Mấy ngày này, tại một số địa điểm nổi tiếng trên địa bàn TP Đà Lạt xuất hiện nhiều người bán cây cảnh giả. Bằng cách gắn quả, dán keo, giả ghép trái khá tinh vi, người bán đã lừa được không ít người dân mua cây cảnh giả như sung, sơ ri, kim phát tài, lộc vừng...
Mấy ngày này, tại một số địa điểm nổi tiếng trên địa bàn TP Đà Lạt xuất hiện nhiều người bán cây cảnh giả. Bằng cách gắn quả, dán keo, giả ghép trái khá tinh vi, người bán đã lừa được không ít người dân mua cây cảnh giả như sung, sơ ri, kim phát tài, lộc vừng… với giá từ 300.000 tới 1,2 triệu đồng/cây.
|
Bà Nguyễn Duyên Anh, mua phải một cây cảnh giả tại bùng binh chợ Đà Lạt sáng ngày 25/10. Ảnh: C.THÀNH |
Thấy cây cảnh bán dạo ngoài đường có thế đẹp, giá rẻ nên nhiều người dân đã mua ngay. Sau khi đem về chưng ít ngày thì lá úa màu, trái héo, mới biết mình đã mua trúng cây giả.
Cây cảnh giả xuống phố
Sáng 25/10, bà Nguyễn Duyên Anh (ngụ phường 4, TP Đà Lạt) đi làm về ngang bùng binh chợ Đà Lạt gặp hai thanh niên chở bán gần chục cây sung cảnh, cây nào trái cũng sum suê, ôm từ gốc tới ngọn mà giá rao bán chỉ 500.000 đồng/cây. Trả một hồi, bà Anh mua liền hai cây cảnh với giá 350.000 đồng/cây. Buộc cây sung cảnh chở về nhà, bà Anh nói vui vẻ: “Nhìn thấy cây sung trái sum suê, giá quá rẻ nên tôi mua hai cây về cho chồng chăm chơi trong nhà”.
Tuy nhiên, sau khi chưng cây cảnh trong nhà được ít hôm, tới ngày 27/10, bà Anh phát hiện thân cây lá còn tươi nhưng chùm trái sung đỏ dần, teo lại. Nhìn kỹ, bà Anh và chồng mới té ngửa khi cuống chùm sung được khoan lỗ sâu vào thân, dán bằng keo dính, mùn đen rất tinh vi. “Sau khi biết mình bị lừa, tôi gọi điện vào số người thanh niên xưng tên Huy nhưng số máy hoàn toàn không liên lạc được” - bà Anh chia sẻ.
Trước đó, trong ngày 20/10, chúng tôi bắt gặp tại cầu Ông Đạo (cạnh hồ Xuân Hương) và đường Trần Phú một nhóm hai người phụ nữ chạy xe máy chở nhiều cây sung cảnh, ổi, mận ghép đứng tụ tập rao bán cho người đi đường và du khách qua lại. Những người phụ nữ đeo khẩu trang che nửa mặt cho biết mình buôn cây cảnh ở tận Long Khánh (Đồng Nai). Hai trong số bốn chiếc xe chở cây cảnh thậm chí không có biển số. Chỉ sau 15 phút, nhóm này chia nhau ra mỗi người mỗi hướng. Một phụ nữ tự xưng tên Lan trong nhóm bán cây cảnh cho xe dừng lại trước chợ Ánh Sáng (đường Nguyễn Văn Cừ, TP Đà Lạt) để bày bán. Chỉ đứng tại đây chưa đầy 20 phút, người này đã bán được hai cây sung với giá từ 600.000 đồng/cây.
Gặp khách nào tới xem, bà Lan liền quảng cáo: “Đây là cây cảnh được trồng hơn 4 năm mới có trái, mất rất nhiều công chăm sóc, chúng tôi đang thanh lý vườn cây cảnh mới có giá rẻ như vậy…”. Theo ghi nhận của chúng tôi, nghe bà Lan rao bán cây cảnh, nhiều khách du lịch cũng xúm lại hỏi mua. Ban đầu nhóm người trên thường hét giá mận ghép trái từ 400 - 600 ngàn đồng/cây, sung cảnh giá từ 800.000 đến 1 triệu đồng/cây. Sau khi thấy khách bỏ đi họ liền chèo kéo bằng cách hạ giá khá thấp (gần một nửa) nên mọi người kháo nhau mua khá nhiều.
“Kiểm tra kỹ khi mua”
Theo quan sát của chúng tôi, ở các địa điểm khác trên TP Đà Lạt như nhà thờ Con Gà, chợ Đà Lạt, vườn hoa Đà Lạt, công viên Yersin… rải rác chừng một hai tháng lại có nhóm người bán cây cảnh “đểu” xuất hiện. Và ở mỗi địa điểm, nhóm bán cây cảnh chỉ dừng bán chừng 10 phút rồi dời đi nơi khác.
Điểm chung của người dân khi mua phải cây cảnh “đểu” chỉ phát hiện ra mình bị lừa sau khi đem về nhà chưng khoảng ba ngày đến một tuần lễ. Hầu hết cây cảnh với giá rẻ như vậy sau ít ngày bị héo rũ, trái đỏ dần và lộ ra vết gắn bằng keo vào thân cây. Khi bị phát hiện, người mua không thể tìm được người bán hay gọi điện được khi biết mình bị lừa vì họ không bán tại một địa điểm nào cố định.
Ông Nguyễn Văn Giai - Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng nhận định, với gốc cây cảnh như sung, ổi, mận… chính gốc, để có một cây dáng đẹp, trái nhiều ôm từ gốc tới ngọn như người dân thấy, mỗi nghệ nhân phải chăm từ 3 tới 6 năm, thậm chí cả chục năm mới tạo được hình hài, kiểu dáng ưng ý. Và giá một cây kiểng đẹp như vậy phải dao động từ 3 đến 10 triệu đồng/cây là chuyện bình thường.
“Những cây sung, lộc vừng, mận ghép,… dáng đẹp, lại có trái sai mà bán 300.000 - 500.000 đồng/cây thì gần như 100% cây cảnh dỏm do ghép, dán. Không thể có chuyện cây cảnh dáng đẹp mà có giá chênh lệch cả chục lần so với cây cảnh thật như vậy”- ông Giai khẳng định.
Còn theo một số nghệ nhân chơi cây cảnh tại TP Đà Lạt cảnh báo, người dân không nên cả tin nhìn bên ngoài cây cảnh, bởi người bán dạo có thể dùng các thủ thuật gắn, dán, xịt thuốc giúp trái xanh khá lâu trước khi héo rũ và rụng trái. Nếu để ý kỹ, người chơi có thể phát hiện thân cây có chỗ khoan thủng để gắn chùm sung vào rất sâu rồi dán keo dính lại. Tuy không phải ai bán cây cảnh dạo đều là bán hàng giả nhưng người mua nên kiểm tra với một số cây cảnh hay bị làm giả như sung, kim phát tài, mai, mận, ổi,... Người mua có thể thử bằng cách lay nhẹ chùm sung xem có mối keo dán hở ra không, chùm sung thật có cuống rất dai nên khi lay không bị ảnh hưởng. Tương tự như cây kim phát tài hay lộc vừng, người mua nên thử bằng cách uốn nhẹ cuống hoa, nếu là giả mối nối keo sẽ hở nhẹ.
Ông Nguyễn Quốc Huy, một nghệ nhân chơi cây cảnh lâu năm tại địa bàn khuyến cáo thêm: “Chỉ còn ít tháng nữa là tới Tết, nhu cầu mua cây cảnh chưng sẽ tăng đáng kể. Để tránh bị lừa, tốt nhất người dân nên tới các nhà vườn uy tín, có địa chỉ rõ ràng trên địa bàn TP Đà Lạt để tìm hiểu và được tư vấn trước khi chọn mua”.
CHÍNH THÀNH