Ðể người già neo đơn không còn thiếu hơi ấm

08:09, 28/09/2016

Chăm sóc cho người cao tuổi, nhất là những người già neo đơn, không nơi nương tựa không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận của bất kỳ ai trong toàn xã hội. "Chung sức vì người cao tuổi cô đơn không nơi nương tưạ" là chủ đề của Tháng hành động Người cao tuổi năm 2016, tuy nhiên không phải từ bây giờ, rất nhiều năm về trước, công tác này tại Lâm Đồng đã được đặc biệt chú trọng quan tâm.

Chăm sóc cho người cao tuổi, nhất là những người già neo đơn, không nơi nương tựa không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận của bất kỳ ai trong toàn xã hội. “Chung sức vì người cao tuổi cô đơn không nơi nương tưạ” là chủ đề của Tháng hành động Người cao tuổi năm 2016, tuy nhiên không phải từ bây giờ, rất nhiều năm về trước, công tác này tại Lâm Đồng đã được đặc biệt chú trọng quan tâm.
 
Theo số liệu thống kê, hiện tại, Lâm Đồng có hơn 67% người cao tuổi còn tham gia lao động sản xuất cùng với sự hỗ trợ của con cháu; gần 6% người cao tuổi sống độc thân, sống dựa hoàn toàn vào con cháu hoặc hai vợ chồng già sống với nhau, không lao động sản xuất trong các ngành kinh tế - xã hội nhưng có tham gia công việc nội trợ và chỉ có khoảng 10% được nghỉ ngơi phụng dưỡng hoàn toàn. Có 62% người cao tuổi sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp, người cao tuổi ở thành thị chiếm ít hơn với 38%, nhưng nhìn chung người cao tuổi trên địa bàn tỉnh phân bố không đồng đều giữa các huyện, thành. Đa số đời sống của người cao tuổi còn gặp khó khăn, rất cần sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng và toàn xã hội mới có thể đảm bảo được những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
 
Cho đến thời điểm hiện tại, 100% người cao tuổi của tỉnh Lâm Đồng không phải sống trong nhà tạm, dột nát; ít nhất 15% số xã, phường, thị trấn có các loại hình CLB tự giúp nhau nhằm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, trong đó có trên 50% người cao tuổi tại địa bàn tham gia và hưởng lợi.

Hàng năm, UBND tỉnh đều trực tiếp chỉ đạo công tác chăm sóc người cao tuổi đến tất cả các sở, ban, ngành, địa phương thông qua những văn bản cụ thể và chi tiết. Từ đó, công tác chăm sóc người cao tuổi được thực hiện với nhiều cách thức phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức, được lồng ghép vào nhiều chương trình, cụ thể hóa chính sách của Đảng và Nhà nước về người cao tuổi. Không những thế, ngành chủ quản là Sở LĐ-TB&XH còn chủ động với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi các cấp vận động nhiều tổ chức, cá nhân giúp đỡ người cao tuổi neo đơn, nghèo khó bằng nhiều hình thức, chủ động và thường xuyên.

Riêng trong năm 2016, tại Lâm Đồng, 100% người cao tuổi cô đơn, không có nguồn thu nhập được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và được khám, chữa bệnh miễn phí; 100% người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và các khoản trọ cấp xã hội khác được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định và được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có trên 20.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc được nuôi dưỡng chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. 30% người cao tuổi không có người có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng được nhận nuôi dưỡng chăm sóc tại cộng đồng hoặc nuôi dưỡng trong các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, trong đó, ít nhất 20% người cao tuổi được nhận nuôi dưỡng chăm sóc tại cộng đồng. 
 
Ông Ngô Hữu Hay - Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Toàn tỉnh hiện có trên 18.000 người cao tuổi được nhận trợ cấp theo Luật NCT với số kinh phí trên 60 tỷ đồng. Trong đó, trợ cấp xã hội hàng tháng cho gần 2.800 người cao tuổi khuyết tật nặng và đặc biệt nặng với tổng kinh phí 17.690 triệu đồng. Trợ cấp đột xuất cho 211 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn 70 triệu đồng; xóa nhà tạm cho người cao tuổi với việc xây mới 229 căn nhà trị giá hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tiếp nhận người cao tuổi không có người phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng vào các cơ sở bảo trợ xã hội được 54 người. 
 
Theo kế hoạch, từ đây đến hết năm 2016, ngành lao động sẽ đảm bảo trợ cấp thường xuyên cho trên 31.000 đối tượng xã hội, trong đó có 18.185 người cao tuổi tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa, người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp xã hội hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng.
 
Có thể nói, công tác chăm sóc người cao tuổi, nhất là những người già tàn tật, neo đơn tại Lâm Đồng đã và đang thực sự đem đến niềm vui sống, hơi ấm cho họ trong những năm tháng ở bên kia sườn dốc của cuộc đời.
 
LINH ĐAN