Nhu cầu xin cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ (VLN) trong công nghiệp của các doanh nghiệp ngày càng tăng và mang đến những "ẩn họa" khôn lường nếu không siết chặt quản lý.
Nhu cầu xin cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ (VLN) trong công nghiệp của các doanh nghiệp ngày càng tăng và mang đến những “ẩn họa” khôn lường nếu không siết chặt quản lý.
Việc cấp giấy phép sử dụng VLN được căn cứ vào 2 tiêu chí, đó là cấp theo thời hạn khai thác của giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo đảm an ninh - trật tự, thời hạn cấp giấy phép không quá 5 năm đối với khai thác mỏ và không quá 2 năm đối với xây dựng công trình cơ sở hạ tầng.
|
Nhiều nhà dân tại xã Đại Lào bị nứt do các mỏ nổ mìn khai thác đá. Ảnh: Hữu Sang |
Còn nhiều sai phạm
Theo số liệu của Phòng Kỹ thuật an toàn và Môi trường, Sở Công thương, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2016, Sở Công thương đã cấp 44 giấy phép cho 42 đơn vị có đủ điều kiện sử dụng VLN công nghiệp. Phần lớn các đơn vị được cấp giấy phép sử dụng VLN công nghiệp hoạt động trên lĩnh vực khai thác khoáng sản, xây dựng cầu đường, nhà máy thủy điện...
Bên cạnh các đơn vị có ý thức thức chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về hoạt động VLN công nghiệp thì hầu hết các đơn vị còn lại chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ các quy định pháp luật. Điển hình Công ty Ren còn để tồn VLN quá hạn sử dụng, mất phẩm chất từ đầu năm 2012 đến nay với số lượng gần 1,3 tấn thuốc nổ các loại, kíp điện gây nổ 3.381 cái; DNTN Hoàng Lộc còn để tồn VLN quá hạn sử dụng và 81 kíp điện; DNTN Lâm Phần - đơn vị khai thác đá xây dựng chưa làm tốt công tác bảo quản VLN để mất cắp 382 kíp điện đang còn hạn sử dụng, hiện nay, cơ quan công an đang tiến hành điều tra làm rõ.
6 tháng đầu năm, các đơn vị đã sử dụng hết hơn 419.353 kg thuốc nổ, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2015. |
Theo kết quả kiểm tra định kỳ và đột xuất hàng năm của các ngành chức năng, nhìn chung, các đơn vị sử dụng VLN công nghiệp đúng mục đích, được cấp giấy phép hoạt động và thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ. Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy nổ liên quan đến VLN, nhưng vẫn còn đó một số tồn tại trong bảo quản, sử dụng VLN trong công nghiệp. Chẳng hạn, công tác vệ sinh công nghiệp tại một số kho lưu động của các đơn vị thi công công trình chưa tốt. Ở một số đơn vị, hệ thống chống sét bị hư hỏng. Một số doanh nghiệp được sử dụng VLN công nghiệp để thi công các công trình giao thông, thủy điện, thủy lợi... không có kho chứa cố định nên phải thuê đơn vị có chức năng thực hiện việc vận chuyển VLN công nghiệp đến chân công trình. Ngoài ra, nhiều đơn vị chưa tiến hành kiểm tra, lập biên bản cho bãi khoan nạp mìn trước khi khởi nổ...
Các cơ quan chức năng đã phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh một số tồn tại như: Hộ chiếu nổ mìn chưa lập đầy đủ, thông tin còn sai sót; sổ theo dõi xuất, nhập VLN công nghiệp chưa đúng quy định của Bộ Công thương; việc phát quang và vệ sinh công nghiệp kho chứa VLN thực hiện chưa tốt. Đặc biệt, không thực hiện nghiêm túc công tác huấn luyện và cấp giấy chứng nhận sát hạch kỹ thuật an toàn về VLN công nghiệp cho các đối tượng có liên quan...
Ðặt an toàn lên trên hết
UBND tỉnh vừa ra chỉ thị về tăng cường công tác quản lý VLN công nghiệp, đặt quan tâm vào phòng ngừa, tuyệt đối không để xảy ra cháy nổ lớn như một số vụ gần đây tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Vấn đề đặt ra làm sao kiểm soát tốt hiện trường của các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng VLN công nghiệp.
Theo Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, Sở đã chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tiến hành 24 đợt kiểm tra đột xuất và 167 lượt kiểm tra định kỳ tại các doanh nghiệp, tổ chức. Nội dung kiểm tra được tập trung vào các vấn đề như: Vị trí sử dụng VLN, địa điểm xây dựng kho chứa trước khi thẩm định giấy phép; tổ chức, triển khai Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN; tuân thủ các quy định của Nhà nước, các quy chuẩn quốc gia về hoạt động khai khoáng, bảo vệ môi trường...
Ông Phạm Hữu Giang, Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy gạch ngói Lâm Viên - đơn vị có kho VLN công nghiệp ở mỏ đá 1646 cho biết: VLN công nghiệp là mặt hàng nguy hiểm, nếu không bảo đảm các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn sẽ dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Hằng năm, đơn vị đều xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, đồng thời, đơn vị chịu sự kiểm tra chuyên ngành ít nhất 2 đợt trong một năm của Sở Công thương, hằng tháng, lãnh đạo đơn vị cũng tự tổ chức kiểm tra kho chứa với mục tiêu an toàn là trên hết.
Ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Sử dụng VLN công nghiệp trong khai thác vật liệu xây dựng là công việc hết sức nhạy cảm, bởi vậy đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuyệt đối không được để xảy ra sai sót. Và mặc dù chưa xảy ra sự cố nghiêm trọng nào về tình trạng mất an toàn trong sử dụng và bảo quản VLN, nhưng như vậy không có nghĩa rằng không xảy ra trong thời gian tới, bởi chỉ cần các doanh nghiệp có sơ suất nhỏ trong việc lưu giữ, sử dụng cũng gây ra thảm họa khôn lường”.
HOÀNG YÊN