Cấp thiết phải bố trí vốn để xây chiếc cầu bắc qua sông Đồng Nai (thôn Vinh Ninh, xã Phước Cát II, huyện Cát Tiên) luôn là vấn đề "nóng" được đông đảo cử tri Cát Tiên phản ánh tại các diễn đàn tiếp xúc cử tri với đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng như với đại biểu Quốc hội...
Cấp thiết phải bố trí vốn để xây chiếc cầu bắc qua sông Đồng Nai (thôn Vinh Ninh, xã Phước Cát II, huyện Cát Tiên) luôn là vấn đề “nóng” được đông đảo cử tri Cát Tiên phản ánh tại các diễn đàn tiếp xúc cử tri với đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng như với đại biểu Quốc hội. Mới đây, tại buổi tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV (đơn vị tỉnh Lâm Đồng) sau Kỳ họp lần thứ I, cây cầu lại tiếp tục được cử tri huyện Cát Tiên đưa ra chất vấn các đại biểu Quốc hội.
|
Một góc Cát Tiên hôm nay |
Đồng chí Ngô Xuân Hiển, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên cho rằng, cây cầu qua sông Đồng Nai nối Cát Tiên với tỉnh Bình Phước là mong mỏi của người dân Cát Tiên suốt bấy lâu nay. “Nếu không sớm được bố trí vốn đầu tư, nâng cấp đường ĐT 721 thành QL 55B, nhất là xây dựng cây cầu kiên cố bắc qua sông Đồng Nai thì Cát Tiên rất khó để phát triển. Bởi, cây cầu không chỉ phá vỡ thế ngõ cụt của Cát Tiên, giúp Cát Tiên thông thương với Bình Phước, các tỉnh khu vực Đông Nam bộ và Đắk Lắk, Đắk Nông, mà còn tạo điều kiện để Cát Tiên kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đến địa phương đầu tư. Do vậy, có thể nói cây cầu kiên cố bắc qua sông Đồng Nai trở thành chiến lược trong việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ mà Nghị quyết của Đảng bộ huyện Cát Tiên lần thứ VII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã đề ra”, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Ngô Xuân Hiển phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIV.
Nghị quyết của Đảng bộ huyện Cát Tiên lần VII nêu rõ: tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế về mũi nhọn phát triển du lịch - dịch vụ. Từ quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị đến sản xuất nông nghiệp Cát Tiên đều tính theo hướng này. Cụ thể, huyện Cát Tiên đẩy mạnh việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa để ngoài việc tham gia thị trường, còn tạo ra những thương hiệu Lúa - Gạo Cát Tiên, Diệp hạ châu Cát Tiên, Cá lăng Cát Tiên. Rõ nhất cho hướng chuyển dịch trên là Lúa - Gạo Cát Tiên, Diệp hạ châu Cát Tiên đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu độc quyền.
Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên Bùi Văn Hùng cho biết, cùng việc xây dựng thương hiệu Lúa - Gạo Cát Tiên, bằng đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại trong tất cả các khâu chọn giống, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, Cát Tiên tập trung chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp; đồng thời, chú trọng tái canh cây điều và hướng đi tiếp theo của địa phương sẽ là phát triển cây dược liệu.
Nỗ lực của Cát Tiên để phát triển ngành nông nghiệp một cách thật sự chiến lược, bài bản là rất đáng ghi nhận. Song, địa phương vẫn gặp những hạn chế nhất định trong việc liên kết giữa các nhà, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này kết quả chưa như mong muốn. “Sức lực của địa phương chỉ đến thế. Do đó, Cát Tiên rất cần sự tiếp sức của tỉnh, của Trung ương trong việc kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đến đầu tư tại địa phương”, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên cho biết.
Cũng theo đồng chí Ngô Xuân Hiển, muốn thu hút nhà đầu tư, trước mắt phải giải quyết được thế ngõ cụt của Cát Tiên, nhằm tạo ra sự liên kết vùng và việc xây dựng cây cầu nối với Bình Phước là một giải pháp. Như vậy, sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư, để qua đó nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích cho người dân, tạo điều kiện cho Cát Tiên chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. “Hiện tại, tỷ trọng nền nông nghiệp Cát Tiên vẫn đang chiếm tới 47%”.
TRỊNH CHU