Với những người cao tuổi, sống lâu năm ở TP Đà Lạt, hình ảnh chen chúc nhau mua vé đến rạp xem phim vào mỗi cuối tuần dường như chỉ còn trong ký ức. Bởi từ nhiều năm nay, người dân đã không còn mấy hứng thú với phim chiếu rạp ở đây.
Với những người cao tuổi, sống lâu năm ở TP Đà Lạt, hình ảnh chen chúc nhau mua vé đến rạp xem phim vào mỗi cuối tuần dường như chỉ còn trong ký ức. Bởi từ nhiều năm nay, người dân đã không còn mấy hứng thú với phim chiếu rạp ở đây.
|
Rạp 3/4 những ngày chật cứng người xem phim - Ảnh: tư liệu |
Hoạt động cầm chừng
Ông Hoàng Thịnh Yên, Phó Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Lâm Đồng cho biết: Trước đây, trung tâm quản lý 3 rạp chiếu phim gồm Hòa Bình, Ngọc Lan và Ngọc Hiệp. Sau ngày đất nước thống nhất, Đà Lạt còn có thêm rạp hát của Nhà Thiếu nhi tỉnh. Theo dòng thời gian, các rạp chiếu bóng lần lượt bị đổi tên và xóa sổ. Đầu những năm 1990, rạp Ngọc Lan được chuyển quyền quản lý sang Công ty Du lịch Lâm Đồng và xây dựng khách sạn 4 sao Ngọc Lan hiện nay. Tiếp đó, rạp Ngọc Hiệp đổi tên thành rạp Giải Phóng nay là khu siêu thị - khách sạn. Đến nay, chỉ còn rạp Hòa Bình, nay là rạp 3/4 còn duy trì hoạt động nhưng cũng chỉ là để “duy trì cho có hoạt động chiếu bóng.
Hiện tại, rạp 3/4 có 2 phòng chiếu, phòng lớn chứa 454 ghế ngồi và phòng nhỏ chứa 60 ghế. Nếu như trước đây, rạp phải chiếu nhiều suất vào buổi trưa và buổi tối mới phục vụ đủ nhu cầu của người xem thì hiện tại, mỗi ngày rạp chỉ chiếu 2 suất vào lúc 19h30 cho 2 phòng, thế nhưng số khách đến xem phim mỗi tối cũng chỉ trên dưới 20 người, các dịp lễ, tết cũng không khá hơn. Năm 2015, rạp 3/4 thực hiện được 390 buổi chiếu và chỉ thu hút được khoảng 10.800 lượt xem.
Nói như vậy không có nghĩa là người dân và du khách ở TP Đà Lạt không mặn mà với phim chiếu rạp. Có một thực tế là giới trẻ và khách du lịch ở thành phố hoa đều có nhu cầu đến rạp xem những bộ phim mới, hay và đặc sắc. Thế nhưng, khi đến với Đà Lạt, điều đó trở nên thật khó để thực hiện khi hầu hết các bộ phim được chiếu ở rạp 3/4 chưa thể đáp ứng được những yêu cầu này, và ngoài rạp 3/4 thì Đà Lạt không còn bất kỳ một rạp chiếu bóng nào khác để chọn lựa. Chị Phạm Tố Trinh, du khách đến từ Đà Nẵng ngạc nhiên nói: “Khi đến với thành phố hoa, ngoài việc ngắm cảnh và tận hưởng không khí mát lành ở đây, chúng tôi còn có nhu cầu rất lớn về việc giải trí, mà đi xem phim là một trong số đó. Theo tôi nghĩ, việc Đà Lạt không có nhiều bộ phim hay ở một rạp chiếu hiện đại dễ gây cho du khách cảm giác đây là thành phố buồn tẻ, từ đó sẽ ảnh hưởng phần nào đó đến sự phát triển của du lịch” - chị Trinh bày tỏ.
Còn Nguyễn Hoàng Anh, sinh viên Trường Đại học Đà Lạt chia sẻ: “Mỗi lần có một bộ phim mới nào đó, tôi và bạn bè mặc dù rất háo hức nhưng phải về Sài Gòn để xem, chứ ở rạp 3/4 thì chắc chắn không có. Giới trẻ ở Đà Lạt cũng thiệt thòi hơn so với các thành phố lớn khác vì thiếu mất một địa chỉ giải trí được yêu thích là rạp chiếu phim”.
Có sao dùng vậy
Việc toàn thành phố chỉ còn duy nhất một rạp chiếu phim dẫn đến thiếu sự cạnh tranh giữa các rạp với nhau để thu hút khách. Thế nên, rạp chiếu không phát triển được là một điều tất yếu, số lượng và chất lượng phim đều không đáp ứng tốt được nhu cầu của khách hàng. Người xem không có sự lựa chọn nên đành chấp nhận, hoặc là chọn cách bỏ qua nhu cầu giải trí này. Vì vậy rơi vào tình cảnh vắng vẻ, đìu hiu tại rạp 3/4 là điều khó tránh khỏi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “sống dở chết dở” của rạp 3/4, mà một trong số đó là thiếu vốn đầu tư để nâng cấp hệ thống kỹ thuật. Ông Hoàng Thịnh Yên cho biết: Rạp 3/4 được xây dựng cách đây hơn nửa thế kỷ, hệ thống kỹ thuật đã trở nên lạc hậu và xuống cấp. Trong khi đó, công nghệ chiếu phim đang thay đổi từng ngày theo hướng hiện đại. Hiện tại, rạp vẫn chưa được đầu tư kinh phí để mua máy kỹ thuật số và chuyển đổi công nghệ từ chiếu phim nhựa sang công nghệ kỹ thuật số HD. Trong khi các phim mới phải yêu cầu kỹ thuật chuẩn HD thì mới có thể chiếu được thì hệ thống kỹ thuật tại rạp 3/4 chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà phát hành phim, nên phải chịu cảnh “rót” phim nào thì chiếu phim đó chứ không có quyền lựa chọn. Phim không được cập nhật liên tục nên không có nguồn phim để phục vụ là một điều tất yếu. Ông Yên cho trăn trở: “Biết rằng muốn kéo khán giả đến rạp thì phải có phim hay, nhưng đợi nguồn đầu tư của Nhà nước thì không thể. Từ lâu, chúng tôi đã kêu gọi sự đầu tư từ các tư nhân vào rạp chiếu phim, nhưng do khu Hòa Bình chưa có kế hoạch quy hoạch ổn định nên tư nhân vẫn chưa dám đầu tư vào, mặc dù có nhiều người rất muốn”.
Trao đổi về điều này, ông Trần Mạnh Linh, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cũng thấy được cái khó mà rạp 3/4 đang gặp phải khi chưa có được sự đầu tư đầy đủ của Nhà nước để nâng cao hệ thống. Thời gian qua, Sở cũng đã có đầu tư kinh phí để thay mới máy móc nhưng cũng chỉ giải quyết được phần nào tình trạng trên. “Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X của tỉnh cũng đã có đề cập đến việc quy hoạch khu Hòa Bình, trong đó có rạp 3/4. Tuy nhiên, rạp 3/4 từ lâu đã có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Đà Lạt, chúng tôi hi vọng rằng đề án quy hoạch sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân một cách phù hợp”- ông Linh cho biết.
VIỆT QUỲNH