Xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn là một giải pháp hết sức cần thiết có tính đột phá và bền vững để quản lý tốt chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đem lại những lợi ích to lớn và bền vững.
Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đang được xã hội hết sức quan tâm. Năm 2015 được xác định là năm ATTP trong nông nghiệp. Mặc dù cả nước đã ra quân đẩy mạnh công tác quản lý ATTP trong nông nghiệp và đạt được một số kết quả, nhưng nhìn chung mức độ chuyển biến về ATTP vẫn còn nhiều hạn chế. Xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn là một giải pháp hết sức cần thiết có tính đột phá và bền vững để quản lý tốt chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đem lại những lợi ích to lớn và bền vững.
|
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thăm Công ty TNHH Đà Lạt GAP. Ảnh: PHAN NHÂN |
Nỗi quan tâm lớn
Trên cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng ngày càng phát hiện nhiều vi phạm trong vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất ngâm tẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…
Ông Nguyễn Văn Lục - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Lâm Đồng, cho biết: “Nông nghiệp Lâm Đồng sản xuất, kinh doanh khối lượng thực phẩm rất lớn, mỗi năm 2 triệu tấn rau, 237 ngàn tấn chè búp tươi, 130 ngàn tấn trái cây, 8.800 tấn thủy sản, 88 ngàn tấn thịt hơi các loại, 54 ngàn tấn sữa tươi nguyên liệu, 410 ngàn tấn cà phê, 244 ngàn tấn lương thực, 6 triệu quả trứng và rất nhiều loại nông sản thực phẩm khác. Các chỉ số về ATTP của thực phẩm Lâm Đồng đạt kết quả khả quan hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Với kết quả phân tích hàng ngàn mẫu nông sản về dư lượng các hóa chất, vi sinh vật, kháng sinh... có trong sản phẩm, tuy tỷ lệ vi phạm từng loại thực phẩm có khác nhau, nhưng số mẫu vi phạm đều dưới 5%; riêng các mẫu rau và chè có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng dưới 0,5%”.
Tuy vậy, cũng theo ông Nguyên Văn Lục: Theo nguyên tắc tất cả các loại thực phẩm phải đảm bảo an toàn 100%. Bởi vì, dù chỉ 1% mẫu thực phẩm vi phạm nhưng với khối lượng thực phẩm hết sức lớn sẽ gây nguy hại đến sức khỏe của nhiều người và làm giảm khả năng xuất khẩu nông sản. Cần tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội cùng chung tay xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, bền vững.
Năm 2016 tiếp tục được xác định là năm cao điểm hành động về ATTP trong nông nghiệp. Để làm được điều này, thì “vấn đề cốt yếu là xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, thực hiện kiểm tra, giám sát theo chuỗi từng ngành hàng thực phẩm” - ông Nguyễn Văn Lục nhấn mạnh.
Gắn trách nhiệm các bên liên quan
Việc xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn là giải pháp yêu cầu tất cả các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Văn Lục, khẳng định: “Việc triển khai mô hình kiểm soát theo chuỗi là chia sẻ rủi ro và trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp, cùng nhau cam kết thực hiện các qui định chặt chẽ trong sản xuất thực phẩm, cùng nhau thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã có một số mô hình có hiệu quả cao như: Các chuỗi rau an toàn gồm Công ty TNHH Phong Thúy, Công ty TNHH Đà Lạt GAP, Công ty Cao Nguyên; Công ty Thảo Nguyên, Công ty Đà Lạt GAP, HTX Xuân Hương; HTX Anh Đào, HTX Tân Tiến, HTX Minh Thúy, HTX Tiến Huy... với sản lượng khoảng 150 ngàn tấn/năm.
Ông Lê Cường - Giám đốc Công ty Đà Lạt GAP, cho biết: “Mô hình này được triển khai theo từng bước: lựa chọn vùng, ngành hàng; triển khai thử nghiệm và điều chỉnh; thẩm tra, phân tích các yếu tố về an toàn thực phẩm theo yêu cầu, đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, lợi ích của các nhà sản xuất, kinh doanh. Để xây dựng được chuỗi ATTP, 100% cán bộ quản lý, người lao động của cơ sở tham gia chuỗi hiểu và nắm vững kiến thức về thực hành sản xuất nông nghiệp; các hộ nông dân, các đối tượng tham gia chuỗi ATTP phải thực hiện thành công và được cấp giấy chứng nhận VietGAP; kiểm soát liên tục được chất lượng sản phẩm qua các công đoạn từ sản xuất đến tiêu thụ...
Ông Tô Thanh Hùng, nông dân sản xuất tại xã Xuân Thọ TP Đà Lạt cho biết: “Tuy sản xuất trong nhà kính đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng giá bán lại không cao hơn những sản phẩm thông thường và không có đầu ra ổn định mà hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nên chúng tôi thực sự không mặn mà”. Còn tại xã Lộc Thanh - TP Bảo Lộc, 5 năm trước, khi bắt đầu áp dụng sản xuất chè VietGAP trên cây chè, địa phương có 100 hộ tham gia sản xuất chè VietGAP với diện tích khoảng 30 ha, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 40 hộ dân còn áp dụng quy trình kỹ thuật này.
Nói về một trong những lực cản khiến nông dân không mặn mà với việc này, ông Phạm Văn Hội - giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phân tích: “Ngoài vấn đề nông sản sạch chưa được đánh giá đúng giá trị của nó thì cách tiếp cận trong việc phổ biến VietGAP đến người nông dân chưa đủ. Ngành chức năng phải tuyên truyền để người dân hiểu thực hành nông nghiệp tốt không chỉ nâng cao giá thành sản phẩm mà còn đem lại những lợi ích to lớn về môi trường sản xuất, đất không bị thoái hóa bạc màu, không sử dụng nhiều thuốc BVTV trước hết sức khỏe người sản xuất không bị ảnh hưởng mà chi phí đầu tư cũng giảm xuống”.
Xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn là một giải pháp hết sức cần thiết, có tính đột phá và bền vững, vì vậy cần sự chung tay và quyết tâm của các bên liên quan mà trong đó mỗi bên cần biết hy sinh những nguồn lợi trước mắt để xây dựng nên những thương hiệu nông sản an toàn nhằm đạt được những lợi ích lâu dài vì một nền sản xuất an toàn và bền vững.
NGỌC NGÀ - MAI AN