Bất cập nhà tái định cư

08:08, 26/08/2016

Hàng loạt công trình nhà ở vừa được trao cho người nghèo nay đã thành nhà hoang. Số phận những căn nhà còn lại thì mưa dột, nắng dọi, gió thốc tứ phía…

Hàng loạt công trình nhà ở vừa được trao cho người nghèo nay đã thành nhà hoang. Số phận những căn nhà còn lại thì mưa dột, nắng rọi, gió thốc tứ phía…
 
Đó là thực trạng đang hiển hiện tại một số khu tái định cư dành cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo trên địa bàn tỉnh.
 
Tọa lạc trên những quả đồi nằm cạnh lòng hồ thủy điện Đại Ninh là khu tái định cư Bog Tiêng, thôn B’Liang (xã Tà Hine, Đức Trọng). Dọc hai bên trục đường còn thoảng mùi xi măng; cùng các nhánh đường đất đỏ ngang, dọc trong khu tái định cư này, hàng chục ngôi nhà gạch mới xây san sát, nhưng vắng bóng người. 
 
Nhà tái định cư tại Bog Tiêng không có người ở
Nhà tái định cư tại Bog Tiêng không có người ở
Các công trình nhà ở tại đây đều được xây khá sơ sài và được “copy” cùng mẫu, với diện tích 6x4m giống như những “chiếc hộp bê tông”, phần mái làm bằng tôn. Nhà chỉ có một phòng duy nhất, không móng; các viên gạch tường được ghép cẩu thả, ánh nắng có thể xuyên thấu phòng; nền đất gồ ghề, nhiều căn trống hoác vì không có cửa, không nhà bếp và không có cả nhà vệ sinh...
 
Theo Ban Dân tộc tỉnh, đến nay, Lâm Đồng có 21 dự án định canh, định cư (8 dự án tập trung, 13 dự án lồng ghép), nhằm ổn định 1.171 hộ dân, với hơn 6.000 khẩu. Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, mới hoàn thành hai dự án tái định canh, định cư tập trung và 10 dự án lồng ghép; ổn định được 728 hộ/3.292 nhân khẩu. Hiện còn 9 dự án đang đầu tư dở dang vì chưa có vốn.

Ngồi trong căn nhà có tới chín người chung sống, ông Ha Tông (52 tuổi, dân tộc K’Ho, một trong số ít hộ đang bám trụ tại khu tái định cư Bog Tiêng) thổ lộ: “Khổ lắm, trời mưa thì nhà hứng nước, nắng thì nóng lắm, bụi mịt mù. Nhà tệ quá nên nhiều hộ đã nhận nhà nhưng không ở. Nhà mình đã lỡ vào rồi nên lúc nào cũng lo nhà sập...”.

Theo người dân thôn B’Liang, năm 2013, dự án tái định canh, định cư cho 67 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Bog Tiêng được triển khai với các hạng mục, như bố trí đất sản xuất, đất ở, xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, nước và nhà ở cho các hộ dân. Đến cuối năm 2015, có 43 hộ được hỗ trợ làm nhà ở, 44 hộ được hỗ trợ đất sản xuất. Mặc dù chính quyền địa phương đã “chuyển khẩu” và nhiều lần tuyên truyền, vận động bà con về nơi ở mới; nhưng đến nay, trong tổng số 43 căn nhà, chỉ 6 căn có người sinh sống; số còn lại vẫn để không, đang bị xuống cấp vì mưa nắng, trông như những ngôi nhà hoang.
 
Tại một khu tái định cư khác dưới chân dốc Lang Hanh, dãy nhà của một số hộ dân thuộc tổ 4, thôn Tân Phú (xã Ninh Gia, Đức Trọng), cũng chung tình cảnh. Nhìn vẻ ngoài, dễ dàng nhận ra đây là khu dân cư của một dự án, bởi hầu hết các căn nhà có hình thức giống nhau, được quy hoạch khá quy củ trên một khu đất thoáng, rộng. Song, ngược với vẻ ngoài, khu dân cư này lại khá vắng vẻ, nhiều căn nhà cửa đóng then cài, một số trống hoác, xập xệ, xuống cấp vì không người ở. 
 
Một trong số các hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà theo Chương trình 167, đang “bám trụ” tại đây, chị Phan Thị Thùy Trang cho biết: Cách đây 6 năm, mỗi hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn như gia đình chị được nhà nước, địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng và vay thêm 8 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với lãi suất ưu đãi để làm nhà. Đất được UBND xã quy hoạch và cấp cho từng hộ. “Gia đình nào có điều kiện bỏ thêm tiền thì chất lượng nhà khá hơn, không thì chỉ xây nhà từ nguồn kinh phí 18 triệu đồng, diện tích nhà nhỏ, chất lượng kém, thiếu các công trình phụ như bếp, nhà vệ sinh, giếng nước... nên khi vào ở rất bất tiện” - chị Trang bộc bạch. Cũng theo chị Trang, ở đây khô hạn triền miên, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hàng chục mũi khoan đã cắm sâu xuống lòng đất vùng này, nhưng vẫn không tìm ra nước. Mùa khô, để có nước sinh hoạt, những gia đình ở đây phải thuê máy bơm hút nước từ các hồ, suối cách vài cây số về chứa trong những bể tạm. “Dẫu biết nguồn nước không bảo đảm vệ sinh nhưng vẫn phải sử dụng” - chị Trang đượm buồn.
 
Bên trong căn nhà tái định cư của gia đình Ha Tông tại khu Bog Tiêng
Bên trong căn nhà tái định cư của gia đình Ha Tông tại khu Bog Tiêng
Một cán bộ tổ 4, thôn Tân Phú bộc trực: Khu dân cư này gồm 19 ngôi nhà được xây dựng từ năm 2010, theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, nhưng đến nay, nhiều căn bỏ hoang, bởi có 9 hộ đã dời đi nơi khác sinh sống. Muôn vàn lý do, nhưng chủ yếu vì khu dân cư xây dựng ở vị trí không thuận lợi, xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, đất đai cằn cỗi, nên đời sống của người dân rất khó khăn. Đã vậy, vì ở cách xa trường trung học cơ sở, những đứa trẻ trong khu dân cư này, sau khi học hết bậc tiểu học, biết sơ những con chữ đầu đời, phải ngậm ngùi bỏ trường, bỏ lớp. 
 
Theo tìm hiểu, dự án định cư tại Bog Tiêng, do UBND huyện Đức Trọng làm chủ đầu tư và giao Phòng Dân tộc huyện triển khai thực hiện. Còn khu tái định cư tại thôn Tân Phú, huyện giao UBND xã Ninh Gia khảo sát quy hoạch, bố trí đất ở và phối hợp với người dân xây nhà. 
 
Lý giải về chất lượng của những ngôi nhà trong khu tái định cư Bog Tiêng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đức Trọng Phạm Ngọc Tiến cho rằng: Theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi hộ được Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng, hộ nào có tiền đối ứng thêm thì chất lượng nhà sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình trong diện này đều khó khăn, nên toàn bộ kinh phí xây nhà chỉ vỏn vẹn 15 triệu đồng. “Tóm lại, với số tiền này, không thể nào đủ xây một căn nhà để ở” - ông Tiến nói. 
 
Dù biết, với số tiền trên sẽ không thể xây được nhà ở, nhưng cả chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn làm, khiến nhà không ra nhà. Việc khảo sát, quy hoạch thiếu thực tế, nên bố trí dân cư vào nơi không phù hợp, đất đai cằn cỗi, giao thông đi lại khó khăn, xa trường học, khô hạn triền miên... khiến đời sống của người dân nghèo khó chồng thêm khó.
 
THỤY TRANG