Với giá cà phê đang đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây (từ 43 - 45 ngàn đồng/kg cà phê nhân), nhưng bên cạnh niềm vui "hái quả" sau một năm đầu tư, chăm sóc, người nông dân lại nơm nớp bởi nỗi lo mất trộm cà phê.
Với giá cà phê đang đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây (từ 43 - 45 ngàn đồng/kg cà phê nhân), nhưng bên cạnh niềm vui “hái quả” sau một năm đầu tư, chăm sóc, người nông dân lại nơm nớp bởi nỗi lo mất trộm cà phê.
Hiện nay, đã bắt đầu bước vào mùa thu hoạch cà phê, vì thế, bà con nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đang ngày đêm phải thay nhau túc trực, canh giữ, không dám rời nương rẫy để chống trộm.
|
Người dân cùng Tổ tự quản thôn Sình Công, xã Liên Hà đi tuần tra an ninh vào mùa thu hoạch cà phê. Ảnh: C.Thành |
“Cà phê tặc”… hoành hành
Di Linh là huyện có diện tích cà phê vào loại lớn nhất tỉnh với 41,6 ngàn ha. Theo phản ánh của người dân trong huyện, tuy mới vào mùa thu hoạch cà phê, nhưng đã xảy ra nhiều vụ mất trộm khiến người dân lo lắng, bất an. Hơn 1 tuần qua, ông K’Ghim (ngụ thôn 1B, xã Đinh Trang Hòa) vẫn chưa hết xót xa khi chỉ sau một đêm, hơn 20 gốc cà phê thời kỳ kinh doanh gia đình bị kẻ trộm tuốt sạch, chỉ còn trơ lại cành. Tuy nhiên, đây chưa phải là trường hợp gây thiệt hại nặng nề nhất.
Ông Nguyễn Tấn Thanh Bí thư Chi bộ thôn Sình Công (xã Liên Hà, huyện Lâm Hà): Người dân cần chủ động chống trộm
Cây trồng chủ lực và cũng là nguồn thu nhập chính của người dân thôn Sình Công là cà phê. Khi mùa vụ diễn ra, thôn chúng tôi ít để xảy ra tình trạng trộm cắp cà phê vì ngoài hoạt động hiệu quả từ Tổ an ninh thôn, xóm thì tính tự giác, chủ động bảo vệ tài sản của người dân cũng rất quan trọng. Thông thường, mỗi hộ dân tại đây vào mùa thu hoạch về đêm đều cẩn thận cử người trông coi, bật đèn chiếu sáng sân phơi cà phê, nuôi chó cảnh giác trộm... Trường hợp người dân phát hiện bị trộm phải hô hoán để Tổ an ninh thôn chốt chặn các ngả đường ra ngoài thôn và các hộ dân khác đồng lòng hỗ trợ sẽ làm kẻ trộm e dè, khiếp sợ.
Ông Dương Xuân Thảo (xã Lộc Ðức, huyện Bảo Lâm): Cần nắm rõ các đối tượng nghi vấn
Ở mỗi địa phương đều có các đối tượng nghi vấn liên quan đến nạn trộm cắp như nghiện hút, cờ bạc… Tại địa phương chúng tôi, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp, trong đó có trộm cà phê liên quan đến các đối tượng này. Vì vậy, để hạn chế bớt nạn trộm cắp cà phê, cơ quan công an nên đưa các đối tượng này vào “tầm ngắm”. Tốt nhất, công an nên gọi các đối tượng này lên làm các biện pháp răn đe, giáo dục như ký cam kết không vi phạm. Nếu làm tốt việc này, tôi nghĩ nạn trộm cắp cà phê sẽ giảm được phần nào.
Ông K’Tuấn (thôn 6, xã Tân Châu, huyện Di Linh): Cần quản lý tốt tạm trú, tạm vắng
Đến mùa cà phê, mỗi địa phương sẽ có hàng ngàn lao động từ bên ngoài đến làm thuê. Tôi nghĩ, trong số các đối tượng trộm cắp cà phê không thể loại trừ các lao động đến làm thuê. Vì vậy, về phía người dân cần chấp hành tốt việc liên hệ với chính quyền địa phương để khai báo đăng ký tạm trú, tạm vắng cho lao động. Đồng thời, chính quyền địa phương cần có biện pháp để quản lý chặt chẽ số lao động từ nơi khác đến địa phương làm việc trong mùa thu hoạch cà phê. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần có những biện pháp để tuyên truyền, vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác nhất là đối với những lao động không có giấy tờ tùy thân để kịp thời trình báo với chính quyền.
|
Ngày 12/11, dừng xe tại rẫy cà phê của ông K’Tim (thôn 6, xã Đinh Trang Hòa) chúng tôi thấy ông đang bực bội, mặt nóng bừng vì vừa phát hiện 4 hàng cà phê với gần 60 cây chỉ còn trơ cành sau một đêm. Nhìn thấy tôi, ông K’Tim có vẻ nghi ngờ hỏi: “Chú ở đâu đến? Vào đây để làm gì?”. “Nghe chuyện bà con đang mất cà phê nhiều quá nên xuống đi nắm tình hình xem sao” - tôi trả lời. “Vậy chú là công an à? Chú điều tra cho nhà tôi chứ cứ để năm nào cũng trộm thế này riết chịu sao nổi” - ông K’Tim đề nghị. Nghe tôi trả lời không phải công an, ông K’Tim than thở: “Năm nay mới đầu mùa, nhưng chỉ trong một đêm kẻ trộm đã trộm mất của gia đình tôi chừng 5 tạ cà phê tươi. Ở đây còn nhiều hộ bị mất trộm lắm chứ không phải riêng gia đình tôi đâu…”.
Một số người dân cho biết, hiện nay, tình trạng trộm cắp cà phê đang có dấu hiệu tăng lên khi mùa cà phê bắt đầu bước vào thu hoạch đại trà. Ở nhiều rẫy cà phê trong tỉnh, các chủ rẫy còn cầm theo gậy gộc đi… khám vườn cà phê nhà mình vài giờ một lần. Khi trời chập choạng tối, phát hiện những thanh niên lạ mặt, kể cả thanh niên trong thôn xuất hiện lảng vảng quanh vườn cà phê trĩu quả, người dân thường dò hỏi rất kỹ để đề phòng.
Rời xã Đinh Trang Hòa, chúng tôi tới một số xã tại huyện Lâm Hà và ghi nhận câu chuyện trộm cà phê cũng đang bắt đầu nóng dần. Chiều ngày 13/11, tại thôn Đan Hà (xã Tân Hà), gia đình chị Nguyễn Thị Lành còn chưa hết bức xúc cho biết, gia đình chị vừa bị mất 3 bao cà phê khô trong sân nhà. “Khổ lắm chú ạ, tối qua, kẻ trộm biết nhà tôi không có người canh giữ nên lẻn vào vác 3 bao cà phê của gia đình” - chị Lành nghẹn giọng.
Mặc dù mới vào đầu mùa thu hoạch cà phê, nhưng tại 3 xã Tân Hà, Liên Hà và Phi Tô đã xảy ra khoảng 7 vụ trộm cà phê. Riêng ở xã Phi Tô, do các vườn cà phê thường ở xa khu dân cư, nên các năm trước không ít gia đình bị kẻ trộm trắng trợn trải cả bạt dưới gốc, tuốt sạch trái. Năm nay, nhiều hộ dân đã chọn phương pháp làm chòi giữa vườn ăn ngủ để canh giữ vườn. Thế nhưng, thực tế có nhiều hộ không thể làm chòi canh trộm do diện tích vườn cà phê khá ít (chỉ từ 2 - 5 sào), đồng thời do không có người trông coi nên phải bấm bụng chọn cách hái cà phê xanh bán với tâm lý “non nhà hơn già đồng”.
Trắng đêm canh giữ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại những điểm “nóng” thường xảy ra nạn trộm cắp cà phê người dân tổ chức canh giữ cà phê về đêm khá phổ biến. Ông Trần Văn Hoàn, ngụ thôn 11 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 ha cà phê nhưng do rẫy ở cách nhà 5 km, nên ban ngày cũng như ban đêm phải cắt cử người vào trông coi. Đến mùa cà phê, bà con ở đây ai cũng kéo nhau vào rẫy để cùng phối hợp tuần tra, canh trộm thâu đêm. Chúng tôi, mỗi người tự trang bị cho mình các công cụ hỗ trợ đuổi trộm. Nhiều bà con còn đưa theo cả xoong, nồi, chén bát và thức ăn sinh hoạt tại rẫy để canh trộm”.
Ông K’Dịp, Phó Trưởng Công an xã Đinh Trang Hòa nhận định: “Trong 10 ngày qua, Công an xã đã tiếp nhận ít nhất 10 người dân địa phương lên trình báo bị mất trộm cà phê. Chúng tôi cũng đã đến từng hộ để lập biên bản ghi nhận vụ việc. Để phòng chống nạn trộm cắp cà phê, xã đã thành lập các tổ tự quản ở các thôn, nhưng do địa bàn rộng nên việc tuần tra, kiểm soát vào ban đêm cũng đang gặp rất nhiều khó khăn”.
Tại xã Tân Thượng (huyện Di Linh), các thành viên trong Tổ tự quản “dân cử, dân nuôi” đang thay phiên nhau phối hợp với người dân địa phương tổ chức đi tuần 24/24. Ông Nguyễn Văn Thành (ngụ thôn 1, xã Tân Thượng) tâm sự: “Mặc dù Tổ tự quản trong thôn cử người đi tuần tra liên tục suốt đêm, nhưng 4 đêm nay tôi vẫn phải thức trắng đêm để canh trộm. Ban đêm, hễ nghe tiếng chó sủa là tôi lại dậy cầm đèn đi khắp vườn để tuần tra cho tới sáng”.
|
Vườn cà phê của ông K’Tim (thôn 6, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh) vừa bị kẻ gian hái trộm. Ảnh: K.PHÚC |
Chung sức chống trộm
Theo Công an huyện Đức Trọng, trước đây vào mùa thu hoạch cà phê cao điểm trên địa bàn huyện đã xảy ra hàng chục vụ trộm cà phê với chiêu thức quen thuộc là trải bạt, tuốt trái hay trộm cà phê nhân trong sân, kho nhà người dân. Công an huyện đã tiến hành khởi tố nhiều vụ liên quan tới các đối tượng trộm có tổ chức nên giảm bớt đáng kể vụ việc liên quan tới trộm cắp cà phê. Tuy tới thời điểm này, địa bàn huyện chưa có vụ việc trộm cắp cà phê nào nổi cộm, nhưng đơn vị vẫn tích cực tuyên truyền, quán triệt một số giải pháp tới công an các xã về tình hình phòng chống trộm mùa cà phê, đảm bảo an ninh cho người dân. Theo đó, lực lượng công an xã đã tăng cường tuần tra, mai phục về đêm ở các địa bàn có dấu hiệu trộm cắp cà phê để kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Trường hợp người trong thôn, xã ăn cắp bị bắt sẽ đem ra kiểm điểm trước dân, phạt thật nặng hoặc truy tố trước pháp luật.
Để dẹp bỏ vấn nạn trộm cắp cà phê với nhiều chiêu trò, thủ đoạn phức tạp, những năm gần đây, Công an huyện Lâm Hà đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã xây dựng tổ tự quản hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện và “dân biết, dân cử”, ai tham gia lực lượng này sẽ được dân “trả lương”. Thông thường mỗi hộ dân đóng góp vào quỹ an ninh trên khoảng 50 ngàn đồng/năm cho tổ tự quản hoạt động. Tới mùa cao điểm thu hoạch, tổ tự quản từ 4 tới 7 người (tùy địa bàn), kết hợp với người dân trong thôn thay nhau tăng cường đi tuần, nên tình hình trộm cắp cà phê đã giảm đáng kể.
Là một trong nhiều xã có tổ tự quản hoạt động hiệu quả tại huyện Lâm Hà, ông Nguyễn Viết Khê, Chủ tịch UBND xã Liên Hà cho biết, thường mỗi thôn trong xã có từ 1 tới 2 tổ dân phòng. Hàng ngày, tổ dân phòng bảo vệ cà phê chia ca theo các nhóm từ 5 - 7 người thường xuyên đi tuần tra vào vụ thu hoạch. Chính vì thế, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn xã chưa thấy người dân thông báo mất trộm cà phê, bà con trong xã hoàn toàn yên tâm thu hoạch mùa vụ.
Ông Nguyễn Văn Nghinh, thôn Sình Công, xã Liên Hà vui vẻ chia sẻ với chúng tôi, nhà ông có hơn 1 ha cà phê, tuy nhà có người canh giữ vườn, những năm trước, gia đình ông vẫn bị tuốt trộm từ 20 tới 30 cây. Nay có đội dân phòng bảo vệ, vườn cà chín 70 - 80% ông mới thu hoạch. “Số tiền đóng góp cho Tổ dân phòng hoạt động chỉ mất 50 ngàn đồng/năm, so với việc các hộ phải tự bỏ tiền thuê người canh giữ là quá rẻ, người dân chúng tôi cũng an tâm hơn khi tới mùa thu hoạch” - ông Nghinh nói.
K.PHÚC - C.THÀNH