Đã từ lâu, cứ thi thoảng tôi lại đọc thấy thông tin qua các phương tiện truyền thông về việc nơi này có một trường hợp tử vong vì mắc bệnh dại do chó cắn; hay nơi kia có người bị chết do chủ quan vì bị chó cắn mà không nghĩ con chó cắn người ấy bị bệnh dại...
Đã từ lâu, cứ thi thoảng tôi lại đọc thấy thông tin qua các phương tiện truyền thông về việc nơi này có một trường hợp tử vong vì mắc bệnh dại do chó cắn; hay nơi kia có người bị chết do chủ quan vì bị chó cắn mà không nghĩ con chó cắn người ấy bị bệnh dại... Việc con người bị những căn bệnh hiểm nghèo, không cứu chữa được dẫn tới tử vong có thể coi là bất khả kháng, đằng này những cái chết do chó nuôi mắc bệnh dại gây nên quả là một điều đáng tiếc. Bởi nếu gia đình nào, địa phương nào cũng thực hiện việc tiêm phòng cẩn thận cho chó nuôi theo định kỳ thì việc con người bị chết do bệnh dại từ chó gây nên chắc chắn sẽ khó xảy ra, hoặc có thì cũng là rất hi hữu...
Ví dụ: Trường hợp bị chó dại cắn gây tử vong mới nhất đây xẩy ra tại thôn Me Trai, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nạn nhân là bà Đào Thị Oanh, 68 tuổi. Nguyên nhân bà Oanh bị chết là do chính con chó nuôi của gia đình bị ốm, và trong lúc tiêm chữa trị cho con chó cách đây khoảng 2 tháng, bà Oanh đã bị chó cắn vào tay. Sau vài ngày điều trị, con chó ốm đó không khỏi, gia đình bà đã làm thịt để ăn. Trước khi tử vong mấy ngày, bà Oanh xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, sợ gió, sợ nước, co giật từng cơn và được gia đình đưa đi điều trị tại Bệnh viện 7, sau đó được chuyển lên Bệnh viện lâm sàng nhiệt đới trung ương và được chẩn đoán mắc bệnh dại, đến ngày 4/8 bệnh nhân tử vong tại gia đình.
Có rất nhiều trường hợp bị chó cắn, nhưng do chủ quan không nghĩ là con chó ấy bị bệnh dại vì nó vẫn khỏe mạnh, nên không đi tiêm phòng, và tới khi con chó chết vì bệnh dại mới cuống cuồng đi tiêm nhưng đã quá muộn và trả giá bằng cái chết của bản thân. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Hà, ở thị trấn Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa chẳng hạn. Con chó mà gia đình chị Hà nuôi đã cắn tới 6 người, và khi những người bị con chó này cắn đã đến ngay Trung tâm Y tế huyện tiêm phòng, nay vết thương lành, sức khỏe ổn định. Riêng chị Hà, cũng bị chó cắn, nhưng do chủ quan vì nghĩ con chó mới đẻ, dữ, nên không đi tiêm phòng dại. Sau thời gian bị chó cắn vài tháng, ngày 21/3/2016 chị Hà có biểu hiện co giật, mất kiểm soát, được người thân đưa đi cấp cứu nhưng chị đã tử vong. Lúc gặp nạn, chị Hà đang mang thai. Con chó dại sau đó đã bị người dân tiêu hủy.
Kể ra đây vài trường hợp bị chó dại cắn dẫn tới thiệt mạng một cách thương tâm để nói lên rằng, việc tiêm phòng dại cho chó nuôi tại các gia đình ở hầu hết các địa phương bấy lâu nay còn lơ là, lỏng lẻo. Không chỉ người dân nuôi chó chủ quan, không coi trọng việc tiêm phòng dại cho vật nuôi là cần thiết, mà chính quyền, nhà chức trách của các địa phương cũng chưa kiên quyết, “siết chặt” việc các hộ nuôi chó phải mang chó tới tiêm phòng bệnh dại theo định kỳ là bắt buộc. Thông thường, để hạn chế bệnh dại phát sinh ở chó nuôi thì sau khoảng thời gian 3 tháng và 6 tháng, tính từ lúc con chó sinh ra là phải tiêm phòng cho nó. Sau 2 lần tiêm lúc còn nhỏ ấy thì khi chó trưởng thành nên duy trì 1 năm/1 lần tiêm phòng thì sẽ đảm bảo rất an toàn trong việc triệt tiêu bệnh dại trong con chó ấy.
Để hạn chế tối thiểu những nạn nhân bị chết do chó dại cắn, các địa phương cần phải siết chặt việc tiêm phòng dại cho chó, đồng thời hộ gia đình nuôi chó cũng phải tuân thủ việc tiêm phòng theo định kỳ đầy đủ cho tất cả những con chó mà nhà mình nuôi. Ngoài ra, khi bị chó cắn không được chủ quan, phải đến ngay trung tâm y tế, bệnh viện để tiêm phòng dại phòng ngừa hậu quả xấu có thể xẩy ra...
NGUYỄN LONG