Cầu trắng - công trình nối nhịp bờ vui tại xóm 5, thôn R Hang Trụ, xã Phúc Thọ (Lâm Hà) được hình thành từ sự đóng góp công sức, kinh phí của nhân dân trong thôn. Từ khi có cầu mới, người dân và học sinh đi lại dễ dàng, hàng hóa lưu thông thuận lợi.
Cầu trắng - công trình nối nhịp bờ vui tại xóm 5, thôn R Hang Trụ, xã Phúc Thọ (Lâm Hà) được hình thành từ sự đóng góp công sức, kinh phí của nhân dân trong thôn. Từ khi có cầu mới, người dân và học sinh đi lại dễ dàng, hàng hóa lưu thông thuận lợi.
|
Cây cầu Trắng xóm 5 được xây dựng trong niềm vui của nhân dân nơi đây. Ảnh: H.Y |
Xóm 5, thôn R Hang Trụ nằm dọc hai bên dòng sông Đạ K’Nàng. Vị trí địa lợi ấy giúp người dân dễ dàng khai hoang, canh tác trồng cà phê, lúa nước, nhưng lại khó khăn trong việc đi lại, giao thương, nhất là khi bị cách trở bởi dòng sông. Mùa cạn thì không nói, nhưng mùa mưa lũ lại là nỗi ám ảnh, bởi không ai dám đánh bạc với số phận, liều mình qua sông bằng cây cầu gỗ đã mục nát từ lâu.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Duy Hiểu (54 tuổi), người dân trong xóm 5, thôn R Hang Trụ, xã Phúc Thọ cho hay, ngày trước cầu chỉ là bắc những tấm gỗ lót tạm, nhưng qua thời gian đã mục nát, nước lụt ngập sâu, người dân muốn qua sông làm rẫy, trẻ em đi học thường phải mò mẫm đi, rồi cũng có trường hợp không cẩn thận bị hụt chân rớt xuống sông. Ngay như chị Nguyễn Thị Yến, có lần chở nông sản qua sông để bán bị kẹt bánh xe vào hai tấm gỗ té xuống sông, khiến cả người và nông sản để bán ướt nhẹp. Học sinh hay cụ già đi chợ qua cầu mùa mưa đều phải dò dẫm từng bước vì sợ hụt chân.
Trước thực trạng đó, 8 cựu chiến binh của thôn đã có ý tưởng làm cầu qua sông. Và, bằng uy tín của mình, các cựu chiến binh đã tích cực tuyên truyền, vận động để người dân thấy được sự cần thiết phải làm cầu, đồng thời chia sẻ với tất cả bà con những ý tưởng về cây cầu mới - một cây cầu bê tông cốt thép chắc chắn. “Nếu làm một cây cầu ghép bằng 2 - 3 cây gỗ bắc qua thì không phải bận tâm, nhưng làm cây cầu bê tông vững chắc để cho người và các phương tiện đi lại dễ dàng hoàn toàn không đơn giản” - ông Mai Xuân Tiến, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn R Hang Trụ tâm sự.
Ông Tiến cho biết, sau khi làm tờ trình gửi lên UBND xã Phúc Thọ xin chủ trương xây dựng cây cầu tại thôn 5, lãnh đạo xã đã đồng tình ủng hộ ngay. Theo đó, chúng tôi bàn bạc mọi công việc với nhau, từ việc lên “bản thiết kế” cây cầu, tính toán chi tiết khối lượng vật liệu, ngày công lao động và nhu cầu đầu tư, đến số tiền đóng góp của từng hộ dân”.
Ngày 1/4/2016, bà con trong thôn chính thức khởi công xây dựng cây cầu bê tông qua sông. Trong thời gian thi công, toàn bộ cán bộ thôn đều có mặt trên công trường để vừa động viên bà con làm việc, vừa giám sát chất lượng công trình. Điều đặc biệt, việc thi công hoàn toàn do người dân của thôn thực hiện, với 6 thợ chính và luân phiên 20 người/ngày làm nhiệm vụ trộn vữa, vận chuyển vật liệu...
Sau 1 tháng thi công, cây cầu bê tông bắc qua sông Ðạ K’Nàng trên địa bàn thôn 5 đã hoàn thành trong sự háo hức, phấn khởi của người dân. Cây cầu có chiều dài 19 m, rộng 2 m, với 4 mố cầu được đổ bê tông, tổng giá trị 350 triệu đồng; trung bình mỗi hộ đóng góp 5,2 triệu đồng, với 1.000 ngày công và hoàn toàn không có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Cây cầu bê tông được làm xong, nối liền mơ ước của các hộ dân 2 bên bờ sông Đạ K’Nàng. Chỉ một thoáng đi bộ, ông Phạm Văn Thanh, xóm 5, thôn R Hang Trụ đã sang được bờ bên kia trên cây cầu vừa mới xây dựng. Vịn tay vào lan can, ông Thanh phấn khởi cho biết: “Trước đây, mỗi khi muốn chở phân đi bón cà phê hay vận chuyển nông sản, bà con chúng tôi đều phải đi qua cây cầu này. Có nhiều hôm gió to, khi qua cầu xe của tôi chao đảo, suýt rớt xuống sông, nên mỗi lần qua cầu tôi rất sợ. Nhưng từ ngày cầu mới được xây dựng, 75 hộ dân với diện tích canh tác hơn 150 ha bà con ở đây cảm thấy an tâm tuyệt đối. Phụ huynh có con đạp xe đến trường không phải canh cánh nỗi lo khi bọn nhỏ tinh nghịch dễ té xuống sông đuối nước”.
Nói về việc làm đầy ý nghĩa này, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà chia sẻ: Trong khi kinh phí từ ngân sách có hạn thì việc người dân tự nguyện đóng góp xây dựng cầu ở R Hang Trụ là đáng ghi nhận. Cây cầu bê tông vượt sông Đạ K’Nàng không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, xã hội, mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, đồng lòng, sáng tạo của tập thể chi bộ và người dân nơi đây. Trên địa bàn Lâm Hà không chỉ có duy nhất cây cầu Trắng xóm 5 được xây dựng từ sức dân mà còn có hàng chục cây cầu mang nặng sức dân như thế. Phong trào nhân dân đóng góp xây cầu trở thành phong trào sâu rộng trong nhân dân. Đây là việc làm cần được tuyên dương và nhân rộng.
HOÀNG YÊN