Từ lâu, hệ thống chợ nông thôn có vai trò quan trọng trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân tại các địa phương. Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác chợ nông thôn ở nhiều nơi đã và đang gặp những khó khăn, bất cập.
Lấn chiếm vỉa hè, lề đường kinh doanh, buôn bán tại chợ Lộc Châu (TP Bảo Lộc) |
Theo quy định của Chính phủ, không nhất thiết mỗi xã phải có một chợ nông thôn mới. Chợ nông thôn mới phải phù hợp với quy hoạch của huyện và phù hợp với nhu cầu thực tế của cư dân địa phương và cần đạt các tiêu chuẩn cơ bản về diện tích đất xây dựng (từ 3.000 mét vuông trở lên); diện tích nhà chợ tối đa hơn 40% trở lên; diện tích buôn bán ngoài trời tối thiểu 25%; đường giao thông nội bộ dưới 25% và diện tích sân, cây xanh ít nhất 10%. Mỗi chợ nông thôn phải có các khu kinh doanh theo ngành hàng và phải có nơi thu gom rác. |
Việc xây dựng, cải tạo chợ tại các vùng nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh đang là vấn đề bức thiết nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng lớn của người dân vùng nông thôn. Vì vậy, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 25 chợ LIFSAP từ nguồn vốn của Dự án Cạnh tranh chăn nuôi và An toàn thực phẩm (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trung bình, mỗi chợ LIFSAP được đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí từ 1,7 - 2,5 tỷ đồng. Thực tế đã khẳng định, các khu chợ thực phẩm tươi sống được xây dựng từ nguồn vốn này không chỉ góp phần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho người dân mà còn là “luồng gió mới” làm thay đổi diện mạo ở các vùng nông thôn. Cùng với đó, các khu chợ này còn góp phần đáng kể vào việc thay thế các khu chợ tạm bợ, lấn chiếm vỉa hè, lề đường trước đây. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, đến nay, nhiều khu chợ LIFSAP nói riêng và chợ nông thôn nói chung đã và đang bộc lộ những tồn tại, bất cập. Vấn đề đáng lo ngại là việc lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, buôn bán và tình trạng mất vệ sinh… tại các khu chợ vẫn đang diễn ra.
“Hiện, toàn tỉnh đã có 25 chợ thực phẩm tươi sống được đầu tư từ nguồn vốn của Dự án Cạnh tranh chăn nuôi và An toàn thực phẩm. Đây chính là 1 trong 3 “mắt xích” quan trọng để tiến tới mục tiêu đảm bảo VSATTP cho người tiêu dùng tại các vùng nông thôn trong tỉnh. Qua công tác kiểm tra định kỳ cho thấy, hầu hết các tiểu thương buôn bán trong chợ LIF SAP đã kết nối được với các lò giết mổ gia súc, gia cầm nên thực phẩm cơ bản đều đảm bảo chất lượng. Cơ sở vật chất của chợ luôn được sửa chữa, bảo dưỡng. Cùng với đó, hầu hết các chợ đã có từ 70 - 75% được tiểu thương đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, chợ LIFSAP đang nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo quần chúng nhân dân tham gia mua sắm. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều tồn tại cần được khắc phục. Đó là công tác vệ sinh tổng thể các khu chợ của Ban quản lý chợ chưa đảm bảo yêu cầu. Tại nhiều khu chợ còn xảy ra tình trạng ô nhiễm. Hầu hết các tiểu thương chưa có giấy khám sức khỏe định kỳ theo quy định của Dự án. Một số Ban quản lý chợ chưa hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trong việc quản lý, sửa chữa các trang thiết bị trong chợ… Đây cũng là những nguyên nhân khiến không ít tiểu thương và người dân cảm thấy không hài lòng” - ông Tống Duy Hùng - Phó Giám đốc Dự án LIFSAP. |
Cùng với đó, tại chợ Lộc Nga (TP Bảo Lộc) cũng đang tồn tại một số bất cập. Đây cũng là khu chợ được đầu tư xây dựng theo hình thức LIFSAP với 24 quầy, sạp bán thực phẩm tươi sống có tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, khu chợ này đang bộc lộ nhiều bất cập: Hệ thống điện tại các quầy, sạp bị hư hỏng; nhà vệ sinh bị xuống cấp; nhiều ống dẫn nước từ trên mái chợ bị bung mối nối… làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương.
Tình trạng mất vệ sinh đáng báo động tại chợ Lộc An (huyện Bảo Lâm) |
Ông Phạm Văn Chí, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Lộc An (huyện Bảo Lâm):
“Từ khi chuyển từ nhà vào chợ LIFSAP kinh doanh, tôi thấy mọi điều kiện từ cơ sở vật chất, đến lượng khách hàng… đều tốt hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm kinh doanh tại chợ, tôi nhận thấy vẫn còn nhiều tồn tại trong đó, tồn tại lớn nhất là công tác quản lý chợ quá lỏng lẻo. Điều này được thể hiện rất rõ qua công tác đảm bảo vệ sinh của khu chợ. Không những chợ không được dọn vệ sinh sạch sẽ mà Ban quản lý chợ còn để một số tiểu thương nhốt gà, vịt chưa giết mổ ngay khu bán thực phẩm tươi sống khiến ruồi nhặng bay đầy, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hộ khác. Thêm vào đó là ý thức giữ gìn vệ sinh trước, trong và sau khi buôn bán của một số tiểu thương chưa cao. Việc Ban quản lý chợ để xảy ra tình trạng cho nhiều người lấn chiếm vỉa hè buôn bán cũng là vấn đề cần được giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho các tiểu thương đăng ký kinh doanh và đóng thuế trong chợ…”.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, tiểu thương bán cá tại chợ Lộc Nga (TP Bảo Lộc):
“Tuy mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm, nhưng hiện tại, nhiều hạng mục trong chợ như hệ thống vòi nước, nhà vệ sinh, hệ thống điện, ống dẫn nước từ mái chợ… đã bị hư hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa, thay thế. Sự việc đã được chúng tôi nhiều lần phản ánh lên Ban Quản lý chợ. Song, đến nay vẫn chưa thấy hồi âm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc buôn bán, kinh doanh của chúng tôi. Còn việc lấn chiếm vỉa hè trước cổng chợ không chỉ khiến nhiều tiểu thương trong chợ bức xúc, mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Vì vậy, theo tôi, chính quyền địa phương cần có biện pháp để đưa họ vào trong chợ. Có như vậy, chợ Lộc Nga mới đi vào hoạt động tốt được”.
Bà Trần Thị Nhâm, tiểu thương kinh doanh tại chợ Đam B’ri (TP Bảo Lộc):
“Sau gần 1 năm buôn bán tại chợ, tôi nhận thấy điều kiện kinh doanh tại đây rất đảm bảo. Tuy nhiên, hiện tiểu thương vào chợ buôn bán còn quá ít. Trong khi đó còn nhiều tiểu thương đang buôn bán tại nhà hay khu Ngã 5 Đam B’ri khiến việc buôn bán trong chợ quá ế ẩm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một khu chợ được xây dựng khang trang, sạch, đẹp đang bị lãng phí. Vì thế, chính quyền địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và cần có những biện pháp “chế tài” để đưa các tiểu thương vào chợ. Để làm được điều này, đòi hỏi công tác tuyên truyền phải sát với thực tế và nêu bật được các ưu điểm của chợ LIFSAP cho người dân thấu hiểu. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần ý thức rõ quyền lợi, vai trò và trách nhiệm của mình khi vào chợ kinh doanh”.
K. PHÚC (lược ghi)
|