Thiếu vốn, thiếu trang thiết bị, thiết bị chưa đồng bộ, năng lực điều hành yếu kém dẫn đến tình trạng Nhà máy Xử lý chất thải rắn Đà Lạt trở nên quá tải, và hậu quả môi trường bị uy hiếp…
Thiếu vốn, thiếu trang thiết bị, thiết bị chưa đồng bộ, năng lực điều hành yếu kém dẫn đến tình trạng Nhà máy Xử lý chất thải rắn Đà Lạt trở nên quá tải, và hậu quả môi trường bị uy hiếp…
|
Trên 3.000 tấn rác thải như “quả bom rác” còn tồn dư, quá tải tại Nhà máy xử lý rác Đà Lạt |
Ngày 19/9, nhiều hộ dân tại xã Xuân Thọ và Xuân Trường (TP Ðà Lạt), tiếp tục phản ánh tình trạng nước thải của Nhà máy Xử lý chất thải rắn TP Ðà Lạt (thuộc Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh, nằm trên địa bàn xã Xuân Trường) chảy tràn ra suối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bà Lê Thị Lai (ngụ thôn Trường An, xã Xuân Trường), nhà có gần 1 ha đất sản xuất nông nghiệp ở khu vực dốc Ðu, nằm cạnh Nhà máy xử lý rác Ðà Lạt, cho biết: Trước đây, hàng chục hộ dân có đất sản xuất ở khu vực hạ lưu suối Dục này đều sử dụng nguồn nước suối để tưới, tắm. Nhưng từ khi nhà máy xử lý rác Ðà Lạt đi vào hoạt động, nước thải từ nhà máy đã giết chết con suối, khiến hàng chục hộ dân điêu đứng. “Dù chúng tôi đã làm đủ mọi cách như đào ao tích nước, đắp bờ ngăn không cho nước thải ảnh hưởng đến nguồn nước tưới, nhưng mỗi khi trời mưa, rác thải, nước thải đen ngòm như than kèm mùi hôi trên nhà máy lại tràn xuống suối, gây ô nhiễm nguồn nước, làm nhiều diện tích cà phê, hoa màu, dâu tây không còn nước tưới, bị còi cọc, ảnh hưởng lớn tới sản lượng. Một số người làm liều, đào ao để lọc nước suối tưới cho diện tích ớt ngọt, hoa sa lem, cẩm chướng… thì đều bị nấm bệnh, gây thiệt hại rất nhiều” - bà Lai bức xúc.
Trước đó, vào trung tuần tháng 7, 40 nông hộ khác của xã Xuân Trường cũng bức xúc về tình trạng nguồn nước tưới cho cây trồng bị nước thải của Nhà máy Xử lý chất thải rắn Ðà Lạt gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất. Những hộ này đã làm đơn gởi các cơ quan chức năng của tỉnh và TP Ðà Lạt kiến nghị buộc chủ đầu tư phải xây tường bao quanh nhà máy, không để rác, nước thải từ bãi rác tràn ra môi trường. Người dân cũng đề nghị nhà máy phải có hệ thống hầm chứa rác để tránh ô nhiễm không khí quanh vùng; Nước thải từ nhà máy thải ra môi trường phải được lắng lọc, đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh - chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác Ðà Lạt phải tiến hành nạo vét, trả lại lòng suối như cũ cho người dân.
Về việc này, ông Trần Uyên Diễn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Năng lượng Xanh cho biết, chưa nhận được phản ánh của người dân, nhưng thừa nhận: Những ngày qua, tại khu vực nhà máy có mưa rất lớn, rất có thể nước thải trong nhà máy tràn theo nước mưa ra môi trường xung quanh. Ðể khắc phục tình trạng trên, đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, công ty đã và đang thuê 4 máy xúc lớn đào hào (ngang 10 m và dài trên 60 m), lót bạt chống thấm, đắp đê, xây dựng hệ thống thu gom, tập kết rác, xử lý mùi hôi, không cho nước thải từ nhà máy tràn ra môi trường theo hướng dẫn của Sở TN&MT Lâm Ðồng.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Năng lượng Xanh Trần Uyên Diễn cũng bộc trực: Mặc dù từ cuối tháng 7, UBND tỉnh đã có chỉ đạo cho phép công ty tiếp nhận và xử lý 50 tấn rác/ngày để đơn vị huy động mọi phương tiện, nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm khối lượng rác còn tồn đọng trong thời gian qua, nhằm đảm bảo không gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nhà máy. Dù vậy, từ đó cho đến nay, hàng ngày công ty vẫn phải tiếp nhận trung bình từ 170 tấn rác/ngày, điều này vượt quá công suất xử lý hiện tại của nhà máy là 100 tấn/ngày, dẫn tới lượng rác tồn dư rất lớn. Không chỉ vậy, tỉnh cũng chưa thanh toán hết tiền hỗ trợ xử lý rác, trong khi giá tiền hỗ trợ xử lý rác chỉ 129.500 đồng/tấn rác (chi phí thực tế khoảng 418.000 đồng/tấn) trong hơn một năm qua khiến nhà máy rất khó khăn, công ty phải liên tục bù lỗ mỗi tháng khoảng trên 1 tỷ đồng. Mặt khác, do Sở Tài chính tạm ứng chi phí xử lý rác chậm, dẫn đến việc chậm trả lương cho công nhân, nên nhiều công nhân bỏ nhà máy để tìm việc khác, còn công ty thì gặp khó về tài chính để đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình còn dở dang.
Liên quan vụ việc, Phó Giám đốc Sở Tài chính Lâm Ðồng - Lê Văn Nhân cho biết, sau khi khảo sát, thẩm định thực tế, Sở thống nhất với Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh phương án giá xử lý rác thải là 352.000 đ/tấn. Hiện nay, Sở cũng đã có văn bản báo cáo và đang chờ UBND tỉnh phê duyệt thì các bên sẽ cùng thực hiện, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà máy xử lý rác. Trong khi đó, lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ đô thị Ðà Lạt cũng xác nhận chưa thể thực hiện xử lý chôn lấp rác thải tại bãi rác Cam Ly (P5, TP Ðà Lạt) như phương án đã đưa ra vì còn phải chờ quyết định của UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Ðoàn Văn Việt cho rằng: Trong quá trình xây dựng và vận hành, Nhà máy Xử lý chất thải rắn TP Ðà Lạt chưa khảo sát kỹ điều kiện khí hậu đặc thù tại địa phương, chưa có giải pháp khoa học trong xử lý môi trường. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng cũng yêu cầu công ty phải khẩn trương đầu tư thêm một dây chuyền xử lý rác mới (băng chuyền, lò đốt); bổ sung máy móc, thiết bị, hạng mục chế biến các sản phẩm từ rác (phân vi sinh, hạt nhựa...); đầu tư hoàn thiện phần thu gom, xử lý nước rỉ rác tập trung.
THỤY TRANG