuống cấp trầm trọng |
Tỉnh lộ 726 đoạn từ TT Nam Ban đi Đạ Đờn có tổng chiều dài gần 20km. Đây là con đường huyết mạch, chạy qua các xã Nam Hà, Phi Tô, Đạ Đờn cùng với đó là tuyến đường giúp người dân đến được với trung tâm huyện Lâm Hà. Dù có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng và đi lại của người dân, nhưng kết cấu mặt đường của tỉnh lộ 726 vẫn còn nhiều bất cập. Do xây dựng từ lâu nên đoạn đường thường xuyên xuống cấp, mặt đường bị tàn phá của thời tiết, phương tiện nên đã bị bong tróc, xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ voi” gây mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Bà Vàng Thị Lưu (52 tuổi, xã Phi Tô) cho biết: “Con đường này được Nhà nước đầu tư cách đây 10 năm nay đã xuống cấp trầm trọng, mùa mưa thì lầy lội, nắng thì bụi không chịu nổi, ngay như mùa khô này gia đình bà phải đóng cửa suốt ngày, chỉ cần hở ra là trong nhà đóng một lớp bụi dày đặc, ăn cơm không dám ăn. Trên tuyến đường này lại có khá đông xe chở cát, đất đá, đã gây ra hư hỏng đường, lại còn chạy rất ẩu dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Cũng vì giao thông khó khăn mà việc buôn bán ở đây cũng khó có thể phát triển được”.
Cùng chung cảnh ngộ là tỉnh lộ 725, với tổng chiều dài 30km, qua địa phận Tân Văn, Tân Hà, Tân Thanh, đây là con đường “xương sống” qua trung tâm cụm xã Tân Hà - địa bàn năng động để thu hút đầu tư phát triển kinh tế, thế nhưng đã bị xuống cấp trầm trọng gây khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.
Tương tự là tuyến tỉnh lộ 724, với tổng chiều dài 55km, từ Tân Thành (Đức Trọng) qua Tân Văn, Tân Hà của (Lâm Hà) đến Đạ K’nàng (Đam Rông). Hiện cả tuyến cũng mới chỉ có 22km đường đá dăm láng nhựa, còn lại là đường đất, đá cần phải đầu tư vốn hơn 450 tỷ đồng. Thực trạng trên đã kéo dài nhiều năm, vì vậy, việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp và làm mới các tuyến tỉnh lộ này đang trở nên cấp thiết.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: “Hiện nay, huyện Lâm Hà quản lý hơn 1.000km đường giao thông nhưng trong đó chỉ mới xây dựng được khoảng hơn 100km đường từ dự án Nông thôn mới. Để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông ở các tuyến đường đòi hỏi nguồn vốn lớn, những năm qua, huyện đã nỗ lực để tìm nguồn vốn, dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông, nhưng hiện vẫn còn một số đoạn - tuyến chưa thể đầu tư làm mới. Những con đường đều là huyết mạch, nơi tập trung đông dân cư, chính vì vậy đã kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.
Vừa qua, huyện Lâm Hà cũng đã được bố trí vốn 122 tỷ đồng tiến hành khảo sát đổ đá cấp phối nâng cấp tuyến đường 276. Bên cạnh đó, còn bố trí 17 tỷ đồng duy tu, nâng cấp bài bản tuyến đường 725. Dù vậy, đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế để khắc phục sự xuống cấp của các tuyến đường xung yếu, vì hiện nay định mức duy tu, bảo dưỡng đường bộ trên địa bàn tỉnh bình quân 180 triệu đồng/km với đường bê tông nhựa và 150 triệu đồng/km cho đường đá dăm láng nhựa, nên số tiền trên mới chỉ đáp ứng được 40% đến 50% nhu cầu duy tu, bảo dưỡng. Còn để làm mới 1km đường có kết cấu mặt đường bê tông láng nhựa cần khoảng 7 tỷ đồng, kết cấu mặt đường đá dăm láng nhựa kinh phí vào khoảng 4,5 tỷ đồng/km.
Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế của huyện còn gặp nhiều khó khăn, để đầu tư bằng nguồn ngân sách địa phương là điều không thể, nên các tỉnh lộ qua địa phương đang nằm ở chế độ chờ dự án”.
HOÀNG YÊN