Là một "ốc đảo", xã Sơn Ðiền có địa hình khá phức tạp, được bao bọc bởi nhiều ngọn núi, con suối, nên hằng năm, mỗi khi mùa mưa đến là người dân trong xã phải hứng chịu những trận lũ quét, mà cao điểm là từ tháng 8 - 10. Lũ quét gây sạt lở đất, vùi lấp đồng ruộng của người dân, tàn phá và cuốn trôi các đê, đập thủy lợi nhỏ, gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân…
Là một “ốc đảo”, xã Sơn Ðiền có địa hình khá phức tạp, được bao bọc bởi nhiều ngọn núi, con suối, nên hằng năm, mỗi khi mùa mưa đến là người dân trong xã phải hứng chịu những trận lũ quét, mà cao điểm là từ tháng 8 - 10. Lũ quét gây sạt lở đất, vùi lấp đồng ruộng của người dân, tàn phá và cuốn trôi các đê, đập thủy lợi nhỏ, gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân…
Khi biết UBND tỉnh Lâm Đồng có chủ trương bố trí nguồn vốn xây dựng cầu Đạ Rơ Sas, xã Sơn Điền (Di Linh), người dân nơi đây rất vui mừng và phấn khởi. Tuy nguồn vốn đầu tư xây dựng cây cầu đã được phê duyệt nhưng do gặp trở ngại, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đến nay, cầu Đạ Rơ Sas vẫn chưa được thi công. Cầu Đạ Rơ Sas được xây dựng trước năm 2000 có chiều dài trên 40 m, rộng 3 m, được xây dựng theo dạng đập tràn, nên có độ cao từ lòng suối lên đến mặt cầu khoảng hơn 1 m. Mỗi khi có mưa to, nước lũ từ thượng nguồn đổ về rất nhanh, nước từ các khe suối dâng cao, chảy xiết và đổ dồn về cầu Đạ Rơ Sas làm ngập cầu và chia cắt một số thôn trong xã, gây khó khăn trong việc sinh hoạt đi lại của người dân.
Khi hỏi về trận lũ kinh hoàng xảy ra năm 2007, hầu như mọi người dân ở Sơn Điền ai cũng đều biết và vẫn còn ám ảnh họ cho đến ngày nay, vì nó không những tàn phá ruộng vườn, hoa màu, đường ống nước sinh hoạt tự chảy…, mà còn làm cuốn trôi xe máy, cướp đi sinh mạng của ông K’Nôm ở thôn Bồ Kao và 1 sinh viên tình nguyện.
“Mỗi khi mùa mưa lũ đến, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn lắm, nhất là các cháu học sinh phải hàng ngày đến trường. Tính đến nay, mưa lũ đã cướp đi gần 10 mạng người rồi. Bà con mình mong muốn các cơ quan chức năng cấp trên cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc để hai hộ dân cố tình không chịu di dời sớm bàn giao mặt bằng thi công cây cầu, tạo điều kiện cho người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại, nhất là mỗi khi lưu thông qua cầu” - ông K’Tỏi, một Cựu chiến binh xã Sơn Điền chia sẻ.
Tuy dự án xây dựng cây cầu đã được phê duyệt, phân bổ nguồn vốn nhưng công tác giải phóng mặt bằng đang gặp rất nhiều khó khăn do các hộ ông Nguyễn Ngọc Bân và Lê Xuân Hùng chây ỳ không chịu di dời, bàn giao mặt bằng.
Điều đáng nói ở đây là, khi biết thông tin UBND tỉnh có chủ trương đầu tư kinh phí xây dựng cây cầu thì hộn ông Lê Xuân Hùng đã tiến hành xây cất nhà ở và đã bị chính quyền xã Sơn Điền lập biên bản, ra quyết định đình chỉ xây dựng nhưng hộ này vẫn cố tình làm nhà.
Ông K’Vít - Chủ tịch UBND xã Sơn Điền cho biết: “Bức xúc lớn nhất của người dân nơi đây là mỗi khi có mưa lũ về không những tàn phá mùa màng mà còn cản trở người dân, đặc biệt là các cháu học sinh khi qua cầu. Những lúc mưa to, gió lớn, các trường học buộc phải cho các cháu nghỉ học sớm. Bên cạnh đó, khi có mưa lũ, hay mưa to kéo dài thì việc đi lại và vận chuyển các mặt hàng nông sản của người dân vô cùng khó khăn, bởi phải chờ nước rút mới dám qua cầu”.
Mong muốn xây dựng cây cầu là một trong những nhu cầu bức thiết và chính đáng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Sơn Điền. Tuy UBND tỉnh đã phê duyệt, phân bổ kinh phí 7,4 tỷ đồng để xây dựng cây cầu mới, nhưng vấn đề vướng mắc và nan giải nhất của cấp ủy, chính quyền địa phương hiện nay chính là công tác giải phóng mặt bằng.
“Mặc dù, thời gian qua, địa phương đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhưng hai hộ dân nói trên vẫn cố tình gây khó khăn trong việc bàn giao mặt bằng. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục làm công tác tuyên truyền, vận động và nếu như hộ ông Bân và ông Hùng không chịu tháo dỡ, di dời ngôi nhà, địa phương sẽ kiến nghị lên cấp trên ra quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế để đảm bảo việc bàn giao mặt bằng và sớm thi công công trình” - ông K’Vít cho biết.
NDONG BRỪM