Những trận mưa lớn đầu mùa đổ nước vào lòng hồ Đan Kia kéo theo một lượng lớn vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật đổ dồn về đây. Hồ cung cấp nước sinh hoạt chủ lực cho TP Đà Lạt có nguy cơ ô nhiễm rất cao.
Những trận mưa lớn đầu mùa đổ nước vào lòng hồ Đan Kia kéo theo một lượng lớn vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật đổ dồn về đây. Hồ cung cấp nước sinh hoạt chủ lực cho TP Đà Lạt có nguy cơ ô nhiễm rất cao.
|
Hồ Đan Kia la liệt vỏ chai, lọ thuốc BVTV |
Hoạt động sản xuất nông nghiệp bên cạnh thượng nguồn hồ Đan Kia, thuộc thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, đã diễn ra sôi động hàng chục năm qua. Những năm gần đây, tình trạng san ủi, xâm lấn vào khu vực lòng hồ để phục vụ sản xuất nông nghiệp của cư dân địa phương “bùng phát” ngày càng mạnh. Cùng với đó, một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong đó chủ yếu là loại thuốc có độc tố cao, thuộc nhóm II và III, được nhà vườn đưa vào khu vực này để trừ khử mầm bệnh trên cây trồng. Nguy hiểm hơn, hầu hết chất thải nông nghiệp, trong đó có vỏ chai, lọ thuốc BVTV mùa mưa theo dòng nước đổ cả về lòng hồ Đan Kia. Cả chục năm nay, hồ cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho toàn TP Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương bất đắc dĩ trở thành điểm chứa chất thải nông nghiệp khổng lồ, trong đó có những loại chất thải rắn cực kỳ nguy hại. Thời điểm này, khi những cơn mưa lớn đầu mùa xuất hiện cũng là lúc chai, lọ thuốc BVTV bị ném bỏ trên đồng ruộng suốt nhiều tháng mùa khô theo dòng nước mưa, nước suối tuồn xuống lòng hồ.
Ngày 19/7, khi chúng tôi có mặt, ngay tại cửa miệng của những ống hút nước từ hồ Đan Kia vào nhà máy xử lý nước của Công ty Cổ phần cấp nước Sài Gòn Đan Kia vẫn đang la liệt những chai, lọ thuốc BVTV trộn lẫn trong cành cây, cỏ rác. Theo quan sát của PV, bờ hồ Đan Kia, khu vực giáp ranh với vùng sản xuất nông nghiệp kéo dài nhiều cây số ngập ngụa trong rác thải, chai lọ, đặc biệt là ở các eo nước, nơi điểm cuối của những con sóng. Cách đó không xa, trên những cánh đồng rau, một số người làm nông nghiệp đang phun xịt thuốc, trừ khử mầm bệnh cho cây trồng với trang phục bảo hộ kín bưng. Hiện chưa có thống kê cụ thể từ cơ quan chức năng nhà nước mỗi năm có bao nhiêu mét khối chai, lọ thuốc BVTV theo nước mưa đổ về hồ Đan Kia. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra quanh khu vực này, cùng với la liệt chai, lọ, vỏ nilon đựng thuốc BVTV nằm ngổn ngang trên bờ, dưới nước cho thấy một khối lượng lớn rác thải đựng chất hóa học độc hại nguy hiểm hằng năm bị đổ dồn về đây theo những cơn mưa.
Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề chất thải nông nghiệp, trong đó có vỏ chai, lọ thuốc BVTV nằm dưới lòng hồ, ông Nguyễn Văn Thiều, Đội trưởng Đội Quản lý lòng hồ Đan Kia (thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng) phải thốt lên rằng: “Anh em trong đội đã cố gắng hết sức mình để thu gom chất thải nhưng vào mùa mưa, thu gom đằng trước chai lọ thuốc BVTV, rác thải nông nghiệp đổ về đằng sau. Vớt cả ngày không xuể. Hồ bị ô nhiễm nặng nề nhất là vào sau những cơn mưa lớn!..”.
Theo Chi cục BVTV Lâm Đồng, mức độ sử dụng thuốc BVTV tại Lâm Đồng được đánh giá cao hơn so với các địa phương khác trên cả nước. Năm sau có xu hướng tăng hơn so với năm trước. Hàng năm, ước tính thuốc BVTV thương phẩm mà nông dân Lâm Đồng sử dụng vào khoảng từ 8.000 - 10.000 tấn. Kết quả nghiên cứu của cơ quan chức năng và đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, tỷ lệ bao bì/khối lượng thuốc đối với chai nhựa khoảng 12 - 15%, gói và loại khác chiếm 3 - 5%; trong đó, chai nhựa chiếm 70 - 80%, gói và các loại khác chiếm 20 - 30%. Như vậy, trên địa bàn Lâm Đồng mỗi năm có lượng vỏ thuốc BVTV thải ra môi trường khoảng 560 - 800 tấn. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã cho lắp đặt 32 bể thu gom rác thải thuốc BVTV tại 5 huyện, thành phố. Tuy nhiên, con số này chẳng nhằm nhò gì so với nhu cầu thực tế. Đó là chưa kể có những điểm đã được lắp đặt bể thu gom vỏ chai, lọ thuốc BVTV nhưng người sử dụng vẫn không đem tới bỏ đúng nơi quy định.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó chi Cục trưởng Chi Cục BVTV Lâm Đồng cho biết, bao bì đựng thuốc BVTV được người sử dụng xả trực tiếp ra môi trường vẫn còn sót lại thuốc bên trong, bám dính trên bao bì, sẽ ngấm vào nguồn nước, ảnh hưởng xấu tới môi trường. Đặc biệt, Đan Kia lại là hồ cung cấp nguồn nước sinh hoạt chủ lực cho TP Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương.
Kết quả phân tích mẫu nước tại các hồ Đan Kia, Chiến Thắng và Tuyền Lâm vào năm 2014 của Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng (Sở Khoa học - Công nghệ Lâm Đồng) được công bố cho thấy, nguồn nước ở các hồ trên đều rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Tất cả các mẫu nước đều không đạt quy chuẩn. Tổng chất rắn lơ lửng vượt tới 31 lần, E.coli mức vượt cao nhất 1.200 lần, Coliform vượt 90 lần… Bên cạnh đó, dư lượng hóa chất BVTV cũng đã phát hiện trong nước một số hoạt chất thuộc nhóm Chlor và lân hữu cơ với mức vượt từ 2-3 lần. Trước thực trạng trên, người sử dụng nước sinh hoạt từ hồ Đan Kia hết sức lo lắng cho chất lượng nguồn nước hằng ngày.
Bà Phạm Thị Hường - đường Bùi Thị Xuân, TP Đà Lạt chia sẻ: “Hồ chứa nước sinh hoạt cho người dân mà lại để như thế thì không thể chấp nhận được. Nếu sử dụng phải nước không đạt chuẩn, bị nhiễm độc từ thuốc BVTV chắc chắn sẻ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nhà nước cần có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này”.
Để trả lại sự trong sạch cho môi trường và nguồn nước ở hồ Đan Kia, phải hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV tại khu vực quanh hồ và gần các con suối đổ về hồ này. Chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân không ném bỏ chất thải, chai, lọ thuốc BVTV mà tập kết thành từng điểm để thu gom, tiêu hủy theo đúng quy định. Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm những trường hợp xả chất thải gây ô nhiễm môi trường.
DIỄM THƯƠNG - KHẮC LỊCH