Đường vào công trình Thủy lợi Ka La xuống cấp

09:09, 14/09/2016

Do xe có trọng tải lớn vận chuyển lâm sản thường xuyên ra vào, nên tuyến đường vào Công trình Thủy lợi Ka La đã bị xuống cấp trầm trọng, gây khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa cũng như đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. 

Do xe có trọng tải lớn vận chuyển lâm sản thường xuyên ra vào, nên những năm gần đây, tuyến đường vào Công trình Thủy lợi Ka La, xã Bảo Thuận (Di Linh) đã bị xuống cấp trầm trọng, gây khó khăn trong việc sinh hoạt, đi lại cũng như phục vụ sản xuất và đảm bảo an toàn giao thông cho người dân địa phương. 
 
Hơn 100 m đoạn đầu thôn K’Nệt bị xuống cấp trầm trọng
Hơn 100 m đoạn đầu thôn K’Nệt bị xuống cấp trầm trọng
Nằm trong dự án xây dựng Công trình Thủy lợi Ka La, nên sau khi Hồ Ka La được chặn dòng, tích nước; năm 2008, đơn vị chủ đầu tư tiến hành thi công tuyến đường từ UBND xã Bảo Thuận vào Hồ Ka La với chiều dài trên 2 km. Sau vài năm đưa vào sử dụng, tuyến đường này đã bị xuống cấp. Đến năm 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh bàn giao lại tuyến đường này cho huyện Di Linh quản lý mà trực tiếp là Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng. 
 
Đây là tuyến đường huyết mạch không chỉ phục vụ cho hơn 500 hộ dân ở khu vực 5 thôn, gồm Ta Ly, B’Sụt, Hùng Ùng, Hàng Piơr, K’Nệt sản xuất khoảng 600 ha cà phê và lúa nước, mà còn cho việc khai thác, vận chuyển lâm sản của một số đơn vị chủ rừng đóng chân trên địa bàn.
 
Thời gian qua, việc xe cộ có trọng tải lớn thường xuyên ra vào khai thác, vận chuyển gỗ đã làm cho tuyến đường ngày càng bị xuống cấp trầm trọng hơn. Theo ghi nhận của chúng tôi, đến nay, tuyến đường này đã xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi; nghiêm trọng nhất là đoạn ngang qua các thôn Ta Ly, Hàng Piơr và K’Nệt, có đoạn đã bị hư hỏng hơn 100 mét, tạo thành nhiều “cái ao” gây khó khăn trong việc sinh hoạt, đi lại của bà con, nhất là các em học sinh.
 
Ông K’Nhâm, thôn K’Nệt, xã Bảo Thuận bức xúc: “Sau khi Công trình Thủy lợi Ka La đưa vào sử dụng một thời gian thì tuyến đường này bị xuống cấp. Nguyên nhân chính là do xe lớn hay ra vào vận chuyển gỗ. Hằng năm, mặc dù xã đã vận động người dân tự khắc phục bằng cách nạo vét mương thoát nước, nhưng mỗi khi mùa mưa tới mương lại bị đất vùi lấp; khổ nhất là một số hộ dân ở dưới vùng trũng, nước mưa tràn xuống trôi theo cả đất, cát xuống nhà, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con. Vì đoạn đường bị hư hỏng, nên một số xe khách du lịch đến tham quan hồ đập và khi tới đoạn đầu thôn K’Nệt buộc phải cho khách xuống đi bộ tới đập”.
 
Tuy tuyến đường có chiều dài chỉ hơn 2 km, nhưng do đường khá hẹp, nhiều khúc cua, mặt đường bị xuống cấp, có đoạn cây bụi mọc um tùm dọc hai bên đường làm che khuất tầm nhìn và tiềm ẩn hiểm họa tai nạn giao thông. Hằng năm, trên tuyến đường này thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm một người chết. 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông K’Lôl, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận thừa nhận rằng: “Tuyến đường vào Công trình thủy lợi Ka La có đoạn đã xuống cấp trầm trọng. Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã phản ánh, kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. Về chính quyền địa phương, chúng tôi cũng đã nhiều lần làm tờ trình gửi các ngành chức năng nhưng chưa có phản hồi. Đề nghị các ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục, duy tu, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, sinh hoạt và đảm bảo an toàn giao thông cho người dân”.
 
Sau khi Công trình Thủy lợi Ka La đưa vào sử dụng, đây là nơi nhiều năm qua được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phối hợp với huyện Di Linh chọn làm nơi tổ chức các giải thi leo núi Brăh Yàng của tỉnh. Năm 2012, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã công nhận Hồ Ka La là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, đã thu hút khá nhiều du khách tại địa phương và các nơi khác đến tham quan.
 
NDONG BRỪM