Hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe, vì vậy, vấn đề chất lượng của các đơn vị này phải được đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Một trong những yếu tố góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh, đó là công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX). Bởi qua phân tích nguyên nhân các vụ gây tai nạn, phần lớn do ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Vì vậy, siết chặt quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cần được quan tâm thực hiện.
|
Ngày càng có nhiều học viên học lấy giấy phép lái xe ô tô |
Nhiều sai sót đào tạo lái xe
Thực hiện Thông tư 58/2015/TT-BGTVT ngày 20/10/2015 của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và Đề án nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua, Lâm Đồng đã chủ động, nhanh chóng triển khai những quy định mới trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, tiến hành tổng kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe cả về cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ giáo viên. Mục đích của đợt kiểm tra, chấn chỉnh này nhằm “học thật, thi thật”, góp phần nâng cao chất lượng tay lái cũng như đạo đức người lái xe.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 trung tâm và 19 cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ô tô, mô tô và xe máy kéo. Trong đó, có 6 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 15 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và 2 trung tâm sát hạch lái xe loại 2. Qua thanh kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện còn tồn tại nhiều thiếu sót tại các cơ sở đào tạo. Điển hình như việc quản lý hồ sơ học viên chưa chặt chẽ (lỗi này bắt gặp ở hầu hết các trung tâm), số học viên lên lớp không khớp với số học viên đăng ký học chứng tỏ vẫn còn nhiều học viên bỏ tiết theo quy định xảy ra tại các trung tâm ở huyện như Đam Rông, Di Linh, Đơn Dương... Bên cạnh đó, cơ sở vật chất chưa được nâng cấp, trang bị thêm kể từ khi được cấp phép đào tạo lái xe còn tồn tại ở các trung tâm, cơ sở đào tạo như: máy tính, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sân tập lái... Về phía học viên, nhiều trường hợp đã qua đào tạo nhưng vẫn chưa sử dụng được máy tính, chưa biết cách làm bài trong quá trình thi. Đáng nói hơn, đối với đào tạo ô tô, một số cơ sở chưa công khai đầy đủ nội dung, chương trình đào tạo, thời gian học tập, mức thu học phí theo quy định. Đặc biệt, chưa quản lý được việc giáo viên thu thêm tiền nhiên liệu đối với học viên trong thời gian dạy thực hành; một số cơ sở không bám sát giáo trình và kế hoạch đào tạo, cắt xén giờ học thực hành đối với học viên theo quy định... Đó là chưa kể, thay vì trang bị cho học viên hiểu rõ Luật Giao thông đường bộ, giáo viên lại chú trọng vào “học mẹo”, tức là học đối phó để làm bài thi trắc nghiệm.
Cần siết chặt quản lý
Bên cạnh những thiếu sót trong quá trình đào tạo lái xe của các cơ sở dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo, một số đơn vị đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất như sân tập, sân sát hạch; trang bị xe số, xe tự động và các thiết bị phục vụ việc giảng dạy, thi sát hạch hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, sát hạch cấp GPLX ngày càng tăng của người dân. Đồng thời, đảm bảo quy chuẩn cũng như quy định mới mà Tổng cục Đường bộ và Bộ GTVT quy định. Thống kê tới thời điểm này, tổng số phương tiện Lâm Đồng hiện đang quản lý bao gồm: 41.003 ô tô, trên 822.800 mô tô và 103 phương tiện đường thủy. Bình quân mỗi năm Lâm Đồng đào tạo, sát hạch và cấp GPLX gần chục ngàn lượt người cho thấy nhu cầu học thi lấy GPLX rất lớn. Ông Văn Đức Phúc, Phó Chủ tịch hội đồng quản trị, Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Thiên Phúc Đức cho biết: “Mấy năm qua, Trung tâm liên tục đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo đủ các điều kiện cho công tác đào tạo và sát hạch xe mô tô và ô tô các loại (từ A1 - C) đạt Quy chuẩn 40 của Bộ GTVT với lưu lượng hơn 600 học viên/thời điểm đăng ký. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Trung tâm không mở rộng quy mô đào tạo mà tập trung nâng cao chất lượng đào tạo lái xe và tiếp tục điều chỉnh theo hướng gắn các tình huống sát hạch với thực tiễn tham gia giao thông để nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện đối với từng học viên”.
Theo ông Nguyễn Văn Gia, Phó Giám đốc Sở GTVT, hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe, vì vậy, vấn đề chất lượng của các đơn vị này phải được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Để công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX đảm bảo đúng quy định và chất lượng, hàng năm, Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra Sở, các bộ phận liên quan trong ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch; kiên quyết xử lý các đơn vị không tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác đào tạo từ khâu tuyển sinh đến công tác giảng dạy; chấn chỉnh các sai phạm, bảo đảm quyền lợi cho các học viên, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe. Bên cạnh đó, cử chuyên viên theo dõi định kỳ, đột xuất kiểm tra từ khâu tiếp nhận, báo cáo đăng ký số lượng học viên đến kế hoạch và tiến độ đào tạo, danh sách giáo viên và xe tập lái tham gia giảng dạy; tổ chức thi lý thuyết, sát hạch và cấp GPLX... Nghiên cấm tuyệt đối hành vi bỏ qua bài học, cắt bớt thời gian đào tạo, rút ngắn số giờ hoặc km trong phần học thực hành lái xe. Đặc biệt, yêu cầu các trung tâm lồng ghép các nội dung nâng cao trách nhiệm đạo đức người lái xe khi tham gia giao thông vào chương trình đào tạo; thực hiện công khai, minh bạch quá trình sát hạch lái xe, giảm thiểu tác động, can thiệp của con người trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX... Hy vọng từ việc siết chặt quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX sẽ góp phần giảm thiểu TNGT trên địa bàn tỉnh.
HOÀNG YÊN