Chợ Đà Lạt có 860 hộ kinh doanh, với 1.051 quầy sạp, được xem là một trong những trung tâm thương mại, đầu mối lưu thông, phân phối hàng hóa lớn nhất của tỉnh.
Chợ Đà Lạt có 860 hộ kinh doanh, với 1.051 quầy sạp, được xem là một trong những trung tâm thương mại, đầu mối lưu thông, phân phối hàng hóa lớn nhất của tỉnh. Trong những năm qua, Ban Quản lý chợ (BQL) luôn xem công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản.
|
Đội viên Đội PCCC chợ Đà Lạt thực hiện việc kiểm tra máy bơm nước chữa cháy định kỳ |
Để đảm bảo an toàn PCCC, hằng năm, BQL chợ Đà Lạt đã tập trung xây dựng kế hoạch, phương án và triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phòng ngừa cháy nổ. Chợ đã thành lập Đội PCCC tại chỗ gồm 34 đội viên với nhiệm vụ đề xuất ban hành các quy định, nội quy an toàn PCCC, tổ chức tuyên truyền pháp luật về PCCC, xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. Hằng ngày, các đội viên của Đội PCCC thực hiện việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, vật liệu, hàng hóa dễ bắt lửa; tổ chức tuyên truyền các nội dung PCCC, nội quy sử dụng điện, biện pháp phòng, chống và xử lý khi có cháy nổ xảy ra thông qua hệ thống loa truyền thanh của chợ.
Ông Đặng Mậu Nhi - Phó BQL chợ Đà Lạt khẳng định: “BQL chợ Đà Lạt có trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước và các hoạt động trong phạm vi chợ, thực hiện quyền ký hợp đồng với tiểu thương về việc cho thuê sử dụng địa điểm kinh doanh, trong đó có nội dung đảm bảo công tác an toàn PCCC. Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn chợ không có vụ cháy nổ nào xảy ra, tiểu thương và người dân yên tâm buôn bán, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự trên địa bàn”.
Hiện nay, cơ sở trang thiết bị, dụng cụ PCCC luôn được chợ Đà Lạt quan tâm đầu tư mua sắm, sửa chữa định kỳ với kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 1,5 tỷ đồng bao gồm: 3 máy bơm nước, 230 bình bột loại MF 24, 13 họng nước vách tường được bố trí ở các khu vực thuận lợi, hệ thống báo cháy tự động lắp đặt cho toàn bộ khu chợ, 4 bể chứa nước dự phòng với dung tích 208 m3, 4 trụ nước ở bốn góc quanh chợ... Mặt khác, BQL chợ Đà Lạt đã tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện đảm bảo công tác PCCC, nghiêm cấm việc thắp nhang, nến, đốt vàng mã. Thường xuyên quán triệt đến toàn thể cán bộ, viên chức và các tiểu thương những nội dung thiết yếu như không được kinh doanh hóa chất; xăng dầu; khí lỏng như gas, aceton...; không được câu móc, đấu nối điện khi chưa được sự đồng ý của bộ phận kỹ thuật điện.
Tiểu thương Lê Thị Bích Phượng (47 tuổi), kinh doanh ngành hàng mã cho biết: “Nhận thức được sâu sắc mức thiệt hại do cháy nổ gây ra, tiểu thương ở chợ luôn đề cao công tác đảm bảo an toàn PCCC. Mọi cuộc diễn tập PCCC, buổi tuyên truyền của các cấp chính quyền về cháy nổ, chúng tôi đều tham gia đầy đủ. Bản thân tôi hiểu rõ ràng rằng, kinh doanh hàng mã luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao, vì vậy tuyệt đối chấp hành về nội quy PCCC và luôn nhắc nhở khách hàng của mình phải cẩn trọng trong khi mua bán, ví dụ như không nên hút thuốc lá khi vào khu này”. Còn tiểu thương Nguyễn Thị Đài (65 tuổi) kinh doanh mặt hàng vải và quần áo thì cho rằng, tất cả vốn liếng của chị em đều tập trung vào đây cả. Nếu xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn thì người đầu tiên chịu thiệt hại chính là bản thân hộ kinh doanh, vì vậy đảm bảo an toàn PCCC là nhiệm vụ chính yếu phải quan tâm.
Bên cạnh thuận lợi, thì ông Nhi cũng thông tin thêm về những khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn PCCC: Chợ Đà Lạt vẫn còn những quầy sạp hẹp, hàng hóa nhiều, khách đến chợ đông, hàng rong từ các địa phương khác đến rất nhiều nên việc lấn chiếm mặt bằng, lối thoát nạn thường xảy ra. Trình độ nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của từng người khác nhau nên khó tránh khỏi trường hợp vi phạm, đa phần thường xảy ra ở các lao động thuê mướn từ bên ngoài. Ngoài ra, địa bàn quản lý rộng (15.000 m2), lực lượng tại chỗ mỏng và tiểu thương chợ chưa thực hiện việc mua bảo hiểm PCCC về tài sản cũng là một điều đáng quan ngại.
Bùi Đức Tú