Cùng chung tay chống lại thảm họa ma túy (Kỳ I)

09:06, 20/06/2016

Tệ nạn ma túy đang là hiểm họa của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới; là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS. Những hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước. 

Tệ nạn ma túy - hiểm họa đối với quốc gia, dân tộc
[links()]
Tệ nạn ma túy đang là hiểm họa của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới; là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS. Những hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước. 
 
Tệ nạn ma túy ngày càng phức tạp
 
Theo thống kê của Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp quốc (UNODC), trên thế giới, hiện nay có hơn 200 triệu người nghiện các chất ma túy; trong đó, có khoảng 163 triệu người nghiện cần sa, 34 triệu người nghiện các loại ma túy tổng hợp ATS, 15 triệu người nghiện thuốc phiện và heroin, 14 triệu người nghiện cocain… Đây là số liệu có hồ sơ kiểm soát, còn trên thực tế số người nghiện lớn hơn nhiều. Đáng lo ngại là nhu cầu tiêu thụ các chất gây nghiện mới ngày càng tăng cao.
 
Tại Việt Nam, tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy ngày càng phức tạp. Cuộc chiến chống buôn lậu ma túy đã diễn ra trên 30 năm qua, ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Bọn tội phạm ma túy ngày càng hung hăng, dùng mọi phương tiện để vận chuyển ma túy vào Việt Nam hay quá cảnh Việt Nam đi các nước khác. Hiện nay ở nước ta, heroin là loại ma túy chủ yếu trong các vụ mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép. Tội phạm ma túy ngày càng sử dụng những thủ đoạn cất giấu, vận chuyển hết sức tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Theo báo cáo của Bộ Công an, thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng tội phạm ma túy của nước ngoài, nhất là những người gốc Phi, liên kết với tội phạm trong nước để buôn bán, vận chuyển ma túy vào Việt Nam.
 
Tình trạng nghiện ma túy ở nước ta năm 1995 mới có khoảng 68 nghìn người, chủ yếu là nghiện thuốc phiện, tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc, thì đến năm 2005 đã lên tới 128.000 người và năm 2015 tổng số người nghiện ma túy tăng lên khoảng 204.400 người tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó 19% người nghiện ma túy tổng hợp. Số người nghiện ma túy đã tăng gấp 3 sau 20 năm. Điều đáng quan tâm là tình hình sử dụng ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, số người sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, đặc biệt là loại ma túy đá đang ở mức báo động. Loại ma túy này gây ảo giác, làm mất khả năng kiểm soát hành vi, gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Qua thực tế và số liệu nghiên cứu cho thấy, có tới 72% người sử dụng ma túy tổng hợp là giới trẻ độ tuổi 18-30 tuổi, riêng độ tuổi dưới 18 khoảng 2% nhưng có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, loại ma túy đá đang được nhiều vũ trường và quán bar ở các đô thị sử dụng lôi kéo lớp trẻ ăn chơi...
 
Đối với tỉnh Lâm Đồng, tình hình nghiện ma túy và tội phạm ma túy so với cả nước chưa phải là cao, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp.Số liệu gần đây của các ngành chức năng cho thấy, toàn tỉnh hiện vẫn còn 99/147 xã, phường, thị trấn có ma túy, một con số đáng báo động.Trong năm 2015, tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, bắt giữ 131 vụ với 152 đối tượng phạm tội tàng trữ, mua bán ma túy; thu giữ hơn 140 gam heroin, 302,5 gam ma túy tổng hợp, 10,39 kg cần sa khô và 196 cây cần sa tươi. Hiện toàn tỉnh có 2.042 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát; trong đó có 123 người cai nghiện tại trung tâm và 191 người nghiện tại trại tạm giam, còn số thực tế chắc chắn sẽ nhiều hơn. Đối tượng tập trung đông nhất tại thành phố Đà Lạt với 853 người (có 154 nữ), thành phố Bảo Lộc 168 người, huyện Lâm Hà 120 người, huyện Bảo Lâm 112 người, huyện Di Linh 102 người, huyện Đức Trọng 85 người... Số còn lại ở rải rác hầu khắp các địa phương khác trong tỉnh.
 
Thời gian qua, công tác phòng, chống ma túy ở tỉnh Lâm Đồng tuy đã thu được những kết quả khả quan, song vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập như: Việc tuyên truyền chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, thiếu chiều sâu; sự phối hợp chưa đồng bộ; công tác cai nghiện hiện vẫn còn một số bất cập, số đối tượng được đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc đạt thấp, tình trạng tái nghiện vẫn còn cao, công tác quản lý số người nghiện tại cộng đồng còn hạn chế... 
 
Ma túy - hiểm họa khôn lường
 
Nghiện ma túy sẽ làm suy kiệt trí tuệ, sức khỏe, giống nòi; đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tội phạm, lây nhiễm HIV/AIDS, tự hủy hoại chính mình và các hệ lụy khôn lường khác. Ma túy còn là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, gây tác hại đến phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, đe dọa đến trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia; đang hàng ngày hủy hoại biết bao tâm hồn, giết chết nhiều người, phá vỡ cuộc sống bình yên của hàng vạn gia đình… Đây đang là vấn đề gây lo lắng, bức xúc cho các gia đình, các nhà giáo dục và toàn xã hội, ảnh hưởng đến tương lai của đất nước. 
 
Về kinh tế, ma túy làm tiêu hao tiền bạc của bản thân và gia đình. Nhu cầu cần tiền để mua ma tuý của người nghiện là rất lớn, mỗi ngày ít nhất từ 50.000-100.000 đ, thậm chí lên đến 1.000.000 - 2.000.000 đ. Người nghiện ma túy có thể tiêu tốn hết tiền của, tài sản, đồ đạc của gia đình để thỏa mãn cơn nghiện của mình; nhiều người đã trộm cắp, hành nghề mại dâm, thậm chí cả cướp của, giết người. 
 
Về sức khỏe, nghiện ma túy dẫn đến tình trạng suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động, làm phát sinh nhiều bệnh tật về hô hấp, tim mạch, hoại tử tế bào gan, ảo thính, ảo thị, dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV... thậm chí sẽ dẫn đến tử vong; từ đó ảnh hưởng đến nòi giống, hủy diệt giống nòi. 
 
Về gia đình, người nghiện ma túy còn làm cho các thành viên khác trong gia đình giảm sút sức khỏe (lo lắng, mặc cảm, ăn không ngon, ngủ không yên...); gây tổn thất về tình cảm như thất vọng, buồn khổ, hạnh phúc gia đình tan vỡ, ly thân, ly hôn, con cái không ai chăm sóc, gây nên cảnh tan gia bại sản...
 
Về xã hội, ma túy gây mất trật tự an toàn xã hội, gia tăng các tệ nạn, tội phạm xã hội (lừa đảo, trộm cắp, giết người, mại dâm, băng nhóm...); ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; làm giảm sút sức lao động sản xuất trong xã hội; tăng chi phí ngân sách xã hội cho các hoạt động ngăn ngừa, khắc phục các hậu quả do ma túy đem lại. Ma túy còn là nguồn gốc, là điều kiện nảy sinh, lan truyền đại dịch HIV/AIDS (hiện nay, nước ta có trên 130.000 người nhiễm HIV/AIDS thì có 75% là do tiêm chích ma túy).
 
Sử dụng ma túy còn làm cho người nghiện thay đổi trạng thái tâm lý, sa sút về tinh thần; thường xa lánh nếp sống, sinh hoạt lành mạnh; mặc cảm, xa lánh người thân, bạn bè tốt. Họ có thể làm bất cứ việc gì kể cả trộm cắp, lừa đảo, cướp giật, thậm chí giết người, miễn là có tiền mua ma túy để thỏa mãn cơn nghiện. Hành vi, lối sống của họ bị sai lệch so với chuẩn mực đạo đức của xã hội và luật pháp. Họ là những người bị tha hóa về nhân cách.  
 
(còn nữa)
 
KHÁNH LINH