Tính tới cuối tháng 11/2016 các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng lên, làm ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người lao động và thu chi ngân sách địa phương...
Tính tới cuối tháng 11/2016 các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) và Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ngày càng tăng lên, làm ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người lao động và thu chi ngân sách địa phương. Mặc dù cơ quan chủ quản là BHXH tỉnh Lâm Ðồng đã làm nhiều cách ngăn chặn, kể cả khởi kiện các DN ra tòa thì số tiền thu được sau khởi kiện cũng không đáng kể.
Ông Huỳnh Tấn Chỉ, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lâm Đồng nhận định: Chuyện kiện tụng DN ra tòa là việc “cực chẳng đã” của cơ quan bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu không khởi kiện điểm một số DN chây ỳ nợ bảo hiểm thì người lao động (NLĐ) sẽ bị thiệt thòi đủ đường.
|
Doanh nghiệp nợ BHXH sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người lao động. Ảnh: C.Thành |
Trên 450 doanh nghiệp nợ trên 3 tháng
Theo thống kê từ BHXH tỉnh Lâm Đồng, tính đến ngày 31/10/2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 241,983 tỷ đồng và số tiền lãi chậm đóng là 9,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý khi đi vào chi tiết về mặt con số, nếu tính thời gian nợ BHXH, BHYT, BHTN sẽ thấy được mức độ nợ dai dẳng của nhiều DN. Trong báo cáo mới nhất từ Phòng Khai thác và Thu nợ (BHXH Lâm Đồng) gửi UBND tỉnh tính từ đầu năm tới ngày 21/11, một số DN nợ BHXH, BHYT và BHTN với khoản tiền lớn, điển hình như: Công ty TNHH Tâm Châu nợ 19 tháng (hơn 4,7 tỷ đồng), Công ty TNHH Kimono Japan nợ 56 tháng (hơn 3,9 tỷ đồng), Công ty TNHH SX Hạt giống rau Lâm Đài nợ 11 tháng (1,87 tỷ đồng), Công ty TNHH Mekava Việt Nam nợ 5 tháng (hơn 1,2 tỷ đồng), Công ty SXKD hàng XNK Nam Phương Bảo Lộc nợ 37 tháng (hơn 2 tỷ đồng), Công ty TNHH Sông Thương 2 nợ 46 tháng (hơn 1,5 tỷ đồng), Trung tâm Dạy nghề tư thục Lạc Hồng - Đức Trọng nợ 60 tháng (trên 1,1 tỷ đồng)… Ngoài các DN trên, những DN nợ từ 50 tới 200 triệu chiếm tỉ lệ khá lớn.
Từ thực tế thu nợ của đơn vị nhiều năm, Phòng Khai thác và Thu nợ BHXH tỉnh Lâm Đồng đánh giá trừ các DN thực sự khó khăn, làm ăn thua lỗ, không còn khả năng trả lương cho lao động thì còn rất nhiều DN, dù hiểu rất rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ nhưng lại cố tình trốn đóng, không chấp hành nghiêm túc quy định của luật bảo hiểm.
Điển hình nhất là việc một số DN chủ động đối phó, lách luật bằng cách chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số NLĐ để giảm chi phí, hoặc cố tình nợ kéo dài bằng việc đóng nhỏ giọt... Việc này khiến hàng trăm lao động không thể chốt sổ BHXH khi giải quyết chế độ BHXH.
Ðã khởi kiện 50 doanh nghiệp
“Mặc dù khó khăn do lần đầu tiếp nhận vai trò khởi kiện DN nợ bảo hiểm nhưng trước mắt, chúng tôi đang tích cực hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện điểm Công ty TNHH Kimono Japan (đóng tại TP Bảo Lộc, nợ 3,9 tỷ đồng) đang gây bức xúc cho công nhân tại công ty này thời gian qua. Muộn nhất là trong tháng 12 này chúng tôi sẽ gửi hồ sơ kiện lên tòa án. Sang năm 2017, Công đoàn tiếp tục kiện từ 5 tới 7 DN có nợ bảo hiểm lớn đứng đầu tỉnh để xử lý nghiêm theo pháp luật” - ông Phạm Hồng Thọ - Trưởng Ban chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh. |
Ông Huỳnh Tấn Chỉ, Phó Giám đốc BHXH tỉnh thông tin, trước tình trạng một số DN nợ bảo hiểm dai dẳng với số tiền lớn từ 40 triệu tới trên 1 tỷ đồng BHXH bắt buộc phải nghĩ tới phương án kiện DN ra tòa để thu hồi nợ. Theo ông Chỉ, khi nhận thấy các DN nợ BHXH 12 tháng trở lên nhưng cố tình chây ỳ, đã được vận động nhiều lần không đem lại kết quả đơn vị mới áp dụng biện pháp mạnh nhất là khởi kiện ra tòa. Chỉ tính riêng trong vòng 5 năm (2011 tới 2015) đã có 50 DN bị BHXH tỉnh Lâm Đồng khởi kiện ra tòa án với số tiền nợ bảo hiểm trên 13 tỷ đồng. Việc khởi kiện được đánh giá là có kết quả gần như tức thời, mang lại hiệu quả khả quan trong thu hồi nợ. Chính vì vậy, kết quả BHXH tỉnh đã thu hồi được số tiền 8,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thu hồi nợ lại nảy sinh việc các DN bị khởi kiện trả nợ rất chậm, trả nhỏ giọt và dai dẳng không dứt điểm hoặc trả kiểu chống đối nên số tiền nợ BHXH phát sinh thêm tính tới ngày 21/11/2016 (từ 44 DN bị kiện) lại lên tới 18,2 tỷ đồng.
“Mặc dù khi khởi kiện các DN bị thua hoàn toàn thì việc thi hành án cũng rất gian nan, khả năng thu hồi nợ nhìn chung vẫn khá thấp. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là việc các DN giải thể, phá sản hay di dời địa chỉ, không hợp tác với cơ quan thi hành án,… Với trường hợp DN không còn khả năng trả nợ như vậy, hoặc chủ DN đã bỏ trốn, chúng tôi gần như không thu được đồng nào”- ông Chỉ nhận định.
DN dù lớn hay nhỏ, nợ ít hay nhiều cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLÐ. Thiệt thòi có thể nhìn thấy trước mắt là việc NLÐ đang làm việc trong các DN trên không được thanh toán chế độ khi họ bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động. Ðồng thời, một số lao động đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp hưu trí do chưa đủ thời gian đóng BHXH…
Nợ BHXH, BHYT, BHTN và lãi chậm đóng tính đến 31/10/2016
|
Khi xảy ra những trường hợp này, cơ quan BHXH sẽ khó khăn trong việc xác nhận thời gian DN đóng BHXH đủ cho NLĐ hay chưa.
Về các biện pháp chế tài sắp tới, BHXH tỉnh vừa làm quy chế phối hợp dài 3 chương, 10 điều về việc cung cấp thông tin, tài liệu khởi kiện ra tòa cho Liên đoàn Lao động tỉnh vì chức năng khởi kiện của đơn vị đã dừng lại từ cuối năm 2015. Tuy nhiên, để việc chế tài có tính liên tục, BHXH đang chuyển danh sách DN nợ lớn để Công đoàn (đơn vị được phép khởi kiện thay BHXH từ năm 2016) tiếp tục khởi kiện DN nợ bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi NLĐ. Như vậy, tính tới cuối tháng 11/2016, chưa có DN nào nợ bảo hiểm bị khởi kiện, đồng nghĩa với việc nợ bảo hiểm có dấu hiệu tăng cao.
Cần có chế tài đủ mạnh
Theo BHXH tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, luật quy định rõ nghĩa vụ, quyền lợi của chủ DN và NLĐ trong việc đóng BHXH rất rõ ràng.
Nhưng khi phát hiện DN không còn khả năng trả nợ, chây ỳ hoặc chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn thì lấy đâu ra tiền bảo hiểm để bù đắp? Đây là câu hỏi mà theo ông Phạm Hồng Thọ, Trưởng Ban chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng cho rằng rất khó có lời giải thỏa đáng. Nguyên nhân bởi thực tế lâu nay ngay cả cơ quan thi hành án (DN bị kiện thua 100%) cũng khó khăn khi thu hồi tiền nợ và thu hồi khá chậm do DN không chịu hợp tác với cơ quan chức năng. Theo ông Thọ, từ năm 2015 trở về trước, việc kiện tụng bảo hiểm BHXH tỉnh chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2016, quyền khởi kiện DN nợ BHXH, BHYT, BHTN lại được giao hoàn toàn cho tổ chức Công đoàn. Đây là một trong những điểm mới của Luật BHXH 2014 được BHXH Việt Nam áp dụng.
Theo ông Thọ đánh giá, về phía tổ chức Công đoàn, việc trao quyền khởi kiện DN nợ BHXH là quy định phù hợp với tình hình mới, nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong các DN, giúp tổ chức công đoàn có thêm cơ sở để đảm bảo thực hiện tốt vai trò đại diện cho tiếng nói, quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Đồng thời do đây là lần đầu tiên thực hiện vai trò khởi kiện trong khi đó số DN nợ bảo hiểm với nhiều nguyên nhân phức tạp, thời gian theo đuổi các vụ kiện dài và tốn kém nên Công đoàn sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ, khó khăn trong công tác khởi kiện trong thời gian tới. Ở từng vụ kiện phía Công đoàn cũng phải thuê luật sư riêng do hồ sơ pháp lý phức tạp hay khi phát hiện DN nợ khó đòi phải đi vận động NLĐ viết giấy ủy quyền cho Công đoàn khởi kiện… Đây đều là những công việc cần thời gian và tốn nhiều công sức.
CHÍNH THÀNH