Quán Bà Năm

09:06, 23/06/2016

"Tự bao giờ, có cái công thức cà phê thế nhỉ? Để giờ, mỗi lần tới quán, tôi đều đắn đo khi gọi thứ thức uống đầy say mê này. Như quán "Bà Năm" trên đường Phan Bội Châu chẳng hạn".

“Tự bao giờ, có cái công thức cà phê thế nhỉ? Để giờ, mỗi lần tới quán, tôi đều đắn đo khi gọi thứ thức uống đầy say mê này. Như quán “Bà Năm” trên đường Phan Bội Châu chẳng hạn”.
 
Bà Năm (bìa trái) và bà Sáu trong quán cà phê nhỏ của mình
Bà Năm (bìa trái) và bà Sáu trong quán cà phê nhỏ của mình
Đó là tâm sự của một cô gái trẻ có quãng thời gian ngắn đã sống, làm việc và yêu Đà Lạt. Nằm trên đường Phan Bội Châu - một trong những con đường sầm uất ngay tại khu Hòa Bình - trung tâm thành phố Đà Lạt với những biển hiệu rực rỡ sắc màu, quán cà phê Bà Năm giản dị và mộc mạc, không lẫn vào đâu được.
 
Không đồ sộ, không hào nhoáng, không màu mè và nhạc xập xình, quán nhỏ bé nằm bên góc đường với những bức tường đã rêu phong của một thời Đà Lạt xưa cũ. Sỡ dĩ quán mang tên Bà Năm bởi đó là người phụ nữ đã bán cà phê ở nơi này từ rất lâu. Bà cũng không nhớ rõ mình đã bán cà phê từ năm nào. Chỉ biết rằng hồi đó bà còn trẻ. Ngày đầu bà bán cà phê ở Bến xe Đà Lạt, sau đó người ta yêu cầu di dời và vào đây bán từ mấy chục năm nay. Gần 10 năm qua, việc buôn bán của bà trông cậy vào cô em gái là bà Sáu. Bây giờ bà Năm đã 93 tuổi, còn bà Sáu cũng đã bước vào tuổi 81. Mặc dù con cái đã khôn lớn trưởng thành nhưng bà Năm vẫn ghé,vẫn pha cà phê, vẫn làm việc ở quán mỗi ngày với người phụ nữ đơn thân - bà Sáu. Hai người phụ nữ già vẫn cặm cụi bên quán nhỏ bởi đó là nơi chứng kiến nhiều kỷ niệm trong cuộc đời hai bà. 
 
Ở quán Bà Năm, cà phê được pha qua túi lọc lớn, chứ không phải pha phin lớn như thường thấy ở các quán. Bởi thế nên, mỗi ngày ghé quán, khách đều thấy những cái túi lọc dính màu cà phê đã được giặt sạch và treo trên cây phơi. Chốc chốc bà Sáu lại ra di chuyển cây phơi sao cho những chiếc túi lọc hứng được nhiều ánh nắng nhất và trở mặt khăn để chúng nhanh khô. Cà phê chế xong được cho vào bình thủy nên lúc nào cũng nóng. Khách ghé tới đâu bà pha tới đó, cứ lần lượt pha từng bình, hết bình này qua bình khác. Bà không muốn pha sẵn nhiều bởi “như thế người đến sau uống cà phê sẽ không ngon, giống như mình nấu canh ấy, càng nấu lâu, để lâu canh càng mặn càng dở”. Qua câu chuyện bên ly cà phê trong một lần ghé, tôi mới biết rằng từ trước đến nay, bà Năm hay bà Sáu đều lấy cà phê rang xay tại một cơ sở duy nhất. Chất lượng cà phê đã được nhiều thế hệ khách khẳng định. Nên mặc cho thời gian đã mang nhiều đổi thay nhưng cà phê nơi đây từ bấy đến giờ vẫn một hương vị. Và quán có nhiều khách lâu năm có lẽ cũng vì thế. 
 
Có lẽ tại nơi này, bà Năm và bà Sáu không chỉ bán cà phê mà còn bán cả không gian, tình cảm và kỷ niệm. Ở đây không gian nhỏ, lại không có những người phục vụ, nên chủ quán vừa phục vụ vừa nói chuyện với khách thoải mái, tình cảm như người thân. Nhiều khách ngồi bàn ngoài hiên, uống xong tự vào quầy gửi tiền còn không quên đôi ba câu hỏi thăm sức khỏe chủ quán. Bà Năm, bà Sáu đều đã già, có khi hơi nghễnh ngãng, bởi thế có nhiều khách phải ghé sát tai nói chuyện với bà. Chẳng biết họ nói gì chỉ thấy kết thúc câu chuyện họ cùng cười xòa đầy vui vẻ. Chủ quán cũng hiểu từng sở thích của khách. Để khách vừa ngồi vào bàn đã có ngay ly cà phê ưa thích. Có lẽ bởi sự thân thiện, gần gũi mà nhiều người vẫn lựa chọn quán Bà Năm mà không phải là những quán cà phê lớn, hào nhoáng ở ngay cạnh.
 
Quán Bà Năm chỉ chừng 8 m 2, với những chiếc ghế gỗ, bàn gỗ nhỏ và một chiếc bàn đặt đồ pha cà phê. Trong quán nhỏ ấy, chiếc tủ lạnh là đồ dùng hiện đại nhất. Quán không xác định một thành phần khách nào chủ yếu. Nhưng đây dường như là nơi gặp gỡ chuyện trò của những người cao tuổi với nhau. Bởi họ là những vị khách xuất hiện thường xuyên ở quán. Thi thoảng cũng có những khách ngoại quốc và một vài bạn trẻ thích hoài cổ như tôi. 
 
  Quán không có thực đơn, bởi ở đó chỉ có cà phê đen, cà phê sữa và mấy thức uống đơn giản. Nhưng đa phần khách ghé quán chỉ gọi cà phê. Quán Bà Năm mở cửa từ rất sớm bởi thường có rất nhiều người bán vé số ghé quán mỗi sáng. Họ ghé quán không chỉ để mời người ta mua vé số, mà đây còn là điểm họ dừng chân, nhấm nháp ly cà phê sáng để chuẩn bị cho một ngày mưu sinh. 
 
Quán Bà Năm là quán cà phê hiếm hoi ở Đà Lạt hiện nay không có wifi. Có thể bởi chủ quán đã già không bắt nhịp được xu thế hiện đại. Hoặc có thể họ cũng không quan tâm đến điều đó. Họ chỉ đơn giản là bán cà phê. Dường như khi ở đây người ta tạm rời “thế giới mạng” để “siêng” trò chuyện với nhau hơn, hay cũng có khi ngồi lặng yên ngắm phố phường. Giống như một căn nhà nhỏ trong ký ức mà ai đó đã bỏ quên trong một góc của Đà Lạt, mọi góc của quán cà phê bà Năm đều thân thương và rất đỗi dịu dàng với những chiếc ghế gỗ cũ kỹ, những chiếc ly thủy tinh nhỏ, với hai bà chủ quán già và cả những mảng tường cũ đã phai màu theo thời gian. Nhiều người trong đó có cả tôi vẫn thường lui tới đây, để tìm một cảm giác đầy hoài niệm, một cảm giác rất bình yên giữa lòng phố. 
 
N. NGÀ