Tại Lâm Đồng, hiện các loại hàng giả, hàng nhập lậu thâm nhập vào thị trường cùng với hoạt động gian lận thương mại đang có chiều hướng gia tăng và trở thành một "cuộc chiến" thực sự đối với các ngành chức năng, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
Đã từ lâu, hàng giả, hàng nhập lậu không nhãn hiệu, nguồn gốc với đủ chủng loại tràn vào thị trường gây tổn hại không nhỏ cho những nhà sản xuất, đặc biệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tại Lâm Đồng, hiện các loại hàng giả, hàng nhập lậu thâm nhập vào thị trường cùng với hoạt động gian lận thương mại đang có chiều hướng gia tăng và trở thành một “cuộc chiến” thực sự đối với các ngành chức năng, doanh nghiệp (DN) và cả người tiêu dùng.
|
Công an TP Bảo Lộc kiểm tra và phát hiện nhiều chất phụ gia không rõ nguồn gốc tại chợ Bảo Lộc |
Thủ đoạn tinh vi
Theo đánh giá của các ngành chức năng, chỉ số giá tiêu dùng từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh vẫn nằm trong sự kiểm soát, không có biến động lớn trên thị trường. Tuy nhiên, tình hình buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại không những tăng so với trước, mà thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Điều này được chứng minh bởi, trong 6 tháng đầu năm 2016, qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tại các đội số 3 và số 4 (thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng) đã phát hiện trên địa bàn 6 huyện phía Nam có hơn 460 vụ vi phạm về buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng nhập lậu. Trong đó, Đội QLTT số 3 tại TP Bảo Lộc đã phát hiện 342 vụ và Đội QLTT số 4 tại huyện Đạ Huoai phát hiện 123 vụ, với tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên đến hàng tỷ đồng. Qua đó, lực lượng QLTT đã xử phạt hành chính và thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 650 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng các địa phương cũng phát hiện hàng trăm vụ vi phạm về gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhập lậu và xử phạt thu nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng. Như vậy, có thể nói, bước đầu “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại tại 6 huyện phía Nam của tỉnh đã có nhiều tiến bộ rõ nét. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cơ quan chức năng vẫn chưa đấu tranh, ngăn chặn triệt để vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hàng lậu, hàng giả và hàng kém chất lượng ngày càng có cơ hội len lỏi, thâm nhập và thao túng thị trường.
Ông Đặng Quốc Khánh, Đội trưởng Đội QLTT số 3, cho biết: “Chúng tôi luôn xác định công tác chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại là một “cuộc chiến” thực sự với nhiều khó khăn, thách thức. Mọi mục tiêu của công tác này là nhằm hướng tới việc bình ổn giá trên thị trường, mang lại quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, qua những vụ việc vi phạm được đơn vị phát hiện đã cho thấy thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, xảo quyệt. Phần lớn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng đều được các đối tượng “xé nhỏ” để bán trộn lẫn với hàng hóa có thương hiệu hòng qua mặt các cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với các loại hàng hóa giả mạo bao bì, nhãn hiệu hết sức tinh vi, rất giống với hàng chính hiệu. Vì vậy, để nhận biết cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 lực lượng là cơ quan chức năng, người sản xuất và người tiêu dùng”.
Ông Phạm Công Cử (ngụ TP Bảo Lộc), cho biết: “Hiện tại, trên thị trường đâu đâu cũng có các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng. Tôi đã từng mua trúng nhiều mặt hàng kém chất lượng, trong đó có cả phân bón. Vì nhìn từ ngoài bao bì thì hàng giả, hàng thật đều rất giống nhau khiến cả cơ quan chức năng khi nhìn vào cũng khó mà phát hiện huống gì là người dân”.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Với những gì đang diễn ra, thì “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại đang là chủ đề “nóng” cần sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan chức năng, người sản xuất, kinh doanh và cả chính người tiêu dùng. Đại úy Trương Hồng Sơn, Phó Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an TP Bảo Lộc), cho hay: “Để xử lý các ổ, nhóm và đầu nậu buôn lậu, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại, đơn vị luôn chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để chủ động nắm bắt tình hình phục vụ công tác điều tra, triệt phá. Đáng nói, phần lớn các thông tin được người tiêu dùng và những người buôn bán chân chính cung cấp đều có độ chính xác và tin cậy cao. Tuy nhiên, lượng thông tin do quần chúng cung cấp để phục vụ “cuộc chiến” này còn quá ít. Trong khi đó, các quy định về xử phạt các đối tượng vi phạm còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Đây chính là cơ hội để các đối tượng vi phạm nghiên cứu các kẽ hở của pháp luật để tìm cách đối phó hòng chối tội. Trong đó, vấn đề cấp bách nhất là tình trạng mua bán hóa đơn, chứng từ nhằm bổ sung, chứng minh nguồn gốc hàng hóa”.
Thông qua các vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả được các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ đều cho thấy những thông tin mà quần chúng nhân dân cung cấp cho cơ quan chức năng là rất quan trọng và có giá trị. Đơn cử như vụ phát hiện cơ sở sản xuất giấy vệ sinh với số lượng gần 4 tấn do ông Lâm Văn Thuyền (trụ tại phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc) làm chủ. Hay, vụ việc Công an Đạ Huoai bắt giữ gần 20 tấn phân bón giả do đối tượng Nguyễn Phong Hải (ngụ tại thị trấn Mađaguôi, huyên Đạ Huoai) cấu kết với một đối tượng khác để sản xuất, kinh doanh phân bón giả...
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Đội trưởng Đội QLTT số 4, để “cuộc chiến” với hàng giả, hàng nhập lậu mang lại hiểu quả, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chức năng, DN và người tiêu dùng. Đối với các DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cần tự nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý hệ thống phân phối hàng hóa của mình để chủ động phát hiện, ngăn chặn hàng giả; nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...; đồng thời, trong quá trình kinh doanh cần ý thức rõ nhãn hiệu và các hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Riêng, người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm và cân nhắc kỹ khi mua sản phẩm, đặc biệt khi phát hiện hàng giả, hàng lậu cần phải thông báo với các cơ quan chức năng để xử lý Đối với các cơ quan thực thi nhiệm vụ, ngoài việc vào cuộc và phối hợp đồng bộ cần được trang bị thêm các trang thiết bị và công cụ hỗ trợ. Hiện, việc thiếu thốn trang thiết bị, nhất là máy lấy mẫu tức thời chưa được trang bị đang gây nhiều khó khăn, trở ngại cho công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa.
KHÁNH PHÚC