Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn hiện nay là nhu cầu bức thiết của người dân, đặc biệt là khi tình trạng ô nhiễm nguồn nước gần đây ngày càng nghiêm trọng. Các công trình này bước đầu đã giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho người dân, tuy nhiên một số công trình vẫn còn kém hiệu quả, thiếu bền vững.
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn hiện nay là nhu cầu bức thiết của người dân, đặc biệt là khi tình trạng ô nhiễm nguồn nước gần đây ngày càng nghiêm trọng. Các công trình này bước đầu đã giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho người dân, tuy nhiên một số công trình vẫn còn kém hiệu quả, thiếu bền vững.
|
Chỉ 250/370 hộ dân ở Tà Nung được sử dụng nguồn nước tự chảy |
Ông Phan Văn Hợi, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (TTNS&VSMTNT) cho biết: “Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh từng bước đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và vùng khó khăn về nước sinh hoạt. Các công trình sau khi đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho từng hộ gia đình và cộng đồng, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi bộ mặt nông thôn, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, một số công trình khi đưa vào sử dụng không lâu đã xuống cấp, ngưng hoạt động. Cụ thể năm 2016, tiến hành khảo sát có 53/252 công trình (chiếm 21%), so với kết quả năm 2014 thì số công trình không còn hoạt động tăng thêm 14 công trình”.
Theo số liệu của TTNS&VSMTNT, toàn tỉnh hiện có 252 công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn; trong đó có 59 công trình cấp nước tự chảy, 187 công trình giếng khoan và 6 công trình khác (bơm dẫn từ các hồ lên bồn ở vị trí cao). Tuy nhiên, công trình hoạt động mang tính bền vững chỉ là 46/252 công trình, công trình hoạt động ở mức độ trung bình lên đến 135/252 công trình, công trình hoạt động kém là 18/252 công trình, công trình không hoạt động 53/252 công trình. |
Xã Tà Nung là địa điểm có duy nhất công trình nước tự chảy của thành phố Đà Lạt, được đánh giá là công trình đang hoạt động ở mức trung bình thấp. Theo thiết kế thì hình thức cấp nước là trụ vòi và mắc đồng hồ nước đến từng hộ gia đình, số hộ dân sử dụng là 370 hộ nhưng hiện tại chỉ 250 hộ sử dụng, 120 hộ dân còn lại phải dùng nguồn nước khác để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho chính mình. Ông Liêng Hót Seng (thôn 2, xã Tà Nung) cho rằng, trước đây chưa có nguồn nước tự chảy thì chúng tôi phải xuống con suối gần đó để lấy nước sinh hoạt, ăn uống, mỗi ngày chừng 30 lít. Nay, nước chảy đến tận nhà thì giảm rất nhiều công sức và thuận tiện trong việc sinh hoạt. Ở đây có nhiều hộ dân không có nguồn nước tự chảy thì bắt buộc họ phải dùng chung với nhau hay đào giếng, khoan giếng, tốn một khoản tiền khá lớn.
Ông Liêng Hót Quil, người trực tiếp phụ trách công trình nước tự chảy xã Tà Nung phân tích: Lý do 120 hộ dân không nhận được nước chính là đường dẫn nước bằng ống nhựa có một số nơi đã bị hư hại do thời tiết, một số khác do thi công làm đường làm rạn nứt hay bị biến dạng. Công trình này dẫn nguồn nước từ suối Nước Trong, xây dựng vào năm 2000 với kinh phí xây dựng trên 2,5 tỷ đồng. Đến thời điểm 2014 - 2015, một số tuyến ống bị mưa lũ cuốn trôi, tuyến ống cấp nước vào thôn 2 đã bị hư hỏng đa phần. Ngay sau đó, công trình đã được sửa chữa, cải tạo và mở rộng với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng trên lại tái diễn, người dân và chính quyền địa phương mong muốn được sự quan tâm của của các cấp, ngành liên quan để công trình phát huy hết tính hiệu quả và người dân được hưởng lợi tuyệt đối từ công trình.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhiều địa phương khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cụ thể, Đơn Dương có 26 công trình thì chỉ có 3 công trình hoạt động bền vững; Lạc Dương có 11 công trình trong đó 7 công trình hoạt động trung bình và 1 công trình hoạt động kém; Đức Trọng có 33 công trình thì chỉ 2 công trình hoạt động bền vững; Lâm Hà có 34 công trình thì chỉ 11 công trình hoạt động bền vững; Di Linh có 42 công trình thì chỉ 9 công trình bền vững; Đạ Tẻh có 13 công trình thì duy nhất 1 công trình hoạt động bền vững… Cũng theo ông Hợi, tình trạng các công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn chưa hiệu quả và bền vững là do hai nguyên nhân. Thứ nhất, một số công trình cấp nước tự chảy ngừng hoạt động là do rừng đầu nguồn bị khai thác làm suy giảm thảm thực vật, công trình xây dựng lâu năm nay đã xuống cấp, do mưa lũ làm hư hỏng. Thứ hai, công tác quản lý của một số địa phương còn buông lỏng, quá trình khảo sát, thiết kế, quản lý đầu tư chưa được các đơn vị làm hết trách nhiệm, đánh giá nguồn nước thiếu chính xác. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của các đơn vị trong việc quản lý, vận hành và ý thức của người trực tiếp sử dụng còn nhiều hạn chế.
ÐỨC TÚ