Chính sách chi trả dịch vụ môi trường (CSCTDVMT) rừng ở huyện Đạ Huoai chưa tạo sức hút và nâng cao trách nhiệm đối với các hộ tham gia nhận khoán quản lý bảo vệ rừng.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường (CSCTDVMT) rừng ở huyện Đạ Huoai chưa tạo sức hút và nâng cao trách nhiệm đối với các hộ tham gia nhận khoán quản lý bảo vệ rừng.
Theo số liệu thống kê, trong tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Đạ Huoai 49.529 ha, diện tích rừng, đất lâm nghiệp lên đến 31.494 ha, chiếm tỷ lệ 63%; trong đó, rừng phòng hộ 8.982 ha, rừng sản xuất 22.512 ha. Với diện tích rừng, đất rừng chiếm tỷ lệ lớn như vậy, nếu không xã hội hóa việc quản lý bảo vệ (QLBV) thì khó mà giữ được rừng. Từ thực tiễn đó, việc Nhà nước ban hành CSCTDVMT rừng là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương. Do vậy, khi có chính sách mới nói trên, huyện Đạ Huoai đã kịp thời thành lập, củng cố Ban chỉ đạo (BCĐ), Ban kiểm tra, giám sát (KTGS) việc triển khai thực hiện CSCTDVMT rừng; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng, mục đích, ý nghĩa, nội dung của CSCTDVMT rừng để người dân nhận thức được quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia thực hiện CSCTDVMT rừng.
Buổi đầu triển khai thực hiện, ngành lâm nghiệp phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các ngành chức năng trong huyện tổ chức trên 20 đợt tuyên truyền lưu động bằng xe loa, 171 buổi họp dân, với 10.109 lượt người tham gia; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng cho 1.350 hộ gia đình; phát 8.600 tờ rơi có nội dung về QLBV rừng, về CSCTDVMT rừng... Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, BCĐ huyện đã triển khai công tác CTDVMT rừng tại 13 đơn vị tham gia cung ứng DVMT rừng thuộc các lưu vực sông Đồng Nai và khu vực Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, với tổng diện tích cung ứng DVMT rừng hàng năm là 22.837,98 ha. Theo đó, bình quân hàng năm các hộ nhận khoán QLBV rừng là 756 hộ/năm và 2 tập thể là Công an huyện và Huyện đội, với định mức giao khoán 25-30 ha/hộ, cho thu nhập bình quân hàng năm khoảng 14-15 triệu đồng/hộ.
Trong 13 đơn vị tham gia cung ứng CTDVMT rừng, 2 đơn vị được xem là chủ công, gồm Ban QLRPH Nam Huoai và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai. Tại Ban QLRPH Nam Huoai, hơn 5 năm qua đã tiến hành giao khoán QLBV 74.725,58 ha rừng cho 2.422 lượt hộ dân và 2 đơn vị (Công an, Huyện đội), với tổng số tiền CTDVMT rừng đến tận tay các hộ nhận khoán gần 23,470 tỷ đồng. Cũng như vậy, tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai, trong hơn 5 năm qua đã tiến hành giao khoán QLBV 26.689,465 ha rừng cho 1.161 lượt hộ dân, với tổng số tiền CTDVMT rừng lên đến 7,992 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 11 đơn vị tham gia cung ứng DVMT rừng là các doanh nghiệp được giao đất, giao rừng, cũng đã tích cực trong công tác giao khoán QLBV rừng cho các hộ dân ở địa phương, đã góp phần hạn chế tối đa tình trạng phá rừng, từng bước nâng cao công tác QLBV rừng chặt chẽ, hiệu quả để phát triển tốt.
Tuy nhiên, qua hơn 5 năm thực hiện CSCTDVMT rừng trên địa bàn huyện Đạ Huoai cũng bộc lộ một số mặt tồn tại, hạn chế đó là: Mức CTDVMT rừng 200.000 đồng/ha/năm là thấp, bởi sau khi trừ chi phí các khoản thì thu nhập còn lại không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân, nên chưa tạo sức hút và nâng cao trách nhiệm đối với các hộ tham gia nhận khoán QLBV rừng. Công tác KTGS của một số đơn vị chủ rừng sau khi cung ứng CTDVMT rừng thiếu thường xuyên, thiếu chặt chẽ, nên chưa phát hiện, xử lý kịp thời những vụ việc phá hoại rừng. Một số hộ nhận khoán thiếu tinh thần trách nhiệm trong QLBV rừng, thậm chí còn tiếp tay cho hành vi phá hoại rừng. Áp lực về phát triển kinh tế không bền vững, về đất đai, việc làm cho lao động nông thôn, dẫn đến công tác QLBV rừng luôn gặp khó khăn, trong lúc CSCTDVMT rừng vẫn còn những bất cập, đã ảnh hưởng đến kết quả đạt được.
Trên cơ sở kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế nói trên, huyện Đạ Huoai đã rút ra được những bài học kinh nghiệm sau: Cần tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác QLBV rừng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành Luật BV-PT rừng. Ban KTGS CTDVMT rừng và ngành lâm nghiệp cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với chính quyền địa phương cơ sở trong việc KTGS các đơn vị chủ rừng và các hộ nhận khoán QLBV rừng. Cần tăng cường công tác KTGS việc nghiệm thu giao khoán rừng, việc CTDVMT rừng đảm bảo kịp thời, đầy đủ. Kịp thời chấn chỉnh các sai sót trong việc giao khoán QLBV rừng, kiên quyết đưa ra khỏi danh sách những hộ nhận khoán vi phạm Luật BV-PT rừng, những hộ không tích cực QLBV rừng. Cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi, cập nhật diện tích rừng cung ứng CTDVMT rừng, đảm bảo diện tích rừng chi trả đúng tiêu chí theo quy định.
HOÀNG VƯƠNG MỸ