Hiểm họa từ những chiếc cầu phao

09:07, 18/07/2016

Nhiều năm nay, mỗi lần qua sông Đồng Nai, người dân thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên) và xã Đắk Lua (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) luôn đối mặt với nguy hiểm rình rập từ những chiếc cầu phao dân sinh do người dân tự làm tạm bợ. Thực tế, thời gian qua đã có không ít người gặp tai nạn phải bỏ mạng trên những chiếc cầu này.

Nhiều năm nay, mỗi lần qua sông Đồng Nai, người dân thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên) và xã Đắk Lua (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) luôn đối mặt với nguy hiểm rình rập từ những chiếc cầu phao dân sinh do người dân tự làm tạm bợ. Thực tế, thời gian qua đã có không ít người gặp tai nạn phải bỏ mạng trên những chiếc cầu này.
 
Nguy hiểm luôn rình rập khi người dân đi qua cầu phao
Nguy hiểm luôn rình rập khi người dân đi qua cầu phao
Nguy hiểm rình rập
 
Thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên) và xã Đắk Lua (huyện Tân Phú) được bao bọc bởi con sông Đồng Nai. Trong những năm qua, mọi sinh hoạt và đi lại của hàng ngàn người dân ở các địa phương này phần lớn phụ thuộc vào con sông Đồng Nai. Đối với người dân thị trấn Cát Tiên, cách duy nhất để qua xã Đắk Lua là phải đi qua những chiếc cầu phao chòng chành, nguy hiểm. Chiếc cầu này cũng chính là con đường nhanh nhất để người dân Đắk Lua đến Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên nếu bị đau ốm. Chính vì vậy, mỗi ngày, những chiếc cầu phao được kết bởi nhiều nhịp tách rời ra, xuống cấp, rệu rã vẫn đang phải “oằn mình cõng” hàng trăm và thậm chí cả ngàn lượt người, phương tiện qua sông Đồng Nai. Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Theo thống kê, vài năm trở lại đây, đã có ít nhất 5 người phải “bỏ mạng” khi đi qua những chiếc cầu phao không an toàn này. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, trên địa bàn thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên) đang có 2 cây cầu phao do người dân tự làm. Trong đó, một cầu tại tổ dân phố 14 (thị trấn Cát Tiên) nối với ấp 5 (xã Đắk Lua) và cầu còn lại nằm ở tổ dân phố 15 (thị trấn Cát Tiên) nối với ấp 2 (xã Đắk Lua). Những chiếc cầu phao này, đều do người dân ở hai bên bờ sông Đồng Nai tự làm mà không qua một quy trình, bản vẽ, thiết kế nào nhưng nó vẫn tồn tại cả hơn 20 năm nay. Cũng chừng ấy năm, đây chính là con đường duy nhất để người dân các địa phương qua lại trao đổi hàng hóa và làm ăn. Đó chính là lý do mặc dù biết được những nguy hiểm luôn rình rập, nhưng người dân nơi đây vẫn buộc phải “đánh cược” tính mạng cho sự may rủi. 
 
Ông Nhữ Văn Dụ (tổ 12, thị trấn Cát Tiên) lo lắng: “Đã hơn 20 năm nay, từ thị trấn Cát Tiên, tôi thường xuyên phải qua xã Đắk Lua buôn bán bằng chính 2 chiếc cầu phao này. Không chỉ riêng tôi mà hàng ngày, có hàng ngàn lượt người, phương tiện qua sông bằng cầu phao. Mùa nắng cũng như mùa mưa, mỗi lúc qua sông trên cầu phao ai cũng nơm nớp lo sợ. Mùa nắng, nước rút xuống sâu tạo thành dốc sâu thăm thẳm từ 3 - 4 mét nên nhiều người đàn ông như tôi xuống cầu qua sông có khi còn té gãy cả tay chân, huống gì đàn bà con gái. Còn mùa mưa, nước dâng cao, qua sông dễ hơn nhưng cầu đã hư hỏng, rệu rã lại không có lan can bảo vệ nên rất nguy hiểm!”.
 
Theo quan sát của chúng tôi, 2 cầu phao này được người dân xây dựng tạm bợ. Mỗi thân cầu được nối từ 3 đến 4 nhịp kết lại với nhau bằng những tấm ván hay Những cây lồ ô yếu ớt. Để cầu nổi lên mặt nước, phía dưới thân cầu được kết bằng những chiếc thùng phi và can nhựa. Thành cầu được làm bằng những cọc tre yếu ớt, sơ sài. Vì đây là cầu do người dân tự bỏ tiền làm, nên khi qua sông ngoài việc đối mặt với “tử thần” người dân còn phải đóng tiền lệ phí từ 4 - 7 ngàn đồng/lượt cho chủ cầu. Chị Nguyễn Thị Thơm (ngụ tại thị trấn Cát Tiên) cho hay: “Tôi là người Cát Tiên nhưng đang dạy học bên xã Đắk Lua, mỗi ngày phải đi qua cầu phao ít nhất 2 lần. Vẫn biết là nguy hiểm luôn rình rập, nhưng vì công việc nên phải chấp nhận. Mỗi ngày đi như vậy cũng phải đóng lệ phí cho chủ cầu mất hơn 10 ngàn đồng. Mong rằng, tới đây, chính quyền 2 địa phương sẽ xem xét đầu tư xây cầu an toàn hơn để chúng tôi đi lại thuận lợi”.
 
Mong đợi một cây cầu kiên cố
 
Anh Vũ Tiến Thọ (ngụ xã Đắk Lua, huyện Tân Phú) cho biết: “Hai cầu phao này là con đường trung tâm và duy nhất nối xã Đắk Lua với thị trấn Cát Tiên. Song, bà con chúng tôi không hiểu sao, huyện Tân Phú lại chọn khu vực ấp 7 (xã Đắk Lua nối với thôn 3, xã Quảng Ngãi (huyện Cát Tiên) để xây cầu bê tông với vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Sau nhiều tháng khởi công, do chưa thỏa thuận đền bù được với nhiều hộ dân xã Quảng Ngãi nên đến nay tiến độ thi công rất chậm không biết đến lúc nào mới xong. Mà có xong, tôi nghĩ bà con cũng chẳng đi vì qua đó xa lắm, mất cả chục km”.
 
Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cát Tiên, mong muốn: “Do 2 cầu phao trên địa bàn là đường “độc đạo” để người dân địa phương và người dân Đắk Lua qua lại. Vì vậy, hàng năm, chúng tôi đều phối hợp với xã Đắk Lua tiến hành kiểm tra mức độ an toàn của các cây cầu. Song, đó cũng là giải pháp tình thế tạm thời mà thôi. Chúng tôi mong rằng, sớm có một cây cầu kiên cố để người dân các địa phương đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận tiện hơn và phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra khi qua cầu”.
 
Người dân đang từng ngày mong chờ các cơ quan chức năng sớm có kế hoạch xây dựng chiếc cầu kiên cố để qua sông.
 
KHÁNH PHÚC