Xã Đinh Trang Hòa là một trong những địa phương ở huyện Di Linh có nhiều cầu gỗ nhưng đến nay hầu hết đều đã bị xuống cấp nghiêm trọng, trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi lưu thông trên những cây cầu này.
Xã Đinh Trang Hòa là một trong những địa phương ở huyện Di Linh có nhiều cầu gỗ. Do đã nhiều năm sử dụng, nên hầu hết những cây cầu này đều đã bị xuống cấp nghiêm trọng và hàng năm thường xảy ra nhiều vụ tai nạn, trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi lưu thông trên những cây cầu.
|
Cầu gỗ đang ám ảnh với người dân khi mùa mưa bắt đầu đến |
Ám ảnh từ những cây cầu gỗ tạm bợ
Xã Đinh Trang Hòa hiện có khoảng 6 cây cầu gỗ dân sinh, đây là những cây cầu hình thành từ rất lâu, nó gắn liền với nhu cầu đi lại, sinh hoạt hàng ngày cũng như phục vụ sản xuất của người dân địa phương.
Cầu Brụi K’Mé được người dân xây dựng từ năm 1982, chiều dài khoảng 50 mét, rộng 1,5 mét, chủ yếu phục vụ khoảng 500ha đất sản xuất ở bên kia suối Đạ Riàm của bà con các thôn 2A, 2B và thôn 3. Hàng ngày, có hàng trăm lượt xe máy qua lại, vận chuyển các mặt nông sản, phân bón. “Đây là cây cầu chủ yếu dành cho xe máy và người đi bộ, còn xe công nông vận chuyển các mặt hàng nông sản, phân bón đều phải đi xuống suối nhưng khi mùa mưa đến nước suối dâng lên cao, nên muốn vào khu sản xuất các xe này phải đi đường vòng rất xa. Để đảm bảo cho người dân mỗi khi lưu thông trên cầu, hàng năm, chúng tôi đều vận động bà con góp kinh phí và ngày công lao động để sửa chữa, nâng cấp nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, vì gỗ đều đã bị mục nát. Đến nay, đã có vài người, gồm K’Huân, K’Guêh (đều ở thôn 2B) bị rớt xuống suối cả người và xe máy” - già làng K’Kiểu trăn trở.
Cầu đi từ thôn 13 đến thôn 14 (ở khu kinh tế 2) và cây cầu từ thôn 5A đến thôn 6 cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Cây cầu nối liền thôn 5A với thôn 6 kết nối với các xã Hòa Ninh, Hòa Trung, Hòa Bắc được người dân làm mới từ năm 2014 vì bị nước cuốn trôi. Cầu có chiều dài 40 mét, rộng 1,5 mét và nay cũng đã xuống cấp trầm trọng. Đây là một trong hai tuyến đường chính của 110 hộ dân thôn 6 và nhất là các em học sinh mỗi khi cắp sách đến trường; đồng thời cũng là tuyến đường vào khu sản xuất của bà con thôn 5A, 5B, 1A, 1B.
Vì là những cây cầu gỗ chỉ có đường kính khoảng từ 20 - 30cm, nên tuổi thọ trung bình cũng chỉ được khoảng 3 năm. Hàng ngày, những cây cầu này phải “gồng gánh” hàng trăm lượt xe máy qua lại, nên cầu bị xuống cấp rất nhanh và hàng năm thường xảy ra nhiều vụ tai nạn, người và phương tiện rơi xuống suối.
Theo quan sát của chúng tôi, do sử dụng lâu năm, nên hiện các cây cột làm trụ cầu đều đã bị chông chênh, xiêu vẹo, không có thành chắn bảo vệ hai bên. Mặt cầu được làm bằng gỗ, ván gồ ghề nay đã mục nát, nhiều chỗ xuất hiện lỗ hổng tạo nên những “cạm bẫy” cho người, gia súc và các phương tiện lưu thông trên cầu. Một số người dân muốn qua cầu phải có người dìu, giữ từ phía sau xe máy...
Hàng ngày, bà Ka Hoih (ở thôn 5A) thường đi chăn bò quanh khu vực cầu này, nên đã chứng kiến không ít các vụ tai nạn xảy ra. “Có năm, vào mùa mưa do nước lớn đổ về làm ngập cầu, nên cây cầu này cũng đã từng bị dòng nước cuốn trôi. Một con bò thuộc dự án hỗ trợ cho hộ nghèo đang đi trên cầu không may cái chân bị lọt thỏm xuống lỗ hổng của mặt cầu, khiến bị gãy một chân. Sau đó, con bò bị rớt xuống suối trúng phải đá và bị khúc cây đâm lủng ruột dẫn đến tử vong”.
Tại cây cầu này, hàng năm cũng hay xảy ra các vụ tai nạn khiến người và xe máy đều rơi xuống suối. Vì xảy ra vào mùa khô, nên không gây thiệt hại về tính mạng và tài sản.
Em K’Nus ở thôn 5A cho biết, vào chiều 19/5/2016, chị Ka Lum cùng ngụ tại thôn 5A đi làm bằng xe máy. Do bị che khuất tầm nhìn và mải chú tâm đi qua cầu, nên không nhìn thấy xe máy chạy tới từ bờ bên kia, khi hai xe đang lưu thông và gặp nhau tại giữa cầu, một phần vì cầu hẹp, chỉ đủ một xe máy chạy qua, không có lan can chắn hai bên, nên đã làm chị Ka Lum giật mình, mất bình tĩnh, hậu quả cả người và phương tiện đều rơi xuống suối. Rất may chị Ka Lum chỉ bị trầy chân tay, chấn thương nhẹ và được bà con trong thôn cứu giúp.
Cần lắm cầu kiên cố
Ông Đào Văn Khiên, Trưởng thôn 5B cho biết: Hàng năm đều cùng với thôn 5A, thôn 6 tu sửa cây cầu nối giữa thôn 5A với thôn 6. Ban nhân dân thôn 5B còn vận động bà con đóng góp khoảng 6 triệu đồng và 20 ngày công để gia cố chiếc cầu qua đập tràn Đạ Rơnớ có chiều dài 12m, giúp người dân ở các thôn 5A, 5B, 2A, 2B... đi lại dễ dàng, nhất là các cháu học sinh từ bậc học mầm non đến THPT đến trường được thuận lợi hơn. “Vì là đường đất, nên vào mùa mưa cây cầu sẽ bị trơn trượt và trở nên nguy hiểm hơn. Vì vậy, mong muốn Nhà nước tạo mọi điều kiện làm cây cầu dân sinh kiên cố, giúp bà con thuận lợi hơn trong sinh hoạt, đi lại, phát triển sản xuất, bảo đảm an toàn mỗi khi đi trên cây cầu, nhất là vào mùa mưa” - ông K’Dẹo, Trưởng thôn 5A nói.
Trao đổi với chúng tôi, bà Ka Nhanh - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Hòa, cho biết: “Năm 2014, xã Đinh Trang Hòa được Nhà nước đầu tư gần 8 tỷ đồng để xây dựng cầu sắt Sre Mil (dài 30m) và thi công đường vào khu sản xuất có chiều dài 7,5km. Hiện tại, xã Đinh Trang Hòa còn khoảng 6 cây cầu tạm đều đã bị xuống cấp nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, phát triển sản xuất của người dân. Chính quyền địa phương cũng đã kiến nghị với UBND huyện, các cấp sớm có phương án, bố trí nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện cho bà con yên tâm phát triển sản xuất và đảm bảo an toàn giao thông. Về giải pháp trước mắt, trong năm 2015, chính quyền địa phương cũng đã làm tờ trình gửi Hạt Kiểm lâm Di Linh xin khai thác cây rừng để sửa chữa các cây cầu này nhưng đến nay vẫn chưa thấy Hạt Kiểm lâm trả lời”.
Ước mơ có được những cây cầu kiên cố để thay thế những cây cầu tạm đã bị xuống cấp của người dân xã Đinh Trang Hòa là hoàn toàn chính đáng. Có cầu, không chỉ đáp ứng nhu cầu phục vụ đi lại, sinh hoạt hàng ngày của bà con được thuận tiện hơn mà nó còn góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
NDONG BRỪM