5 năm thực hiện Luật Khoáng sản

08:07, 01/07/2016

Ngày 1/7, đúng 5 năm thực hiện Luật Khoáng sản sửa đổi được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội XII ngày 17/11/2010. Đây là văn bản pháp quy thay thế Luật KS năm 1996 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KS năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Với nhiều nội dung mới của Luật KS, trong 5 năm qua ở tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện như thế nào?

Ngày 1/7, đúng 5 năm thực hiện Luật Khoáng sản (KS) sửa đổi được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội XII ngày 17/11/2010. Đây là văn bản pháp quy thay thế Luật KS năm 1996 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KS năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Với nhiều nội dung mới của Luật KS, trong 5 năm qua ở tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện như thế nào?
 
Tình trạng khai thác cát sông Đồng Nai bừa bãi đã làm sạt lở sông ngày càng nghiêm trọng (ảnh chụp tháng 5/2016)
Tình trạng khai thác cát sông Đồng Nai bừa bãi đã làm sạt lở sông ngày càng nghiêm trọng
(ảnh chụp tháng 5/2016)

Nhiều văn bản ban hành kịp thời 
 
Để thực hiện các quy định của Luật KS năm 2010, với trách nhiệm quản lý nhà nước về KS tại địa phương, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác KS bất hợp pháp…; trong đó mới nhất là văn bản số 1952/UBND-ĐC ngày 13/4/2016 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ KS và hoạt động KS. Theo đó, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật được triển khai thực hiện sâu rộng, nhất là cơ quan chuyên môn của Sở TN&MT đã tổ chức cung cấp thông tin đến hàng trăm lượt tổ chức, cá nhân. 
 
Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành triển khai cơ bản các nội dung như: Khoanh các khu vực hạn chế hoạt động KS; Lập quy hoạch thăm dò, khai thác KS làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn; Xây dựng Đề án khoanh định các khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động KS; Khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác KS… Phó Giám đốc Sở TN&MT Phạm Quang Tường cho biết: Hiện Sở đang tích cực phối hợp cùng các sở, ngành liên quan rà soát, hoàn chỉnh đề án trước khi UBND tỉnh trình các bộ, ngành liên quan góp ý, tổng hợp trình Thủ tướng phê duyệt khu vực cấm hoạt động KS và tạm thời cấm hoạt động KS trên địa bàn tỉnh. Tình hình khai thác KS bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh cơ bản đã giảm, các điểm nóng được xử lý kịp thời; đối với các sông như Đồng Nai, KrôngNô là ranh giới hành chính giữa tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh đều có văn bản thỏa thuận trong việc quản lý, cấp phép giữa các tỉnh. 
 
Năm 2015, thực hiện Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai lần đầu công tác đấu giá quyền khai thác KS với 15 điểm mỏ KS làm vật liệu xây dựng thông thường. Đến nay, đã tổ chức đấu giá được 2 điểm mỏ và UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, các điểm mỏ còn lại đang tiếp tục tổ chức đấu giá. Mặt khác, nhằm cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch, công khai, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Ngọc Phúc đã ban hành Quyết định số 282/QĐ-STNMT quy định về trình tự, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực KS theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông tại Sở TN&MT, rút từ 390 ngày xuống còn 294 ngày giải quyết. Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế TW ngày 23/6/2016, Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 113 giấy phép khai thác KS làm vật liệu xây dựng do UBND tỉnh cấp; 8 giấy phép khai thác vàng gốc, cao lanh, bauxit, đá ốp lát và 4 giấy phép thăm dò vàng gốc, cao lanh, thiếc do Bộ TN&MT cấp còn hiệu lực.
 
Những khó khăn và tồn tại
 
Đánh giá các tác động của chính sách, quy định từ Luật KS đối với công tác quản lý nhà nước, ngoài những mặt thuận lợi, theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Phạm Quang Tường còn không ít khó khăn. Đó là: Luật chưa quy định, hướng dẫn cụ thể về thời điểm điều chỉnh quy hoạch KS, trình tự thực hiện, cho phép điều chỉnh cục bộ hay toàn diện quy hoạch...; chưa có hướng dẫn khi có nhu cầu thăm dò nâng cấp trữ lượng hoặc cũng chưa có hướng dẫn thủ tục hồ sơ để điều chỉnh giấy phép, trình tự thực hiện khi đã có quyết định phê duyệt trữ lượng trong báo cáo kết quả thăm dò... Đó còn là, chưa có hướng dẫn khi muốn tăng độ sâu được phép khai thác tại diện tích được cấp phép và lập hồ sơ thăm dò để đánh giá trữ lượng chất lượng nhằm có kế hoạch ổn định sản xuất, kinh doanh hoặc khi phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp không sử dụng lớp đất mặt hoặc hoạt động KS không ảnh hưởng đến việc sử dụng mặt đất đối với các trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông, suối cần làm thủ tục gì? Nhà nước cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trình tự thực hiện, thành phần hồ sơ, các nghĩa vụ tài chính phải thực hiện để giải quyết các trường hợp khai thác KS làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác KS được khai thác trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó…
 
Ông Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, từ những ý kiến đề đạt phía các doanh nghiệp cùng quá trình triển khai thực hiện Luật KS 2010, những vướng mắc, tồn tại đã được Sở TN&MT Lâm Đồng báo cáo các cấp thẩm quyền đã và đang tháo gỡ. Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế TW, thay mặt Tỉnh ủy Lâm Đồng, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đức Quận cũng đã đề nghị các bộ, ngành TW điều chỉnh quy trình thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác KS làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng đơn giản hóa, phù hợp với thực tế. 
 
Chia sẻ về hoạt động KS ở Lâm Đồng, ông Phạm Quang Tường cho biết, do tình hình kinh tế nên các tổ chức, cá nhân gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, sản xuất cầm chừng dẫn đến doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm, sản phẩm không có thị trường tiêu thụ nhưng hàng năm vẫn phải nộp tiền cấp quyền khai thác KS theo quy định, do đó nhiều doanh nghiệp chậm nộp tiền, buộc phải trả lại giấy phép hoặc lập hồ sơ trả lại một phần diện tích khai thác. Qua kiểm tra, giám sát, các tổ chức, cá nhân khai thác KS trên địa bàn tỉnh đã cơ bản tuân thủ những quy định của pháp luật trong hoạt động KS.
 
Tuy nhiên, còn một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định trong hoạt động KS như báo cáo định kỳ hoạt động KS không đúng thời gian; bổ nhiệm giám đốc điều hành không đúng quy định; chậm thuê đất và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường… Đó còn là ý thức trách nhiệm và việc đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của một số tổ chức, cá nhân chưa cao; việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong khai thác KS, các cơ sở có triển khai nhưng ở mức độ còn hạn chế, một số cơ sở còn mang tính chất đối phó. Các hành vi vi phạm đã được cơ quan thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và yêu cầu khắc phục những vi phạm, tồn tại. Riêng năm 2015 đã xử lý 32 trường hợp vi phạm về hoạt động KS; và từ năm 2015 đến tháng 6/2016, đã thu hồi 31 khu vực khai thác KS đã hết hạn, vi phạm các quy định. Vẫn còn một số trường hợp chưa thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng nơi khai thác khoáng sản như đường vận chuyển sản phẩm không thường xuyên duy tu, sửa chữa nên hư hỏng ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân…
 
MINH ĐẠO