Tài sản quý giá làm nên đặc trưng của thành phố Ðà Lạt do con người tạo nên đó là quỹ biệt thự (BT) mà không có thành phố nào ở Việt Nam sánh bằng. Di sản quỹ BT thuộc sở hữu nhà nước này trở thành bảo tàng kiến trúc đặc sắc, góp phần rất quan trọng cho "thiên đường du lịch - nghỉ dưỡng" "rừng trong thành phố, nhà trong rừng" của Ðà Lạt...
Biệt thự hao mòn theo năm tháng
[links(right)]
Tài sản quý giá làm nên đặc trưng của thành phố Ðà Lạt do con người tạo nên đó là quỹ biệt thự (BT) mà không có thành phố nào ở Việt Nam sánh bằng. Di sản quỹ BT thuộc sở hữu nhà nước này trở thành bảo tàng kiến trúc đặc sắc, góp phần rất quan trọng cho “thiên đường du lịch - nghỉ dưỡng” “rừng trong thành phố, nhà trong rừng” của Ðà Lạt. Thế nhưng, không thể bàng quan mãi khi vốn quý giá đó ngày một mai một, xuống cấp do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
|
Biệt thự số 1 đường Cô Giang có diện tích xây dựng 391,61 m2, diện tích đất 1.775,97m2 là một trong 4 BT đã giao Công ty TNHH DIDAMA thuê nhưng đến nay vẫn để hoang tàn. Ảnh: M.Đ |
Nhiều biệt thự xuống cấp, hư hỏng
Tại thành phố Đà Lạt cách đây gần 20 năm, chúng tôi tham dự một hội thảo khoa học rất quy mô bàn về kiến trúc của thành phố Đà Lạt. Hội thảo do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và địa phương chủ trì đã thu hút rất nhiều chuyên gia đầu ngành về kiến trúc trong và ngoài nước để cùng khẳng định giá trị có một không hai của một bảo tàng kiến trúc đặc sắc ở Đà Lạt.
Theo thống kê của các nhà chuyên môn, trước năm 1975, thành phố Đà Lạt có tới khoảng 2.500 căn/ngôi BT có kiến trúc theo phong cách châu Âu và châu Mĩ, thấp thoáng trong những khuôn viên xanh của rừng thông tạo nên vẻ đẹp của một xứ sở du lịch - nghỉ dưỡng đặc sắc. Kể từ đó, do nhiều nguyên nhân, lần lượt hàng trăm BT mất dần đi trước sự nuối tiếc của nhiều người. Được biết, cho đến thời điểm này, các cơ quan chuyên môn của Lâm Đồng đã tiến hành điều tra, khảo sát và rà soát thống kê lần thứ 3 về quỹ BT Đà Lạt.
Năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt ban hành Đề án sử dụng hợp lý quỹ BT thuộc sở hữu nhà nước tại Quyết định số 49/2011/QĐ-UB ngày 25/8/2011 với tổng số 178 cơ sở nhà đất được phân thành 3 nhóm: có 5 cơ sở nhà đất thuộc nhóm 1, nhóm 2 là 77 cơ sở nhà đất, nhóm 3 là 96 cơ sở nhà đất. Trong quá trình quản lý sử dụng Đề án quỹ BT cho thấy hiện nay có 21 BT (9 BT nhóm 2; 12 BT nhóm 3) là các trụ sở làm việc của các sở, ban, ngành để bán và cho thuê tạo thêm nguồn vốn xây dựng trung tâm hành chính tỉnh.
Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết: BT nhóm 1 là những nhà BT gắn với di tích lịch sử, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; BT có giá trị điển hình về kiến trúc; BT nhóm 2 là những nhà BT không thuộc BT nhóm 1 nhưng có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa và BT nhóm 3 là những nhà BT không gắn với di tích lịch sử, văn hóa; BT ít giá trị về kiến trúc.
Lần khảo sát điều tra mới nhất là quý III năm 2016, nhằm xây dựng Đề án “Quản lý, sử dụng quỹ BT thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt”.
Chúng tôi đã làm việc với Phòng Quản lý nhà thuộc Sở Xây dựng Lâm Đồng và được biết, một số BT do đã xuống cấp, hư hỏng, ít có giá trị về kiến trúc không phù hợp của các nhóm hoặc đã tháo dỡ để xây dựng mới nên không còn nguyên hiện trạng BT cũ. Theo đó, sau khi các ngành và đơn vị liên quan góp ý, hiện nay, Sở Xây dựng đã chỉnh sửa hoàn thiện Đề án trình UBND tỉnh ban hành với số lượng BT sau khi điều chỉnh còn lại 142/178 biệt thự. Trong đó, nhóm 1 là 5 biệt thự, bao gồm: Dinh I (Dinh nhà vua Bảo Đại cũ), Dinh II (Dinh toàn quyền Đông Dương Jean Decoux), Dinh III (Dinh nhà vua Bảo Đại cũ), số 4 Hùng Vương (Dinh của điền chủ giàu có nổi tiếng Nguyễn Hữu Hào - thân phụ của hoàng hậu Nam Phương) và số 1 Lý Tự Trọng (Dinh Tỉnh trưởng Tuyên Đức của chế độ cũ). Trong 5 biệt thự này, hiện đã giao cho các cơ quan, đơn vị quản lý khai thác sử dụng và kinh doanh du lịch.
Nhóm 2 gồm 72 biệt thự nằm trên 17 trục đường, trong đó, tập trung trên các đường như Trần Hưng Đạo (21 BT), Quang Trung (13 BT) và Hùng Vương (7 BT) và đang giao cho các đơn vị là cơ quan, tổ chức của nhà nước sử dụng hoặc cho các đơn vị, công ty thuê làm văn phòng làm việc hay kinh doanh du lịch - thương mại...
Nhóm 3 gồm 65 BT nằm trên 29 trục đường, trong đó, tập trung ở các đường: Hùng Vương (8 BT), Pasteur (7 BT), Ba Tháng Tư (6 BT), Thủ Khoa Huân (5 BT).
Như vậy, sau khi thẩm định lại, so với đề án trước đây là 36 BT (đưa ra so với Đề án là 39 BT và thêm vào 3 BT). Trong số 39 BT (nhóm 2 là 5 BT, nhóm 3 là 34 BT) đưa ra, với lý do như sau: 8 BT đã bán đấu giá; 25 BT đã tháo dỡ triển khai dự án không còn hiện trạng BT cũ và đang có chủ trương tháo dỡ; 6 BT xem xét do diện tích khuôn viên nhỏ, khuôn viên hiện đang bị lấn chiếm và ít có giá trị về kiến trúc.
|
Biệt thự số 1A Quang Trung (kiến trúc Tây Ban Nha) sau khi được giao, nhà đầu tư Công ty Hoài Nam phục chế lại đưa vào sử dụng là điển hình về mô hình bảo tồn cần phát huy. Ảnh: M. Đạo |
Quản lý, sử dụng và khai thác như thế nào?
Trong tổng số 178 BT theo Đề án phê duyệt tại Quyết định số 49/2011/QĐ-UB ngày 25/8/2011 thì hiện nay thành phố Đà Lạt (Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt) quản lý 98 BT. Trong số này, Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt quản lý 73 BT và 25 BT tiếp nhận chuyển giao từ Sở Tài chính theo Quyết định 16/2013/QĐ-UBND ngày 15/3/2013 của UBND tỉnh. Trong số BT do Trung tâm quản lý nhà Đà Lạt quản lý có 51 BT đã có chủ trương và đã bàn giao cho nhà đầu tư 36 BT, còn 15 BT chưa bàn giao với lý do hiện nay còn 91 hộ chưa bố trí tái định cư. Như vậy, sau khi điều chỉnh Đề án còn lại 142 BT như nêu trên thì UBND thành phố Đà Lạt quản lý, sử dụng, khai thác 65 BT; 13 BT đang cho Công ty CADASA thuê do Sở Tài chính quản lý; 54 BT là các trụ sở cơ quan đang sử dụng và 10 BT để cho thuê.
Ngày 8/11, trả lời với phóng viên Báo Lâm Đồng, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quang Trung - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo về Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh Lâm Đồng cho biết, Sở Xây dựng đã chủ trì phối hợp với UBND thành phố Đà Lạt, các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá, tình hình quản lý, sử dụng, khai thác quỹ BT trong thời gian qua là các BT đã có chủ trương và bàn giao cho chủ đầu tư, nhưng một số nhà đầu tư không thực hiện theo đúng hợp đồng ký kết, cũng như theo quy định của Quyết định 16/2013/QĐ-UBND ngày 15/3/2013 của UBND tỉnh về quy định cho thuê nhà, BT thuộc sở hữu nhà nước, một số nhà đầu tư không triển khai dự án theo đúng tiến độ ký kết.
“Một số BT mặc dù đã có chủ trương cho thuê nhưng chưa bố trí tái định cư được cho các hộ đang thuê nên công tác bàn giao cho nhà đầu tư chưa được kịp thời; có những dự án đã giao nhà nhưng chưa giao đất nên chủ đầu tư không thể triển khai dự án. Tuy nhiên, trong thời gian qua, thành phố Đà Lạt chưa có biện pháp xử lý kịp thời dẫn đến kéo dài. Đây cũng là một trong những yếu tố dẫn đến trình trạng các công trình xuống cấp, hư hỏng, gây dư luận không tốt trong thời gian qua như các biệt thự tại số 01, 03, 05, 07 Cô Giang và số 17, 12, 03 Hùng Vương” - ông Trung nhấn mạnh.
Còn Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Lâm Đồng Chu Minh Chiến - người nhiều năm theo sát diễn biến về quỹ BT Đà Lạt bày tỏ sự xót xa khi liệt kê hàng loạt BT đã được giao cho các nhà đầu tư trong nhiều năm qua nhưng chủ sử dụng vẫn “giam lỏng” các ngôi BT đến lãng phí và ngày càng xuống cấp một cách oan uổng. Ông Chu Minh Chiến cũng nêu ra các địa chỉ cụ thể như: 4 BT thuộc nhóm 2 số 1, 3, 5 và 7 đường Cô Giang đã giao cho Công ty TNHH DIDAMA thuê; BT số 5 Trần Hưng Đạo giao cho Công ty Én Việt cả 10 năm nay và là BT thuộc khu bảo tồn kiến trúc... Các BT thuộc nhóm 3 như BT số 12 Huỳnh Thúc Kháng đã giao cho Công ty TNHH Hoàng Tử; BT số 11 Pasteur đã giao cho Công ty TNHH Việt Đặng; BT số 78C Trạng Trình đã giao cho Công ty Đỉnh Vàng…
Sau khi Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng đi vào hoạt động (tháng 4/2014), những cơ quan nhà nước trước đây sử dụng các BT được chuyển vào làm việc tập trung thì danh sách BT bỏ hoang tiếp tục nối dài. Bên cạnh đó, thực trạng có nhiều BT được các hộ dân thuê để ở tạm đã cơi nới, thay đổi hiện trạng so với kiến trúc ban đầu đến nham nhở gây mất thẩm mỹ đô thị.
Kỳ 2: Cấp thiết những giải pháp cứu biệt thự
MINH ÐẠO