Dạy thêm và học thêm từ nhiều năm nay đã trở thành vấn đề quan tâm của nhiều phụ huynh học sinh. Do vậy, nhà nước và ngành giáo dục đã có nhiều chủ trương, biện pháp để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan...
Dạy thêm và học thêm từ nhiều năm nay đã trở thành vấn đề quan tâm của nhiều phụ huynh học sinh. Do vậy, nhà nước và ngành giáo dục đã có nhiều chủ trương, biện pháp để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng dạy thêm, học thêm có những biến tướng, trong đó có việc: Không bắt buộc học thêm, nhưng cũng như bắt buộc, khiến phụ huynh học sinh tiếp tục có những trăn trở, bức xúc.
Chị N.T.H ở phường 9, có con học Trường THPT Trần Phú kể: “Năm con chị lớp 10, do không cho con học thêm ở nhà cô giáo, nên đến khi thi học kỳ, nếu con chị được 7 điểm trở lên ở bộ môn cô giáo tổ chức dạy thêm tại nhà sẽ được xếp vào loại học sinh giỏi, nhưng vì không học thêm, nên chỉ được 6,5 điểm. Thế nên, con chị chỉ được xếp loại học sinh khá”. Chị N.T.H cho đó là chuyện bình thường, nhưng một số phụ huynh lại nói: Đó là cái giá của việc không học thêm với cô giáo. Thôi đã lỡ không học thêm, thì “cố chạy” cho con để được xếp loại học sinh giỏi. Chị N.T.H cho biết thêm, khối gì học sinh giỏi mà ngớ nga, ngớ ngẩn, khi thi tốt nghiệp THPT, đại học rớt như “sung rụng”.
Một người bạn của chúng tôi cũng cho hay, cách đây khá lâu, con trai anh được xếp vào loại học rất giỏi, nhưng phần vì không học thêm với cô giáo chủ nhiệm, phần vì có tình trạng “chạy điểm” cho con được xếp loại học sinh xuất sắc của một số phụ huynh, nên rốt cuộc cô giáo chủ nhiệm “nhẫn tâm” sửa điểm tổng kết của cháu từ 9 điểm xuống còn 8,5 điểm, để nâng một học sinh khác lên, trở thành 4 học sinh xuất sắc của lớp khiến cháu bức xúc bỏ chạy ra khỏi lớp và có những lời lẽ thiếu “kiềm chế”. Cũng chính vì lẽ đó, khi được cô giáo phát đơn xin học thêm, nhiều học sinh buộc bố mẹ phải ký vào đơn tình nguyện xin học thêm, với suy nghĩ: Các bạn học thêm, thì mình cũng học thêm, vì không thế thì sẽ “không được lòng cô giáo và không được bằng bạn bè”.
Chị T.T.B ở Tổ dân phố Phan Chu Trinh, phường 9, Đà Lạt lại cho hay: “Mặc dù Bộ GD-ĐT đã cấm việc dạy thêm tại nhà, nhưng tình trạng nuôi, dạy học sinh tiểu học tại nhà vẫn diễn ra phổ biến. Mỗi học sinh tiểu học “nuôi, dạy tại nhà” cô giáo lấy 850.000 đồng/tháng, ăn một bữa trưa, nhưng chất lượng bữa ăn rất kém. Mặc dù phụ huynh học sinh đã góp ý, nhưng chất lượng bữa ăn vẫn không được cải thiện. Do điều kiện gia đình, nên chị quyết định không cho con học thêm, thì thái độ của cô giáo không còn mặn mà, tình cảm như trước nữa. Thậm chí theo con chị kể, cô giáo còn cấm các bạn học thêm không được bày cho các bạn không học thêm về kiến thức. Có chuyện đó, bởi các bạn học thêm luôn được cô giáo truyền đạt kiến thức đi trước một bước so với chương trình học ở nhà trường, còn trong lúc dạy ở trên lớp, cô thường giảng bài theo kiểu “lướt ván” rất nhanh, khiến các học sinh không học thêm khó tiếp thu được bài. Rất may, chồng chị là trí thức, nên đã dạy thêm cho các con tại nhà rất kỹ, nhờ vậy, các con chị không những không bị “tụt hậu” so với bạn bè, mà luôn đạt kết quả cao trong học tập”.
Nội dung những câu chuyện “học thêm không bắt buộc cũng như bắt buộc” và “nuôi, dạy học sinh tại nhà” mà các phụ huynh học sinh phản ánh ở trên, không chỉ xảy ra ở phạm vi nhỏ hẹp, mà hầu như đều diễn ra ở các đô thị ở Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Minh - Trưởng Phòng GD-ĐT TP Đà Lạt cho hay: Phòng cũng đã nắm được những thông tin phản ánh rất nhiều của phụ huynh học sinh và đã tổ chức kiểm tra nhiều lần, nhưng rất khó phát hiện vi phạm, bởi khi đoàn có mặt, thì chỉ thấy học sinh đang vui chơi, mà không thấy học. Có điều, trong quy định của Bộ GD-ĐT không nói rõ cấm hay cho phép việc nuôi học sinh tại nhà. Do vậy, chính quyền địa phương cần đưa việc nuôi học sinh tại nhà vào diện quản lý, nhằm đưa việc nuôi học sinh tại nhà vào kỷ cương, nề nếp.
Ông Minh cũng cho biết thêm: Theo Thông tư hướng dẫn số 17/2012/TTBGDĐT quy định “Về dạy thêm, học thêm” của Bộ GD-ĐT, có hiệu lực từ ngày 01/7/2012 thì: Các giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, chỉ được tham gia dạy thêm ở các Trung tâm dạy thêm ngoài nhà trường khi được sự cho phép của Nhà nước, nhưng không được dạy thêm đối với những học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa trong nhà trường. Đối với học sinh tiểu học, cấm tổ chức dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức, giáo viên chỉ được tổ chức bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
HOÀNG VƯƠNG MỸ