Do thiếu sân phơi, nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Cát Tiên đã tận dụng lòng, lề đường để phơi lúa gây nguy hiểm cho người đi đường lẫn người phơi lúa.
Thời điểm này, huyện Cát Tiên đang bước vào thu hoạch vụ lúa hè thu năm 2016. Do thiếu sân phơi, nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Cát Tiên đã tận dụng lòng, lề đường để phơi lúa. Điều này không chỉ vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) mà còn gây nguy hiểm cho người đi đường lẫn người phơi lúa.
|
Người dân thị trấn Cát Tiên chiếm dụng lòng đường phơi lúa |
Qua quan sát của chúng tôi, từ sáng sớm đến giữa trưa, không ít đoạn đường trên địa bàn thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên) bị người dân chiếm hết phần đường 2 bên dành cho xe máy, xe thô sơ để phơi lúa. Vì vậy, người tham gia giao thông không còn cách nào khác là đi lấn phần đường xe ô tô hoặc đi lên trên bạt lúa phơi trên đường. Nhiều người đi đường phàn nàn, việc người dân phơi lúa trên đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao bởi người phơi lúa, kể cả dụng cụ phơi như: cào, trang, chổi… lấn hết phần đường dành cho xe thô sơ, xe máy. Chính vì vậy, làm người điều khiển phương tiện giao thông đi qua những đoạn đường này buộc phải chạy ra gần giữa đường, nếu thiếu quan sát kỹ rất dễ gây tai nạn.
Hiện nay, đối với những hộ nông dân sống dọc các tuyến đường nội thị ở thị trấn Cát Tiên, ngoài việc thu hoạch thì việc tìm kiếm sân phơi lúa cũng là vấn đề lớn. “Nhà không có sân phơi, lại đang vào mùa thu hoạch nên buộc chúng tôi phải “liều” phơi trên lòng đường. Biết là nguy hiểm nhưng biết làm sao? Đã bao nhiêu năm nay rồi, chúng tôi có thấy ai đến nhắc nhở việc phơi lúa như thế này đâu!” - một hộ dân ở Tổ dân phố 15 (thị trấn Cát Tiên) đang phơi lúa trên đường cho biết.
Tuy nhiên, theo quy định (tại Điểm a, Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 34 ngày 2/4/2010) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì hành vi phơi lúa, rơm rạ, nông lâm, hải sản trên đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 100 - 200 ngàn đồng; bị buộc phải thu dọn các vật cản, thu dọn những vật liệu, đồ vật chiếm dụng mặt đường và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Không những thế, người vi phạm còn có thể bị truy tố hình sự theo quy định (tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 203 Bộ luật Hình sự) như sau: “Người nào có hành vi lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường cản trở giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 - 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm”.
Thiết nghĩ, để nông dân không còn lấn chiếm lòng, lề đường làm sân phơi lúa thì chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời, cần quy hoạch và xây dựng các sân phơi lúa tập trung cho người nông dân. Cùng với đó, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, không vi phạm các quy định về TTATGT nhằm phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
KHÁNH PHÚC