Bộ Công thương cảnh báo người tiêu dùng về các dịch vụ gia tăng trên mạng di động

09:10, 03/10/2016

Bộ Công Thương vừa đưa ra khuyến cáo với người sử dụng điện thoại di động những dấu hiệu nhận biết các dịch vụ giá trị gia tăng đang được cài đặt trên máy và đã được đăng ký sử dụng nhằm cảnh báo đến người tiêu dùng về các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động.

Bộ Công Thương vừa đưa ra khuyến cáo với người sử dụng điện thoại di động những dấu hiệu nhận biết các dịch vụ giá trị gia tăng đang được cài đặt trên máy và đã được đăng ký sử dụng nhằm cảnh báo đến người tiêu dùng về các dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) trên điện thoại di động.
 
Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin liên quan đến việc một số nhà mạng đang “ăn chặn” tiền của người tiêu dùng thông qua việc tự động cài đặt, đăng ký và gia hạn dịch vụ GTGT - VAS mà người tiêu dùng không biết hoặc khó có thể kiểm soát. Điều này đã gây ra nhiều lo ngại cho người sử dụng điện thoại di động.
 
Trong khuyến cáo, Bộ Công Thương nêu rõ: “Khi người tiêu dùng mua SIM trả trước hay đăng ký trả sau tại các cửa hàng đại lý SIM trên toàn quốc thì hầu như không được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến các dịch vụ giá trị gia tăng trên SIM. Đó là các vấn đề như: SIM đã được kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng chưa? Nếu có thì những dịch vụ nào? Đó là các dịch vụ được đăng ký để sử dụng “chính thức” hay là các dịch vụ được “dùng thử”? Hết hạn dùng thử có bị “tự động gia hạn” không? Cú pháp hủy dịch vụ là gì? Có mất phí không?...”.
 
Khuyến cáo cũng cho hay, ngay cả khi người tiêu dùng đã thường xuyên kiểm tra và hủy các dịch vụ GTGT không sử dụng thì vẫn gặp nhiều nguy cơ khi các nhà mạng tự động gửi tin nhắn và tự động đăng ký, kích hoạt cho khách hàng dùng thử các dịch vụ GTGT.
 
Theo khảo sát của phóng viên, kể cả người bán là các đại lý hay người tiêu dùng đều khá mập mờ với các dịch vụ này. Chủ cửa hàng điện thoại di động HTC - Bùi Thị Xuân, TP Đà Lạt chia sẻ: “Khi khách hàng nhờ chúng tôi kích hoạt dịch vụ 3G khi mua sim thì cũng chỉ biết làm theo hướng dẫn của nhà mạng, còn các dịch vụ phát sinh có rất nhiều, chúng tôi cũng không nắm rõ”. Còn chị Nguyễn Hoàng Anh (P4, Đà Lạt) cho biết: “Có đôi lần thấy tiền trong tài khoản tự động gia hạn hay bị hết nhanh khi sử dụng 3G thì cũng thấy thắc mắc nhưng lại cho qua, không gọi lên tổng đài tư vấn”.
 
Trước thực trạng này, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng “không mất tiền oan”, Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công thương đã đưa ra một số lưu ý với người tiêu dùng về dấu hiệu quyền lợi bị xâm phạm: Thường xuyên nhận được tin nhắn với nội dung tương tự từ một đầu số nhất định; Tiền cước hàng tháng tăng bất thường (đối với di động trả trước) và tài khoản bị trừ một khoản tiền bất thường (thuê bao di động trả sau).
 
Khi thấy những dấu hiệu bất thường và nghi ngờ việc điện thoại di động của mình đã và đang bị tự động “kích hoạt” dịch vụ giá trị gia tăng, người tiêu dùng nên liên hệ ngay với tổng đài của các bên cung cấp dịch vụ để kiểm tra danh sách các ứng dụng dịch vụ GTGT được đăng ký trên số thuê bao của mình tùy theo nhà mạng Viettel, Mobile phone hay Vina phone… Sau đó tiến hành soạn tin nhắn để từ chối các dịch vụ theo hướng dẫn của tổng đài viên. Người tiêu dùng nên thường xuyên kiểm tra để tự bảo vệ mình. Trong trường hợp có khiếu nại hoặc có thắc mắc cần tư vấn liên hệ Tổng đài tư vấn người tiêu dùng 1800 6838.
 
Không thể phủ nhận xu thế phát triển của điện thoại di động nói chung và các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại nói riêng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin để khai thác sử dụng các dịch này phục vụ hiệu quả cho nhu cầu chính đáng của bản thân, tránh được những hành vi xâm phạm quyền lợi của mình.                    
 
DIỄM THƯƠNG