Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ từ các chợ

09:10, 05/10/2016

Thời gian qua, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và ý thức của người dân, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn toàn tỉnh chưa cao khiến cho nguy cơ xảy ra cháy nổ là rất lớn. Hơn lúc nào hết, công tác phòng, chống cháy nổ tại các chợ phải được các cấp, các ngành chú trọng quan tâm.

Thời gian qua, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và ý thức của người dân, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn toàn tỉnh chưa cao khiến cho nguy cơ xảy ra cháy nổ là rất lớn. Hơn lúc nào hết, công tác phòng, chống cháy nổ tại các chợ phải được các cấp, các ngành chú trọng quan tâm.
 
Chợ Phan Chu Trinh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao
Chợ Phan Chu Trinh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao
Nguy cơ cao
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn tỉnh hiện có gần 100 chợ phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân. Theo kết quả kiểm tra của lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh, hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ lâu nên chưa có hồ sơ thiết kế, thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC, cơ sở vật chất tại các chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, do đó tiềm ẩn những nguy cơ cháy, nổ rất cao; các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC tại các chợ còn thiếu, chưa đầy đủ nên không đáp ứng được xử lý khi có sự cố. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các chợ đều trong tình trạng quá tải, các hộ kinh doanh tự ý cơi nới, thay đổi công năng sử dụng công trình, tàng trữ các mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. 
 
* Ông Nguyễn Xuân Lục - Trưởng BQL chợ Thạnh Mỹ (Đơn Dương): Phải tăng cường tuần tra
 
Chợ Thạnh Mỹ hiện có 230 quầy, sạp với nhiều ngành hàng khác nhau. Hiện tại, trong chợ đã có 150 quầy được thuê, đăng ký kinh doanh, gồm: khu A và khu B. Để hạn chế thấp nhất tình trạng cháy, nổ xảy ra trong chợ, trong quá trình hoạt động, BQL chợ luôn chú trọng đến công tác PCCC, thường xuyên duy trì các điều kiện về PCCC. Hiện Đội PCCC cơ sở có biên chế 6 thành viên được chia ca thường trực 24/24 và được huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định. BQL chợ thường xuyên tổ chức cho lực lượng PCCC tại chỗ tuần tra canh gác bảo vệ và thường trực sẵn sàng chữa cháy đảm bảo phát hiện kịp thời và chữa cháy hiệu quả khi có cháy xảy ra. Chính vì vậy, từ ngày đi vào hoạt động đến nay, chợ Thạnh Mỹ chưa để xảy ra cháy nổ đáng tiếc nào.
 
* Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBND phường 9 (Đà Lạt): Cần chấn chỉnh trật tự
 
Trên địa bàn phường 9 hiện quản lý 2 chợ là Phan Chu Trinh và Chi Lăng. Hiện các chợ này vẫn đảm bảo hoạt động tốt đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân. Mặc dù đại diện các chợ đều cho rằng công tác PCCC đã được thực hiện tốt, nhưng khi tìm hiểu thực tế chúng tôi lại thấy nhiều điều bất cập, tiềm ẩn nhiều hiểm họa. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc PCCC tuy ở các chợ đã có, nhưng phần lớn bị hỏng hóc và chưa được sửa chữa kịp thời; tình trạng các tiểu thương lấn chiếm trưng bày hàng hóa tại lối đi, lối thoát nạn, đường giao thông xung quanh chợ hay hiện tượng dựng xe máy và các phương tiện giao thông khác trước chợ đã gây cản trở không nhỏ cho việc chữa cháy khi có sự cố cháy, nổ. Vì vậy, BQL chợ cần tăng cường chấn chỉnh trật tự, bố trí các gian hàng ngăn nắp tại các chợ nhằm giảm bớt nguy cơ cháy, nổ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiên, lực lượng PCCC khi có sự cố xảy ra.
 
* Thượng úy Đào Huy Dương - Phó Trưởng Phòng hướng dẫn PCCC (Cảnh sát PCCC tỉnh): Cảnh giác không thừa
 
Những năm gần đây, số vụ cháy nổ trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, thiệt hại cũng tăng cao. Một trong những tình trạng đáng báo động nhất trong công tác PCCC hiện nay là phần lớn các hộ kinh doanh buôn bán trong chợ, mặc dù đã được tuyên truyền phổ biến các nội quy, quy định về PCCC nhưng vẫn coi nhẹ công tác này, nên thường xuyên vi phạm các nội quy, quy định về PCCC. Tuy chưa có vụ cháy nào xảy ra ở các chợ trong 2 năm gần đây, nhưng nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn. Bởi vậy, cần đẩy mạnh công tác PCCC ở các cơ sở và tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và các hộ kinh doanh tại các chợ.

Chợ Phan Chu Trinh (Phường 9, Đà Lạt) hiện nay đã cũ, nên việc cơi nới, lấn chiếm diễn ra phổ biến. Quan sát toàn bộ khu chợ không khó nhận thấy phía trước là dãy nhà lụp xụp, bên trong bày bán hàng hóa thiếu ngăn nắp. Khu chợ thiếu sáng, các chủ hộ thường xuyên dùng điện thắp sáng, kể cả giữa trưa, mà hệ thống điện mắc tạm bợ. Trong khi đó, diện tích chợ hẹp nhưng hàng hóa thì khá bừa bộn, chiếm cả lối đi, nếu hỏa hoạn xảy ra thì việc di chuyển sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo các hộ kinh doanh tại đây, chợ này đã tồn tại mấy chục năm nay, đã quá chật hẹp và xuống cấp. Bên ngoài thì người dân để xe, hàng quán “bao vây” đến từng mét vuông. Bên trong thì nhiều chỗ ẩm thấp, lem nhem, hàng hóa ken đặc lối đi. Hiện nay, bà con vẫn tiếp tục kinh doanh trong điều kiện chợ xập xệ, luôn tiềm ẩn nguy cơ bị hỏa hoạn cao vì hệ thống PCCC tại đây vừa thiếu, vừa yếu. 

Không riêng gì chợ Phan Chu Trinh, tại các chợ trên địa bàn TP Đà Lạt như: Chi Lăng, La Sơn Phu Tử, Hoàng Diệu, Cầu đất… đều dễ dàng nhận thấy sự bừa bộn, chật hẹp tại các gian hàng. Nhằm tận dụng tối đa diện tích kinh doanh, các sạp hàng thường bày kín, san sát nhau; các hộp, tủ chữa cháy cũng bị bịt kín hoặc nằm tại những vị trí khuất.
 
Trung tá Hoàng Công Chất - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC số 1 cho rằng: Một trong những tình trạng đáng báo động nhất trong công tác PCCC hiện nay là phần lớn các hộ kinh doanh buôn bán trong chợ mặc dù đã được tuyên truyền phổ biến các nội quy, quy định về PCCC nhưng vẫn còn coi nhẹ công tác PCCC, vi phạm các nội quy, quy định về PCCC. Bên cạnh những nỗ lực của lực lượng chức năng, công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn tại các chợ vẫn gặp không ít khó khăn. Do các chợ trên địa bàn được quy hoạch, thiết kế, xây dựng đã nhiều năm, kiến trúc, quy mô không đáp ứng được sự phát triển của thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng các chợ trên địa bàn thường ở trong tình trạng quá tải về số hộ kinh doanh và lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, hầu hết các chợ đều nằm trong khu vực đông dân cư, đường giao thông bao quanh chợ quá hẹp, gây nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.
 
Chủ động phòng chống
 
Chợ Đinh Văn (Lâm Hà) là một trong những chợ lớn trên địa bàn tỉnh, tập trung gần 460 hộ kinh doanh; trong đó, có đến 150 hộ kinh doanh quần áo, giày dép, những mặt hàng rất dễ phát sinh nguồn cháy.
 
Ông Nguyễn Văn Soi - Phó Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Đinh Văn cho biết, lấy phương châm phòng là chính, thời gian qua, BQL chợ thường xuyên hướng dẫn tuyên truyền các tiểu thương thực hiện tốt Luật PCCC. Hàng ngày, BQL chợ đều cử cán bộ đi kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương chú ý đến việc sử dụng điện, tuyệt đối không thắp hương thờ cúng trong khu vực chợ. Đồng thời, phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh định kỳ mỗi tháng 1 lần rà soát kiểm tra toàn bộ hệ thống điện, hệ thống thiết bị phục vụ công tác chữa cháy, việc sử dụng điện tại các sạp hàng, sử dụng thiết bị chữa cháy tại chỗ để có thể ứng cứu, giảm bớt thiệt hại nếu xảy ra cháy. 
 
Chị Trần Thị Hà, chủ một gian hàng quần áo tại chợ Đinh Văn chia sẻ: “Thời gian qua, xem trên tivi, báo chí thấy nói nhiều về các vụ cháy chợ, trong khi chúng tôi kinh doanh vải sợi, quần áo là mặt hàng dễ bén lửa nên lại càng thêm lo. Chính vì vậy, ngoài những bình chữa cháy do BQL chợ trang bị, chúng tôi còn chủ động mua thêm mỗi gian hàng một bình chữa cháy riêng để phòng khi có sự cố cháy nổ xảy ra”.
 
Một cán bộ Phòng Hướng dẫn PCCC (Cảnh sát PCCC Lâm Đồng) cho biết: Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn, nhắc nhở các BQL chợ chấp hành nghiêm Luật PCCC và các văn bản quy định về an toàn PCCC. Hàng quý, hàng năm, đơn vị đều tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về an toàn PCCC; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những sơ hở, thiếu sót, nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến cháy nổ; đặc biệt, chủ động xây dựng các phương án, diễn tập phương án PCCC phù hợp và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng chữa cháy tại chợ… Những dịp lễ, tết, Phòng tăng cường tuần tra kiểm soát, thường xuyên nhắc nhở bà con tư thương, các hộ kinh doanh ở chợ, thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn PCCC; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... Biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều hình thức, nội dung cụ thể, phù hợp đến từng đối tượng tại chợ; thường xuyên kiểm chứng việc tuyên truyền này để điều chỉnh cho sát với thực tiễn, nhằm nâng cao nhận thức của mọi cấp, mọi ngành, toàn dân về an toàn PCCC. Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các chợ; các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư, nâng cấp đồng bộ chợ, tránh tình trạng bất cập, thiếu thốn như hiện nay; đầu tư thỏa đáng cho công tác an toàn PCCC; xây dựng, huấn luyện lực lượng chữa cháy tại chỗ đáp ứng với yêu cầu thực tế.
 
HOÀNG YÊN