Thu gom rác thải trên đồng ruộng

08:07, 27/07/2016

Triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", trong đó có sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, Hội Phụ nữ tỉnh đã vận động hội viên thực hiện nhiều mô hình cụ thể, thiết thực. Nhằm nâng cao chất lượng cuộc vận động, Hội LHPN có kế hoạch phối hợp với Hội Nông dân vận động hội viên xây dựng mô hình thu gom rác trên đồng ruộng.

Triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, trong đó có sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, Hội Phụ nữ tỉnh đã vận động hội viên thực hiện nhiều mô hình cụ thể, thiết thực. Nhằm nâng cao chất lượng cuộc vận động, Hội LHPN có kế hoạch phối hợp với Hội Nông dân vận động hội viên xây dựng mô hình thu gom rác trên đồng ruộng.
 
Nông dân thu gom, phân loại rác thải và bảo vệ môi trường nông thôn góp phần xây dựng thành công nông thôn mới
Nông dân thu gom, phân loại rác thải và bảo vệ môi trường nông thôn góp phần xây dựng thành công nông thôn mới

Ông Đinh Công Lý - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới - một chương trình tổng thể về quy hoạch, về hạ tầng kinh tế - xã hội, về kinh tế và tổ chức sản xuất, về văn hóa - xã hội - môi trường và về hệ thống chính trị, cùng với sự tuyên truyền sản xuất nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao, đầu tư lao động thấp, không những đạt hiệu quả lớn về mặt kinh tế mà còn hài hòa, thống nhất lợi ích xã hội và sinh thái môi trường. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã vận động hội viên, nông dân trong tỉnh tích cực tham gia phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó, đã có nhiều mô hình hay của những người nông dân chân chất được nhân rộng, điển hình là sáng chế máy xay phế phẩm nông nghiệp chế biến phân vi sinh bảo vệ môi trường của nông dân Vũ Đình Phúc ở phường 7, Đà Lạt. Từ sáng chế của người nông dân này, Hội Nông dân TP Đà Lạt đã triển khai nhân rộng mô hình Tổ Nông dân tự quản bảo vệ môi trường trong toàn thành phố và đã có 8 tổ với hơn 100 hộ nông dân tự nguyện tham gia. 
 
Các Tổ Nông dân tự quản bảo vệ môi trường sẽ tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân, hướng dẫn cách thức thu gom, phân loại và xử lý chất thải để tái chế. Tất cả lượng rác rau, hoa của nông dân sau khi thu hoạch sẽ được thu gom mang đến bán cho các cơ sở chế biến phân vi sinh trên địa bàn. Sáng chế của ông Phúc đã làm cho tư duy của người nông dân thay đổi, họ đã thấy được những lợi ích thiết thực khi áp dụng mô hình này. Đồng thời, khắc phục được tình trạng rác thải nông nghiệp tràn lan, góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp.
 
Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, Hội Nông dân tỉnh cũng đã phối hợp với Trung tâm Môi trường - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tạo điều kiện hỗ trợ, tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án mô hình “Hội Nông dân thu gom, phân loại rác thải và bảo vệ môi trường nông thôn” tại thị trấn D’Ran - Đơn Dương. Dự án đã thu hút 100 hộ hội viên nông dân tham gia. Những người nông dân tham gia dự án này được tập huấn các kiến thức về phân loại rác, sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn. Ban điều hành dự án đã thành lập Tổ dịch vụ thu gom rác của 3 tổ dân phố thuộc trung tâm thị trấn D’Ran, có 3 chi hội, gồm 9 thành viên, hàng ngày đi thu gom rác tại các hộ gia đình và các thùng rác công cộng đến điểm tập kết rác của thị trấn. Đồng thời, giám sát việc bỏ rác đúng chỗ, đúng nơi quy định. Dự án còn trang bị 42 thùng rác để phân loại rác từ các cụm, hộ gia đình trước khi vận chuyển đến bãi rác chung và vận động hội viên nông dân đóng góp kinh phí để trang bị xô nhỏ để phân loại rác tại hộ gia đình, thuê đội vệ sinh đi thu gom rác và thuê công ty môi trường chuyên chở rác từ bãi rác tập trung về bãi rác của huyện để xử lý.  
 
Đến nay, hầu hết các hộ nông dân tham gia dự án đã thực hiện phân loại rác từ gia đình, bỏ rác đúng nơi quy định và đúng giờ. Dự án được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân và các cấp chính quyền địa phương đã thu hút được sự đồng tình của bà con nông dân. Bên cạnh đó, việc triển khai dự án còn nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động sự tham gia của đông đảo người dân đối với công tác bảo vệ môi trường, với mục đích phấn đấu tăng thêm số hộ cam kết tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, tự quản vệ sinh môi trường các đường phố, đặc biệt là khu vực nông thôn.
 
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đinh Công Lý cho biết thêm, phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua về công tác bảo vệ môi trường, năm 2015 Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã xây dựng 161 mô hình nông dân bảo vệ môi trường, đến nay các mô hình vẫn duy trì tốt. Dù chỉ mới thực hiện ở quy mô nhỏ nhưng mô hình “Hội Nông dân thu gom, phân loại rác thải và bảo vệ môi trường nông thôn” đã tạo ra ảnh hưởng lớn đến nhận thức của người nông dân, góp phần tích cực vào việc vận động những hộ nông dân khác tham gia ký vào bản cam kết bảo vệ môi trường, thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi vì bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu chính là bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mọi người, là biểu hiện của nếp sống văn hóa đạo đức, tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh.
 
AN NHIÊN