"Mập mờ" cấp phát vốn hỗ trợ tại xã nghèo Đoàn Kết

08:09, 05/09/2016

Hàng chục hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo không nhận được các chế độ hỗ trợ theo Chương trình 30a và 135 theo quy định của Nhà nước. Một số người còn bị lập danh sách khống… 

Hàng chục hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và có mức thu nhập dưới trung bình tại xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai đang bức xúc vì họ nhận không đầy đủ các chế độ hỗ trợ Chương trình 30a và 135 theo quy định của Nhà nước. Đáng chú ý hơn, một số người còn bị xã lập danh sách khống để người khác ký nhận cây trồng, phân bón, nông cụ…
 
Bao phân bón kém chất lượng do UBND xã Đoàn Kết cấp được người dân giữ lại làm bằng chứng
Bao phân bón kém chất lượng do UBND xã Đoàn Kết cấp được người dân giữ lại làm bằng chứng
Sai phạm chồng chất
 
Thực tế đang diễn ra ở xã Đoàn Kết cho thấy, nguồn hỗ trợ của Nhà nước theo các Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững 30a và Chương trình 135 (bằng phân bón, vật nuôi, cây trồng, dụng cụ sản xuất…) bị cấp sai đối tượng là rất lớn. Theo đơn tố cáo mà chúng tôi nhận được, trong suốt giai đoạn từ 2009 - 2015, UBND xã Đoàn Kết để xảy ra nhiều sai phạm như: Giả mạo chữ ký, ký khống; lập danh sách khống để những đối tượng nằm ngoài diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ có thu nhập dưới trung bình được hưởng lợi; sử dụng phân bón NPK kém chất lượng cung ứng cho người nghèo với giá cao; nhiều hộ nghèo thực sự không được hưởng quyền lợi theo chế độ từ nguồn vốn thoát nghèo…
 
Nói về việc ký khống để nhận chế độ hỗ trợ của Nhà nước, bà Nguyễn Thị Kim Liên (ngụ tại thôn 7, xã Mé Pu, huyện Đức Linh, Bình Thuận) cho biết: “Trước đây, hộ khẩu thường trú của gia đình tôi thuộc thôn 2 (Đoàn Kết). Nhưng kể từ năm 2007, do gia đình ở trên phần đất tỉnh Bình Thuận nên hộ khẩu thường trú chuyển về xã Mé Pu (huyện Đức Linh). Tuy nhiên, năm 2013, trong danh sách của xã Đoàn Kết, gia đình tôi vẫn được cấp 80 cây sầu riêng giống, 160 kg phân bón và 5 chai thuốc diệt mối theo chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo. Vì gia đình không có đất, nên tôi đã mời UBND xã Đoàn Kết tới lập biên bản xác nhận gia đình tôi không nhận số cây và phân bón nói trên. Tuy nhiên, sau khi Đoàn Thanh tra huyện gọi lên làm việc thì tôi “tá hỏa” phát hiện người khác giả mạo chữ ký của mình để nhận cây giống, phân bón”.
 
Khác với trường hợp của bà Liên là ông Phạm Xuân Tứ (ngụ tại thôn 2, xã Đoàn Kết). Ông Tứ thuộc diện hộ cận nghèo từ năm 2009 đến nay, nhưng chưa nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào theo quy định. “Người ta thuộc diện hộ cận nghèo thì được nhận cây trồng, phân bón từ Nhà nước hỗ trợ, còn tôi thì không được gì” - ông Tứ phản ánh.
 
Cùng chung nỗi bức xúc, bà Cao Thị Thủy (một hộ nghèo tại thôn 4, xã Đoàn Kết) nói: “Năm 2010, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nên khi UBND xã gọi lên đăng ký nhận cây giống. Tôi có đăng ký 1 ha cây sầu riêng. Tuy nhiên, tôi chẳng nhận được một cây nào. Mới đây, khi Thanh tra về làm việc và mở sổ ra thì thấy trong sổ có ký nhận nhưng thực ra tôi đâu có ký bao giờ. Điều này cho thấy đã có người khác ký khống để nhận 1 ha cây giống sầu riêng của gia đình tôi”.
 
Cùng với những trường hợp như chúng tôi đã nêu, hiện tại đang có hàng chục hộ dân ở xã Đoàn Kết nằm trong diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ có thu nhập dưới trung bình đang bị tước đoạt quyền lợi chính đáng theo quy định của Nhà nước nên rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm sáng tỏ để trả lại công bằng cho họ. Trong khi đó, có rất nhiều hộ nằm ngoài đối tượng lại được hưởng cây trồng, phân bón… sai quy định. Điển hình là trường hợp ông Đặng Thành Hiệp, Trưởng thôn 2 (xã Đoàn Kết).
 
Đang vào cuộc điều tra
 
Ông Tạ Đủ (ngụ thôn 2, xã Đoàn Kết) người cung cấp các bằng chứng có giá trị tố cáo việc làm sai trái của ông K’Xuân Riêng và các trưởng thôn trong xã cho biết: “Tôi thấy người dân ở đây quá cực khổ, người nghèo bị bớt xén quyền lợi một cách bất chính nên mới lên tiếng. Vẫn biết làm việc này chỉ rước họa vào thân, nhưng tôi vẫn làm vì người dân thấy mà chẳng biết kêu ai. Từ lúc làm đơn tố cáo đến nay, nhiều lần tôi đã bị người ta dọa đánh nên nhiều lúc chẳng dám ra khỏi nhà. Mong rằng cơ quan chức năng cần có biện pháp để bảo vệ an toàn cho tôi và gia đình”.
 
Ông Nguyễn Văn Hanh, Chánh Thanh tra huyện Đạ Huoai cho biết: Sau khi nhận được đơn tố cáo của người dân, huyện Đạ Huoai đã lập Đoàn Thanh tra gồm: Thanh tra huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Tài nguyện - Môi trường cùng vào cuộc điều tra, xác minh. Đến nay, Đoàn thanh tra đã có 2 lần thanh tra về vấn đề này. Trong lần thanh tra thứ nhất vào ngày 21/12/2015, Đoàn thanh tra huyện đã phát hiện có 7 trường hợp bị cấp sai chế độ với số tiền hơn 29,5 triệu đồng. Còn theo kết quả thanh tra lần thứ 2 vào ngày 15/7/2016, số vốn hỗ trợ theo Chương trình 30a và 135, cơ quan chức năng phát hiện 101 hộ và cá nhân được đầu tư, hỗ trợ sai quy định với số tiền hơn 550 triệu đồng. Người trực tiếp chịu trách nhiệm trước những sai phạm nói trên là ông K’Xuân Riêng, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết. Hiện, Thanh tra huyện đã ban hành kết luận kiến nghị UBND huyện giao Phòng Nội vụ tham mưu xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết và các cá nhân có liên quan theo quy định. Đồng thời, giao trách nhiệm cho ông K’Xuân Riêng thu hồi lại số tiền đã cấp sai đối tượng để bàn giao UBND huyện cấp phát lại cho các hộ được thụ hưởng theo quy định.
 
Liên quan đến vụ việc này, ngày 1/9/2016, UBND huyện Đạ Huoai đã tổ chức họp Hội đồng kỷ luật để xem xét hình thức kỷ luật đối với ông K’Xuân Riêng và các cá nhân liên quan. Tuy nhiên, sau cuộc họp, Hội đồng kỷ luật vẫn chưa có quyết định kỷ luật đối với trường hợp ông K’Xuân Riêng, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết.
 
KHÁNH PHÚC