Quỹ biệt thự Đà Lạt: Thực trạng và sự cấp thiết cứu giữ (Kỳ 2)

09:11, 15/11/2016

Một trong những yếu tố làm nên tính đặc thù thành phố Đà Lạt là sở hữu "bảo tàng kiến trúc" mà điểm nhấn quan trọng là hệ thống hệ biệt thự tại hồ sơ khoa học Lâm Đồng trình Chính phủ. Vì vậy, cần phải mạnh dạn, nghiêm túc và thẳng thắn phân tích...

Cấp thiết những giải pháp cứu biệt thự  
 
[links(right)] Một trong những yếu tố làm nên tính đặc thù thành phố Đà Lạt là sở hữu “bảo tàng kiến trúc” mà điểm nhấn quan trọng là hệ thống hệ biệt thự (BT) tại hồ sơ khoa học Lâm Đồng trình Chính phủ. Vì vậy, cần phải mạnh dạn, nghiêm túc và thẳng thắn phân tích những nguyên nhân tác động đến di sản BT để nhanh chóng có giải pháp cứu được di sản BT, dù đã quá muộn.  
 
Cụm biệt thự Lê Lai là mô hình bảo tồn kiến trúc rất cần được học tập. Ảnh: M.Đạo
Cụm biệt thự Lê Lai là mô hình bảo tồn kiến trúc rất cần được học tập. Ảnh: M.Đạo

Quản lý lỏng lẻo và thiếu đồng bộ 
 
Trả lời PV Báo Lâm Đồng, Phó Thường trực Ban chỉ đạo về Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BCĐ CSNƠ & BĐS) tỉnh Lâm Đồng, Giám đốc Sở Xây dựng - Lê Quang Trung thẳng thắn: “Một số BT lẻ khi nhà nước giao cho một số đơn vị quản lý sử dụng thì họ chỉ biết đó là trụ sở làm việc, chứ không có ý thức và trách nhiệm để giữ gìn một công trình kiến trúc đặc sắc. Cho nên hư thì cho hư luôn. Vì vậy, đã làm cho một số BT xuống cấp, gây ra những phản cảm”. Việc giao sử dụng chưa được quản lý nghiêm túc mà còn sử dụng sai mục đích, không đúng công năng; còn bên thuê cũng để tồn tại nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm nay. Tồn tại rõ nhất là một số nhà đầu tư hoặc không thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các hộ để giải phóng mặt bằng; một số khác lại không triển khai ký hợp đồng thuê tài sản tuy đã nhận bàn giao nhà đất. Số nhà đầu tư khác nhận bàn giao, ký hợp đồng thuê nhưng không triển khai dự án và cũng không thực hiện bảo trì công trình. 
 
Vậy trách nhiệm về quản lý nhà nước như thế nào. Tại báo cáo “Tình hình triển khai thực hiện chính sách nhà ở và thị trường bất động sản 9 tháng năm 2016 và nhiệm vụ thực hiện 3 tháng cuối năm 2016” của BCĐ CSNƠ & BĐS tỉnh Lâm Đồng, ông Lê Quang Trung cũng khẳng định “một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng các công trình xuống cấp, hư hỏng, gây dư luận không tốt trong thời gian qua” là do “thành phố Đà Lạt chưa có biện pháp xử lý kịp thời dẫn đến kéo dài”. 
 
Chúng tôi đã đăng ký làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt trong nhiều ngày qua nhưng cho đến thời điểm trước ngày báo phát hành vẫn chưa được đồng ý xếp lịch làm việc. Còn theo ông Nguyễn Hàng - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt cung cấp, tại thời điểm hiện nay, theo Đề án Quỹ BT (Quyết định 49/2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng), Trung tâm đang quản lý 88 BT, nay đã đưa ra 15 BT để bán đấu giá, còn lại 73 BT (đã có chủ trương 51 BT, trong đó 36 BT đã bàn giao và 15 BT chưa bàn giao); chưa có chủ trương 11 BT và thu hồi 11 BT. Trong 51 BT nêu trên, đã bàn giao cho 14 nhà đầu tư với 30 BT (11 BT đã triển khai dự án, 19 BT chưa triển khai dự án)… Một vướng mắc tồn tại hiện nay nữa là vấn đề chưa có quỹ nhà để bố trí tái định cư sau khi giải tỏa các hộ để lấy lại BT và đất trong khuôn viên BT. Ông Nguyễn Hàng cho biết thêm, hiện chỉ mới bố trí được 284 hộ/559 hộ và một số hộ ở trong BT không hợp tác với ngành chức năng do đó cũng khó khăn trong việc triển khai giải tỏa mặt bằng giao cho nhà đầu tư…
 
Đặt vấn đề thực trạng nhiều BT đã và đang bị bỏ hoang trong nhiều năm hoặc xuống cấp, ông Lê Quang Trung khẳng định: Thực tế chúng ta làm chưa tốt. Câu hỏi đặt ra là: Trước hết, ai quản lý quỹ BT này? Quản lý là phải giám sát, kiểm tra, phúc tra hiệu quả quản lý như thế nào, nghĩa là công tác bảo trì hàng năm như thế nào? Quản lý là phải kiểm tra, đúng công năng không, sử dụng sai thì tham mưu để thu hồi sớm; BT xuống cấp không, nếu xuống cấp thì phải có kế hoạch sửa chữa kịp thời ngay. 

Ông Lê Quang Trung đánh giá: “Thực tế thời gian vừa qua chúng ta đã buông lỏng công tác quản lý. Sắp tới, tôi sẽ cho thanh tra về nội dung này. Không thể đã cho nhà đầu tư thuê rồi thì mình hết trách nhiệm. Cơ quan chức năng của UBND thành phố Đà Lạt phải có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, có số liệu đầy đủ, kịp thời báo cáo tỉnh để chấn chỉnh”.
 
Biệt thự số 5 Trần Hưng Đạo có vị trí đẹp giao nhà đầu tư 8 năm nay nhưng để hoang phế
Biệt thự số 5 Trần Hưng Đạo có vị trí đẹp giao nhà đầu tư 8 năm nay nhưng để hoang phế
Những giải pháp nào để “cứu” biệt thự?
 
Với thực trạng nêu trên, cuối tháng 10/2016, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng “Đề án quản lý sử dụng quỹ BT thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt” và đang chờ phê duyệt. Ông Lê Quang Trung cho biết: Cái “hồn” của Đề án này trước hết là đánh giá lại thực trạng (bao gồm hiện trạng BT, hiện trạng quản lý sử dụng), trên cơ sở đó đưa ra các nguyên tắc quản lý. Nguyên tắc đó là phân ra các loại BT theo từng nhóm, mỗi nhóm có 1 nguyên tắc quản lý riêng. “Cần phải có sự thay đổi thì quỹ BT mới có thể cứu nó được, còn nếu cứ để nhà đầu tư vứt bỏ như thế thì tiếp tục xuống cấp và mất luôn. Kế hoạch năm 2017, theo chủ trương chung của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng Lâm Đồng sẽ tiến hành triển khai rà soát kiểm định nhằm đưa ra các phương án: cải tạo, nâng cấp hay tháo dỡ…”, ông Trung nhấn mạnh. 
 
Thực hiện Văn bản số 5775/BTC-QLCS ngày 28/4/2016 của Bộ Tài chính về việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11/5/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành Văn bản số 2468/UBND-TC gửi ba Sở: Tài chính, TN&MT và Xây dựng “Khẩn trương thẩm định, trình UBND tỉnh có ý kiến đối với phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các doanh nghiệp do trung ương (địa phương khác) quản lý đóng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. 
 
Để công tác bảo tồn quỹ BT Đà Lạt thực chất có hiệu quả, vấn đề quan trọng là các ngành và địa phương liên quan phải quyết tâm, kiên quyết trong xử lý. Mặt khác, cần minh bạch và chặt chẽ; không lợi dụng để đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích của cộng đồng và xã hội…Có thể nêu một vài giải pháp cụ thể trên cơ sở khắc phục những tồn tại đã nêu trên như: sớm xây dựng chung cư để tạo quỹ nhà phục vụ tái định cư; kiên quyết thu hồi đối với những trường hợp vi phạm hợp đồng thuê tài sản; chấn chỉnh nghiêm túc những BT đang được sử dụng sai mục đích; tích cực triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…
 
Biệt thự số 03 Hùng Vương sau khi chuyển cơ quan vào Trung tâm hành chính làm việc đang để bỏ hoang
Biệt thự số 3 Hùng Vương sau khi chuyển cơ quan vào Trung tâm hành chính làm việc đang để bỏ hoang
Bởi có thể chỉ ra đây mô hình đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản rất cần được nhân rộng. Đó là cụm 17 BT tại đường Lê Lai phường 5 được Công ty cổ phần Phát triển du lịch Tân An thuê năm 2003, đầu tư hơn 100 tỉ đồng thành Khu nghỉ mát Ana Mnadara Villa Dalat và đưa vào sử dụng cuối năm 2006 nhưng hầu như không gian kiến trúc và cảnh quan tại đây vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính và lãng mạn nguyên bản của các công trình kiến trúc Pháp từ những năm 1920-1930. Vì vậy, với 72 phòng nghỉ, công suất phục vụ hàng năm luôn đạt trung bình hơn 50%. Trong đó, khu nghỉ mát này đặc biệt hấp dẫn đối với khách quốc tế (khoảng 65%), đến từ nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Úc, Mĩ, Anh, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc… Nơi này cũng đã có nhiều nguyên thủ quốc gia và đại sứ quán các nước đến nghỉ.      
       
Vấn đề bảo tồn quỹ BT tại Đà Lạt là bảo tồn kiến trúc đặc trưng, trong đó gắn với sự phát triển tiếp nối; bảo tồn dựa trên cơ sở các tiêu chí quản lý của từng loại hình BT, nhóm BT thông qua việc đánh giá hiện trạng, giá trị kiến trúc, tuổi thọ, hiệu quả khai thác, sử dụng của BT. Theo đó, bảo tồn luôn được đặt trong hệ quy chiếu của những giá về các mặt như lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, quy hoạch, cảnh quan đô thị và giữ được tính nguyên bản ở mức tối đa có thể…Theo hướng đó, hy vọng quỹ BT Đà Lạt sẽ chấm dứt tình trạng tiếp tục mất đi hay xuống cấp trước sự xót xa của nhiều người. 
 
MINH ÐẠO