(LĐ online) - Một khu nhà cao tầng bỗng nhiên biến mất dưới lòng đất. Một đường nứt rộng hoác tách đôi con đường đang nườm nượp xe cộ. Một hố sâu hoắm giữa một cánh đồng rau bằng phẳng... Đó là những thảm họa đã xẩy ra ở nhiều nơi trên hành tinh chúng ta, nguyên nhân chính là do mạch nước ngầm bị cạn kiệt...
(LĐ online) - Một khu nhà cao tầng bỗng nhiên biến mất dưới lòng đất. Một đường nứt rộng hoác tách đôi con đường đang nườm nượp xe cộ. Một hố sâu hoắm giữa một cánh đồng rau bằng phẳng... Đó là những thảm họa đã xẩy ra ở nhiều nơi trên hành tinh chúng ta, nguyên nhân chính là do mạch nước ngầm bị cạn kiệt...
Nghề khoan giếng - một công việc giúp làm giàu ở một vùng rau
Tiếp xúc với anh NVĐ ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, người chuyên khoan giếng, thâm niên tay nghề đã hơn 30 năm. Một người đàn ông cao lớn, vậm vạp nhưng tính tình hiền lành, vui vẻ. Anh không giấu được niềm tự hào khi mời khách bước vào không gian sinh hoạt gia đình sang trọng của mình. Anh cũng không giấu diếm xuất thân bần hàn thời trai trẻ, đã phải kiếm sống bằng nghề đào giếng. Đào giếng thủ công thật nặng nhọc vất vả. Nhưng thời đó, ở địa bàn Đơn Dương, chỉ cần đào sâu bảy đến mười mét là đã có đủ nước sinh hoạt. Nước sản xuất thì vẫn còn các nguồn sông suối. Dần dà, khi Đơn Dương nhanh chóng chuyển thành một vùng chuyên canh cây rau thương phẩm, dân số ngày một tăng, diện tích rừng cũng ngày càng thu hẹp, mạch nước cũng ngày một “lặn” sâu hơn, những người thợ đào giếng không đủ sức khỏe đành phải bỏ nghề. Lúc đó anh NVĐ đã gom góp đủ tiền sắm một giàn máy khoan đầu tiên. Giếng đóng ban đầu khoảng 25-30m, 5 năm lại đây đã phải khoan sâu đến 60-70m mới gặp nguồn nước đủ để sinh hoạt và tưới tiêu. Không có nhiều người làm nghề khoan giếng. Trên địa bàn Thạnh Mỹ huyện Đơn Dương cũng chỉ có hai người chuyên nghề đóng giếng khoan, bởi người dân còn “đồn kháo” nhau người nào khoan giỏi hơn, đoán được mạch nước ở đâu trong lô đất để đặt mũi khoan cho trúng. Ngoài người kỹ càng những năm gần đây phải nhờ đến những vị được cho là tinh thông phong thủy am tường địa lý chỉ định nơi khoan giếng, còn đa số hộ vẫn đặt vận may vào người thợ khoan. Khoan được mạch nước dồi dào có nghĩa là gia chủ gặp may mắn.
Làm nghề gần 20 năm, anh NVĐ gần như nắm rõ địa chất từng vùng đất trên địa bàn mấy xã anh thường được thuê đóng giếng. Nơi nào sẽ gặp đá ong, nhìn chất đất, đá hay cát trào lên từ độ sâu của mũi khoan mà đoán đã gần đến mạch nước chưa... Vậy nhưng vẫn đặt cược vào vận may rủi, nhiều lô đất khoan đến mấy giếng vẫn không gặp nước, đành phải chia vận rủi với gia chủ, thợ khoan chỉ đành nhận phần chi phí dầu máy và ống, tiền công thợ khoan chủ phải chịu. Khoan cái giếng 70m mất từ ba đến bốn ngày, có hôm làm đến nửa đêm. Hỏi anh NVĐ một câu: bao nhiêu năm nay chắc mỗi gia đình đều đã có giếng khoan rồi, vậy thì giờ anh đã chuẩn bị thất nghiệp chưa? Chắc anh phải chuẩn bị cho mình một nghề khác để giải nghệ cái nghề cũ tuy làm cũng có tiền nhưng vất vả? Anh cười: “Chưa đâu, người dân vẫn còn nhu cầu lớn lắm. Đâu phải mỗi hộ chỉ khoan một giếng đâu, giếng lấy nước sinh hoạt, giếng lấy nước tưới sản xuất, có hộ đến hai ba giếng mới đủ tưới, vì các nguồn nước lộ thiên đều cạn” . Đó là chưa nói, gặp năm hạn như năm ngoái (2015), trên địa bàn Thạnh Mỹ, Đạ Ròn huyện Đơn Dương, những giếng sâu 70-80m cũng đã cạn kiệt. Lại phải khoan sâu hơn hoặc đóng giếng khác, có nơi đã phải khoan sâu đến hơn 100m mới có nước. Anh Đ vẫn cười: “nên công việc khoan giếng còn làm dài dài. Mình có hai giàn khoan, bây giờ thuê thợ khoan, mình chỉ đi trông coi chỉ đạo...” Hỏi thêm: vậy công việc của anh có khi nào địa phương hoặc ngành chức năng hỏi đến không? Anh lại cười: “Chưa có ai hỏi cả, vì nhu cầu người dân cần quá mà. Nếu không khoan giếng, người dân lấy đâu nước để ăn uống và sinh hoạt?”
Thực trạng sử dụng tầng nước ngầm trên địa bàn Đơn Dương
Năm 2004, thống kê trên địa bàn Đơn Dương đã có hơn 900 giếng khoan. 12 năm qua, không ai quan tâm đến việc thống kê xem đã có thêm bao nhiêu giếng khoan và độ sâu của nó là bao nhiêu. Vì Luật Tài nguyên nước đã quy định, lấy nước dưới mặt đất phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nhỏ không cần phải xin phép. Thế nhưng điều trong Luật có quy định, người hành nghề khoan giếng phải có giấy phép thì cũng được lơ là cho qua. Việc quy hoạch sử dụng nguồn nước ngầm dường như cũng chưa được quan tâm. Người dân cứ khoan sử dụng theo nhu cầu mà chưa có một quy định nào về khoảng cách cần thiết cho một giếng khoan có độ sâu nhất định.
Riêng trên địa bàn thị trấn Thạnh Mỹ, từ nhu cầu của một bộ phận người dân không thể khoan giếng vì mạch nước bị nhiễm phèn và can xi nặng, Công ty cấp nước Lâm Đồng đã tiến hành khoan mũi khoan độ sâu 80m để khai thác nước ngầm xử lý rồi bán cho người sử dụng. Tuy vậy, theo nhận xét của nhiều hộ dân, nguồn nước sạch này chưa đảm bảo sạch sau xử lý, vì nước vẫn làm ố bẩn các thiết bị gia dụng, nên đa phần người dân vẫn phải mua nước đóng thùng từ các cơ sở sản xuất nước tinh khiết cũng đóng ngay trên địa bàn huyện để ăn uống. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 5 công trình nước sạch sinh hoạt nguồn nước tự nhiên phân bổ ở các xã thị trấn, nhưng do nguồn nước không đảm bảo sạch nên hiệu quả sử dụng không cao. Mỗi hộ dân có điều kiện vẫn thuê đóng riêng một giếng khoan để tiện lấy nước sử dụng, chi phí cho một giếng khoan độ sâu 70-80m là trên dưới 30 triệu đồng, có thể sử dụng thoải mái cho nhu cầu sinh hoạt và tưới cây vườn.
Hiện nay, Nhà nước chỉ quản lý và cấp phép cho các đơn vị kinh tế, sản xuất kinh doanh có nhu cầu sử dụng khối lượng nước trên 20 khối/ ngày cho mục đích sản xuất. Trên địa bàn Đơn Dương có 10 đơn vị được cấp phép khai thác sử dụng nguồn nước ngầm với khoảng 30 giếng khoan. Tuy vậy, với sự mở rộng diện tích trồng cây rau thương phẩm trên địa bàn hiện nay, nhu cầu khoan giếng lấy nước ngầm để phục vụ sản xuất của bà con nông dân là rất cao. Nếu tính trên địa bàn huyện hiện có 100.000 hộ dân, mỗi hộ có một giếng khoan, trung bình mỗi ngày một hộ sử dụng một khối nước thôi, đã lấy đi từ mạch nước ngầm bao nhiêu khối nước? Đó là một con số không nhỏ, mà đó chỉ là sự phỏng đoán ở riêng một huyện, nhiều địa phương khác cũng lấy nguồn nước từ tầng nước ngầm như vậy thì lượng nước ngầm hao hụt sẽ rất lớn.
Theo thông tin từ các báo cáo khoa học, để bổ sung cho mạch nước ngầm cần đến rất nhiều năm. Việc khai thác quá lớn mạch nước ngầm dẫn đến suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dẫn đến nguy cơ sạt lở, sụt lún, trượt tầng đất rất cao. Đó là chưa kể đến việc khoan giếng vô tội vạ theo nhu cầu của người dân hiện nay, nhiều giếng khoan bị hư, hết nước không còn sử dụng cũng không ai quản lý và người dân cũng chưa có ý thức trám miệng giếng, điều đó dẫn đến nguy cơ ô nhiễm mạch nước ngầm nếu có ngập lụt. Thật sự, người dân đang vô tình làm hại tương lai chính mình khi khai thác sử dụng hoang phí tầng nước ngầm, bên cạnh đó, Nhà nước địa phương cũng chưa có sự quản lý chặt chẽ để đưa Luật Tài nguyên nước đi vào cuộc sống.
Nếu không hành động ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ đối mặt với câu truy vấn của tương lai: ai phải chịu trách nhiệm?
Trồng rừng vẫn là đề nghị ưu tiên hàng đầu trong việc khôi phục lại môi trường sinh thái tự nhiên. Ai cũng có thể thấy rõ diện tích rừng của Lâm Đồng nói chung và của huyện Đơn Dương đã bị mất quá nhiều, thời tiết khí hậu đã biến đổi, nắng nóng, khô hạn kéo dài. Mưa chưa nhiều đã gây lũ lụt vì không còn rừng để giữ và điều hòa lượng nước. Cũng theo các nhà khoa học, chỉ có phủ thảm rừng mới giữ được lượng nước bổ sung cho tầng nước ngầm bị khai thác hao hụt. Một nhiệm vụ khác cũng không kém phần quan trọng, đó là việc quy hoạch sử dụng tầng nước ngầm. Đã đến lúc, địa phương và các ngành chức năng cần vào cuộc, có sự đánh giá mức độ để có những điều chỉnh hợp lý trong quản lý khai thác sử dụng tầng nước ngầm. Không nên để thảm họa xẩy ra mới đánh giá và khắc phục. Một thảm họa về môi trường nhiều khi bắt đầu từ một thế hệ, nhưng gánh hậu quả khôn lường và khắc phục nó cần đến nhiều thế hệ tương lai.
Kiều Minh Mạnh