Sau ngày miền Nam được giải phóng, bằng nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, chúng ta kiên quyết loại trừ ma túy ra khỏi đời sống xã hội ở miền Nam do tàn dư chế độ cũ để lại. Việc cai nghiện cho đối tượng nghiện heroin và thuốc phiện đã được đồng loạt tiến hành.
Hãy ngăn chặn tệ nạn ma túy
[links()]
Sau ngày miền Nam được giải phóng, bằng nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, chúng ta kiên quyết loại trừ ma túy ra khỏi đời sống xã hội ở miền Nam do tàn dư chế độ cũ để lại. Việc cai nghiện cho đối tượng nghiện heroin và thuốc phiện đã được đồng loạt tiến hành. Vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ XX, các chiến dịch xóa bỏ diện tích trồng cây thuốc phiện được tiến hành rộng khắp ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, cơ bản đã xóa bỏ được những diện tích lớn trồng cây thuốc phiện; ngăn chặn tương đối có hiệu quả việc buôn bán vận chuyển ma túy vào Việt Nam. Tuy nhiên, gần 20 năm trở lại đây, tình hình buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, gây ra hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho cá nhân, gia đình người nghiện mà cho toàn xã hội cả; đe dọa đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững đất nước.
Trước thực trạng đó, tháng 3/2008, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 21-CT/TW về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống ma túy trong tình hình mới; Ban Bí thư đã có Kết luận số 95-KL/TW ngày 2/4/2014 tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 165/2008/QĐ-TTg Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới; ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015; “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy - 26 tháng 6”...
|
Các học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm số 2, xã Tân Thanh (Lâm Hà) - Ảnh: HỮU TÚC |
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, quyết định của Trung ương như: Chương trình hành động phòng, chống ma túy; Bản qui định chế độ trách nhiệm và phối hợp thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; Kế hoạch triển khai thực hiện Tháng hành động phòng, chống ma túy; Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy”. Trong đó, đề ra mục tiêu chung: (1) Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền và phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn; động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống ma túy, giữ gìn trật tự xã hội. (2) Tiến hành đồng bộ các giải pháp để kiềm chế và làm giảm sự gia tăng của tội phạm ma túy và người nghiện ma túy; giữ số xã, phường, thị trấn trong sạch không tệ nạn ma túy; phấn đấu làm chuyển biến tình hình ở những xã, phường, thị trấn phức tạp về ma túy và tăng thêm số xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy.
Để thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, ngành, đoàn thể và toàn dân phải hành động quyết liệt để ngăn chặn tệ nạn ma túy đang diễn biến ngày càng phức tạp; trong đó, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về hiểm họa của tệ nạn ma túy, nhất là tác hại của các loại ma túy tổng hợp (ma túy đá, thuốc lắc, Cỏ Mỹ...), cần sa và các chất liên quan đến ma túy để nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên,... Lồng ghép tuyên truyền phòng, chống ma túy với tổ chức tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu... Công tác giáo dục, tuyên truyền phòng, chống tội phạm ma tuý cần có hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng vùng... Cùng với truyền thông đại chúng, cần tăng cường công tác giáo dục trực tiếp; đưa nội dung phòng, chống tội phạm ma tuý vào các buổi ngoại khóa của nhà trường, nhà văn hóa, các trung tâm thông tin...
Thứ hai, cần củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng trong việc giáo dục, phòng ngừa tội phạm ma tuý, nghiện ngập ma túy; trong đó, vai trò của gia đình là rất quan trọng. Các cấp xã, phường cần đề cao vai trò của gia đình, tổ tự quản khu dân cư trong việc giáo dục thanh, thiếu niên về tác hại của ma tuý và phòng, chống ma túy; tổ chức hình thức liên gia, liên cơ quan, đoàn thể, địa phương cùng giúp nhau ngăn chặn tệ nạn ma tuý. Nâng cao khả năng tự chống lại sự cám dỗ của ma túy ở mỗi người khi họ có được một thể chất khỏe mạnh và tinh thần lành mạnh, nhất là đối với tuổi trẻ và những đối tượng dễ bị lôi kéo vào ma túy...
Thứ ba, tiếp tục có các biện pháp tăng cường sự giám sát của nhân dân, phát động phong trào toàn dân phát hiện và tố giác tội phạm ma tuý; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ tự quản. Tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích cho tuổi trẻ; đồng thời quan tâm hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo công ăn việc làm, khắc phục tình trạng thiếu việc làm hiện nay.
Thứ tư, phải có tấm lòng yêu thương, sẻ chia để cảm hóa những người đã trót sa vào con đường tội phạm ma tuý. Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, Trung tâm cai nghiện, cơ sở điều trị nghiện ma túy; đẩy nhanh tiến độ mở rộng hoạt động điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Cần xây dựng một môi trường sống lành mạnh để không có người nghiện ngập, phạm tội ma túy và những người đã sa vào con đường ma túy được cai nghiện, cưu mang trở lại bình thường; đồng thời xử lý thật nghiêm khắc những kẻ buôn bán, dụ dỗ, lôi kéo người khác đi vào con đường ma túy…
Thứ năm, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, nắm chắc tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh để chủ động đấu tranh có hiệu quả; rà soát, triệt xóa các đường dây vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy, nhất là ở các địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, các tụ điểm mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy gây bức xúc trong dư luận. Nâng cao sự hợp tác, phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác phòng, chống ma tuý.
Thứ sáu, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn ma túy; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy như: Mít tinh, ra quân, diễu hành, cổ động, triển lãm về phòng, chống ma túy; các cuộc thi tuyên truyền viên giỏi… về phòng, chống ma túy nhằm thu hút sự tham gia của toàn dân vào công tác này.
Rõ ràng, công tác phòng, chống ma túy muốn đạt kết quả vững chắc cần phải được tiến hành một cách quyết liệt, thường xuyên, liên tục và có các giải pháp đồng bộ nhằm tấn công trực tiếp vào các đối tượng có liên quan, trong đó phải lấy phòng và ngăn ngừa là chính. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề không của riêng ai, riêng cơ quan nào, mà là của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trong đó, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng có tính quyết định.
Hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy - 26 tháng 6”, chúng ta hãy nói không với tệ nạn, tội phạm và nghiện ngập ma túy; “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy”.
KHÁNH LINH