Xã hội hóa bến xe còn nhiều vướng mắc

09:09, 09/09/2016

Nhiều bến xe đang hoạt động "cầm hơi" hoặc bỏ hoang mặc dù đã có chủ trương xã hội hóa, chuyển giao cho tư nhân khai thác. Kiểm soát hoạt động bến bãi, vận tải như thế nào cho hiệu quả là bài toán khó với các ngành liên quan.

Nhiều bến xe đang hoạt động “cầm hơi” hoặc bỏ hoang mặc dù đã có chủ trương xã hội hóa, chuyển giao cho tư nhân khai thác. Kiểm soát hoạt động bến bãi, vận tải như thế nào cho hiệu quả là bài toán khó với các ngành liên quan.
 
Bến xe khách Lâm Hà hoạt động cầm chừng, èo uột
Bến xe khách Lâm Hà hoạt động cầm chừng, èo uột

Thu hút xã hội hóa
 
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 12/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách đã tạo nhiều ưu đãi trong việc khai thác bến xe như: tại các huyện nghèo miễn tiền thuê đất toàn bộ diện tích bến xe; miễn tiền thuê đất đối với các hạng mục công trình dịch vụ bắt buộc (khu vực đón, trả khách; bãi đỗ xe ô tô chờ vào vị trí đón khách, khu vực làm việc của bộ máy quản lý; khu vực bán vé, khu vệ sinh; đường xe ra, vào; đường nội bộ bên trong bến; đất dành cho cây xanh, vườn hoa); ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp... Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa bến xe phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện cụ thể gồm giấy phép, nguồn vốn đầu tư tối thiểu chiếm 70% tổng số vốn đầu tư xây dựng bến xe khách (không bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng); tối thiểu 15% vốn đầu tư thuộc sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án và có kế hoạch bố trí đủ số vốn đầu tư còn lại. Theo ông Nguyễn Văn Gia - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Chủ trương xã hội hóa xây dựng và khai thác bến xe được tỉnh Lâm Đồng thực hiện từ sớm, với sự tham gia của các thành phần kinh tế góp phần bảo đảm quy hoạch bến xe trên địa bàn, thay đổi bộ mặt đô thị tại các địa phương, từng bước xóa bỏ nạn bến cóc, xe dù, tạo điều kiện cho kinh doanh vận tải phát triển, cạnh tranh lành mạnh để phục vụ người dân. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 10 bến xe được xã hội hóa có cơ sở hạ tầng hiện đại, khang trang, lịch sự không chỉ là mục tiêu của ngành giao thông vận tải mà còn là mong đợi của mọi người dân.
 
Bến vắng xe
 
Nằm ở cửa ngõ vào trung tâm thị trấn Đinh Văn, Bến xe khách Lâm Hà với diện tích hơn 12.111m2, được xã hội hóa đầu tư xây dựng hơn 10 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2009. Thế nhưng, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, bến xe này luôn ở trong tình trạng vắng vẻ. Ông Đặng Sơn Lâm - Giám đốc Bến xe Lâm Hà cho biết, sở dĩ có tình trạng trên là bởi các xe khách không chịu vào bến mà chỉ dừng, đón khách dọc đường hoặc qua điện thoại rồi nhận khách. “Nếu bến xe mà không có người dân nào vào đứng chờ xe, mua vé tuyến thì coi như không hoạt động được. Giờ người dân chỉ ra những chỗ gần nhà mình, xe sẽ tự động tới đón nên việc ra bến xe để mua vé, chờ xe là điều khó xảy ra” - ông Lâm nói. Chỉ tính riêng trong địa bàn thị trấn Đinh Văn đã có hơn 12 điểm bán vé xe khách, người dân thường ra đây đón xe hoặc ra thẳng quốc lộ để chờ xe chứ không vào bến bãi để đợi. “Dù chúng tôi đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng, Sở GTVT để cải thiện tình hình nhưng cũng không khả quan hơn. Chính vì bến xe không thể hoạt động nên những dịch vụ kinh doanh kèm theo của bến xe đều bỏ ngỏ, không dám đầu tư để phát triển. Bởi nếu mở ra mà không có khách thì doanh nghiệp lại thêm lần nữa đi vào ngõ cụt” - ông Lâm cho biết thêm.
 
Một bến xe khác đang phải chịu cùng số phận như Bến xe Lâm Hà là Bến xe Đơn Dương. Nằm ngay cửa ngõ huyện lỵ, từng là một điểm trung chuyển với số lượng người rất lớn của tỉnh, nhưng đến nay, bến xe này đang phải hoạt động cầm chừng. Sau nhiều năm hoạt động không hiệu quả, khách ít vào bến, xe cũng không chịu vào, Bến xe khách Đơn Dương giờ chỉ còn có các dịch vụ như đại lý bán vé ô tô, máy bay, cơ sở bảo dưỡng ô tô, nhà hàng ăn uống, rửa xe... Và, đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các bến xe xã hội hóa trên địa bàn tỉnh...
 
Cần sự phối hợp
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trí Hải, Phó trưởng Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT) cho biết, hiện nay, hành khách có quá nhiều lựa chọn, hầu hết đều chọn cho mình phương án thuận tiện nhất nên việc họ không ra bến xe để đợi, thay vào đó là đến các điểm gần nhất là điều dễ hiểu. Về quy hoạch thì các thành phố lớn đều bố trí bến xe ở ngoài trung tâm để hạn chế tình trạng mất an ninh - trật tự, mất an toàn giao thông, nên dù biết bến xe sẽ gặp khó khi bố trí ở ngoài cũng đành chịu. Đây là tình trạng chung trên cả nước chứ không riêng gì Lâm Đồng. Nhiều nơi còn phải đầu tư ngân sách của địa phương để giải quyết phần nào khó khăn cho các bến xe bởi theo quy định, đã có tuyến là phải có bến xe. Cho dù khách không đến đây đợi, nhà xe không đậu đỗ thì cũng phải duy trì, bởi nếu không có bến xe thì không thể có tuyến.
 
Ông Nguyễn Văn Gia cho biết thêm: “Việc quy hoạch, bố trí bến xe bất cập đã gây nên tình trạng lãng phí. Theo quy định, bến xe phải bố trí ngoài trung tâm của đô thị để tránh tình trạng ách tắc giao thông, tai nạn giao thông. Tuy nhiên, làm thế nào để bến xe có khách và các nhà xe chỉ được đón khách ở bến xe mới là vấn đề cần tính toán. Trong khi đó, lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông không thể túc trực 24/24 giờ để kiểm soát tình hình. Để có thể vực dậy các bến xe xã hội hóa hiện nay, thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ tăng cường công tác quản lý, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và nhà xe, từ đó mới hy vọng giải quyết được vấn đề này”.
 
HOÀNG YÊN