Cảnh giác với vấn nạn "đạo chích" nông nghiệp

08:08, 08/08/2016

Sự lơ là, thiếu cảnh giác của người dân chính là cơ hội tốt để cho những kẻ "đạo chích" trộm cắp trâu, bò và vật tư nông nghiệp của bà con nông dân vùng nông thôn. Và, trong thời gian gần đây, tại địa bàn huyện Lạc Dương cũng đã xảy ra một số sự vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất nông nghiệp, gây hoang mang trong bà con nông dân

Sự lơ là, thiếu cảnh giác của người dân chính là cơ hội tốt để cho những kẻ “đạo chích” trộm cắp trâu, bò và vật tư nông nghiệp của bà con nông dân vùng nông thôn. Và, trong thời gian gần đây, tại địa bàn huyện Lạc Dương cũng đã xảy ra một số sự vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất nông nghiệp, gây hoang mang trong bà con nông dân. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Lạc Dương, tính đến thời điểm đầu năm 2016, tổng đàn trâu của huyện gần 1.800 con, đàn bò khoảng 3.500 con. Ông Trịnh Đình Thủy, Phó Phòng NN&PTNT huyện Lạc Dương cho biết: Lạc Dương là một huyện có nền nông nghiệp phát triển, bao gồm trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài việc chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, bà con nông dân rất chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc, trong đó chú trọng đến trâu và bò.
 
Với điều kiện đồi núi, thích hợp cho việc chăn thả trâu bò, từ lâu các hộ dân chăn nuôi ở đây thường lùa trâu bò vào rừng, thi thoảng mới đi kiểm tra hay đóng sẵn các chuồng trâu, bò ngay trong rừng để nhốt vào buổi tối. Nắm lấy cơ hội có một không hai này, gần đây kẻ gian đã đột nhập bắt trộm 7 con trâu của gia đình ông Kră Jăn Wơr (1962, trú Tổ dân phố Đăng Kia, thị trấn Lạc Dương).
 
Chuồng trâu của ông Kră Jăn Wơr bị “đạo chích” phá tan, bắt đi 7 con trâu
Chuồng trâu của ông Kră Jăn Wơr bị “đạo chích” phá tan, bắt đi 7 con trâu

Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Dương Trung Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện Lạc Dương cho biết: “Sáng 1/8, chúng tôi nhận được tin báo từ ông Kră Jăn Wơr báo rằng gia đình ông bị kẻ trộm bắt đi 7 con trâu, trong đó có 5 con trâu mẹ và hai con trâu tơ. Khu vực đóng chuồng nhốt tại Tiểu khu 112B (thuộc thị trấn Lạc Dương), thời điểm phát hiện bị mất là vào buổi sáng khi ông này đi thả trâu”.
 
Nhận được tin báo, Công an huyện Lạc Dương đã kịp thời có mặt. Hiện trường mà các đối tượng “đạo chích” để lại là chuồng trâu đã bị phá, có dấu vết của xe tải và nhiều vết trấu (vỏ lúa) để lại. Sau khi tìm kiếm đàn trâu, kiểm kê lại thì còn 21 con trong tổng số 28 con mà ông Kră Jăn Wơr nuôi chung với ông Kră Jăn Joa Ten và ông Cil Lin (cùng trú tại thị trấn Lạc Dương). Hiện tại vụ việc này đang được cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Lạc Dương tiếp tục điều tra làm rõ.
 
Không chỉ nhắm vào vật nuôi, năm 2014, Nguyễn Đình Hạnh (thường trú phường 7, TP Đà Lạt) nói với Nguyễn Văn Tới (trú cùng phường) rằng tìm xem ở đâu có bình bơm thuốc trừ sâu thì lấy một cái về bán. Tới gọi điện thoại thông báo cho Hạnh rằng có bình bơm ở Lạc Dương, muốn lấy thì đi lấy. Hai người dùng xe máy chở nhau đến chòi canh vườn của ông Trần Văn Nhân (1968) tại tổ dân phố Đăng Gia Rít B, thị trấn Lạc Dương rồi dùng lưỡi cưa sắt phá khóa, phát hiện 2 bình bơm. Hạnh vào và mang theo 2 bình bơm ra ngoài, đến chỗ của Tới thì Hạnh thông báo trong chòi còn có một chiếc máy cày vẹt hiệu HonDa. Hạnh mang trả lại chỗ cũ một chiếc bình bơm thuốc trừ sâu rồi đẩy chiếc máy cày đi đến Tổ dân phố Đăng Lèn bán một bình bơm và chiếc máy cày cho cậu họ của Hạnh với giá máy cày là 5,5 triệu đồng. Sau khi đưa trước cho Hạnh 1 triệu đồng, cậu họ của Hạnh là Trần Hậu Tuấn đã nhận “hàng” và tiến hành tháo rời các bộ phận của máy cày, tháo cần bơm và cắt dây đeo bình bơm cất giấu.
 
Sau khi nhận được đơn trình báo của ông Trần Văn Nhân, Công an huyện Lạc Dương đã tiến hành điều tra và tóm gọn bọn “đạo chích”, thu giữ bình bơm và máy cày. 
 
Trung tá Vũ Tuấn Anh, Trưởng Công an huyện Lạc Dương phân tích: “Ngay sau khi nhận được tin báo về vụ kẻ trộm bắt mất trâu, chúng tôi đã kịp thời vào hiện trường để tiến hành điều tra làm rõ; mặt khác chủ động tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho bà con trong việc chăn thả rông trâu, bò trong rừng. Từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các xã và thị trấn thông báo cho nông dân kịp thời rà soát, kiểm tra số lượng trâu, bò và các vật tư nông nghiệp của mình, nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản”.
 
Thiết nghĩ, nông dân Lạc Dương cần phải có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ tài sản của mình, đừng để đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”.
 
BÙI ĐỨC TÚ