Thi công bị gián đoạn do trời mưa kéo dài khiến tuyến đường vào B'Lao Srê (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) trở thành con đường "khổ ải".
Thi công bị gián đoạn do trời mưa kéo dài khiến tuyến đường vào B’Lao Srê (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) trở thành con đường “khổ ải”. Rất nhiều đoạn trên tuyến đường này trở nên lầy lội với bùn nhão sâu đến tận gối chân. Học sinh và giáo viên rất chật vật khi đến trường với quần áo lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Người dân thì khó khăn hơn trong việc đi lại, vận chuyển nông sản và kinh doanh buôn bán bị ảnh hưởng lớn.
|
Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đoạn đường sình lầy |
Đường vào B’Lao Srê (nối Quốc lộ 20 với xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) đi qua 6 thôn trên địa bàn xã Đại Lào, từ thôn 6 đến thôn 11 dài hơn 3 km đã được khởi công xây dựng từ cuối năm 2015. Thế nhưng, khoảng hơn một tháng trở lại đây, đơn vị thi công buộc phải tạm ngừng thi công do mưa kéo dài. Cũng từ đó, người dân phải gồng mình chịu đựng những khổ ải khi đi lại trên con đường này, nhất là những đoạn đã được hạ độ cao. Trời mưa xuống thì nhiều đoạn ngập trong bùn đất. Hiện tại, đoạn bị sình lầy nhất là phần đường đi qua địa bàn thôn 7.
Điều đáng nói, nơi đây tập trung hai trường học cạnh nhau là Trường Tiểu học Võ Thị Sáu và Trường THCS Hồng Bàng với trên dưới 1.000 học sinh đến trường mỗi ngày. Bảo vệ của Trường THCS Hồng Bàng cho hay: Mấy bữa nay nắng ráo còn đỡ chứ những ngày mưa dầm thì cả đoạn đường như một ao bùn. Ngày nào cũng có giáo viên và học sinh té ngã lấm lem bùn đất. Có em bị tụt chân xuống bùn mất cả giày dép. Còn theo cô Kiều, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, giáo viên đến trường đều phải mang ủng và mặc áo mưa nhưng cũng không thoát khỏi bùn đất bết vào người. Do nền đường bị hạ thấp hơn so với cổng trường nên đa phần giáo viên không chạy xe lên được mà phải đi gởi. Việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học của cả thầy và trò.
Khi chúng tôi có mặt tại khu vực này, dù đã nhiều ngày nắng nhưng đoạn đường vẫn lầy bùn đất. Xe cộ qua lại rất khó khăn, nhất là xe chở nông sản của người dân. Ông Nguyễn Văn Thuận (người dân thôn 7, có nhà ngay đoạn đường bị sình lầy) cho biết: “Khoảng hơn 20 ngày nay, đoạn đường này lúc nào cũng ngập ngụa do mưa lớn nhiều ngày. Tôi ngày nào cũng chứng kiến cảnh học sinh, giáo viên và người dân té lên té xuống rất tội. Lắm hôm xe tải còn mắc lầy tại đoạn này 2, 3 ngày mới kéo đi được. Đường sá như vậy nên việc kinh doanh của nhà tôi, từ việc hàn sắt của tôi đến việc trang điểm làm tóc của con gái, đều bị giảm sút. Trước đây, đoạn đường này lổm chổm đá rất khó đi nên khi được làm đường người dân rất mừng, nhưng nếu tình trạng này càng kéo dài thì chỉ có “chết” dân”.
Mỗi ngày, lưu lượng xe đi trên tuyến đường rất lớn. Có cả xe tải vận chuyển vật liệu xây dựng, phân bón, chè qua lại nên làm tình trạng tuyến đường ngày càng tệ hơn. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền xã về vấn đề này. Ông Vũ Bình Định, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 7 cho biết: Sau nhiều lần kiến nghị thì UBND xã đã yêu cầu đơn vị thi công đổ đá để khắc phục đoạn sình lầy. Tuy nhiên, đến hiện tại thì cả đoạn sình dài khoảng một cây số vẫn gây khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày của người dân. Theo ông Phạm Công Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lào, đường B’Lao Srê do UBND xã Đại Lào làm chủ đầu tư. Nguồn kinh phí do UBND tỉnh Lâm Đồng bố trí trong giai đoạn 3 năm (2016 - 2018). Tuy nhiên, phía chủ đầu tư và đơn vị thi công đã có hợp đồng thi công tuyến đường hoàn thành trong thời gian 420 ngày. Đơn vị thi công ứng vốn để triển khai hoàn tất tuyến đường trong năm nay. Do đó, không có chuyện thiếu vốn khiến công trình bị ngưng trệ. Nguyên nhân chủ yếu là mưa lớn làm gián đoạn việc thi công. Việc này đã gây ảnh hưởng lớn đến người dân, nhất là các cháu học sinh. Ngay khi hết mưa, trong ngày 29/8, UBND xã Đại Lào đã yêu cầu đơn vị thi công san gạt lại mặt đường, đào mương thoát nước và lu lèn lại để người dân đi lại thuận lợi hơn. Đây là tuyến đường do nhà nước và nhân dân cùng làm với tổng kinh phí 14,1 tỷ đồng. Trong đó, người dân đóng góp 500 triệu đồng và tự nguyện giải phóng mặt bằng, hiến đất và hoa màu để làm đường. Hiện, còn vướng một hộ chưa giải phóng mặt bằng nhưng việc này không ảnh hưởng đến tiến độ thi công - ông Hương khẳng định.
ĐÔNG ANH